Dấu hiệu và tác hại của bệnh loãng xương là gì?

15:51 07/11/2014

(Giúp bạn)

Dấu hiệu và tác hại của bệnh loãng xương là gì? Xin tư vấn cho tôi dấu hiệu và tác hại của bệnh loãng xương là gì?


Chúng ta đều biết, do quá trình lão hóa, hơn một nửa số người trên 50 tuổi bị loãng xương, mà nếu xương yếu, khi bị gãy xương thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Làm thế nào nhận biết những dấu hiệu xương đang mỏng đi, tức là bệnh loãng xương đang tiến triển?

 

1. Gãy xương ít nhất 2 lần trong 2 năm hoặc ngã nhẹ nhưng xương gãy nghiêm trọng

 

Có người chỉ bước hụt lên vỉa hè mà gãy cả xương cổ chân, khi đi khám mới biết bị loãng xương. Do đó, nếu cảm thấy xương không đủ mạnh để duy trì một số động tác, hãy đo mật độ xương định kỳ nhằm đo lượng canxi và khoáng chất quan trọng khác trong xương, giúp dự đoán khá chính xác về nguy cơ gãy xương.

 

2. Người có khung nhỏ hoặc thân hình mỏng

 

Qua nghiên cứu, những ai nhỏ người hoặc thân hình mỏng mảnh có khả năng bị loãng xương ở độ tuổi còn trẻ hơn. Khối lượng xương trong cơ thể đạt được mức đỉnh rồi ngừng lại trong giai đoạn từ 20 đến 25 tuổi, và từ 30 đến 40 tuổi, chúng ta bắt đầu mất xương. Bởi vậy, nếu bạn dưới 40 tuổi, có thể áp dụng chế độ làm việc, sinh hoạt như tuổi 30 để chống loãng xương: Dùng các sản phẩm của sữa và thực phẩm giàu canxi khác, có thể tập thể dục cường độ cao. Từ 40 tuổi trở lên, tiếp tục ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, bổ sung canxi-magiê-vitamin D và tích cực tập thể dục.

 

 

3. Dùng thuốc corticosteroid thời gian dài

 

Bệnh nhân dùng dòng thuốc này điều trị các bệnh liên quan đến tự miễn như bệnh lupus hoặc thấp khớp có thể bị tan canxi, vitamin D và các chất dinh dưỡng khác từ xương. Vì thế, hầu hết người bệnh dạng này đều kiểm tra mật độ xương để xác định có thể chịu được các tác động của thuốc hay không. Nhiều bác sỹ cũng kê thuốc uống cùng là biphosphonates giúp xây dựng xương.

 

4. Hút thuốc

 

Không rõ thuốc lá có thể phá hoại xương như thế nào nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, những người hút thuốc lá có tỷ lệ bị loãng xương cao. Một lần nữa, hãy nói không với thuốc lá vì bỏ thuốc chính là giúp cho người đó có thêm lợi ích về sức khỏe đối với bộ xương của mình.

 

5. Không uống sữa

 

Sữa bò hay sữa đậu nành thuộc nhóm thực phẩm tốt nhất cho xương vì giàu canxi, vitamin D và nhiều chất khoáng quan trọng khác. Nếu không dung nạp được sữa, có thể bạn phải bổ sung vitamin tổng hợp có thành phần canxi, magiê và vitamin D để có bộ xương chắc khỏe hơn.

 

6. Phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt

 

Chu kỳ thất thường là do lượng hormone estrogen thấp. Thật không may, estrogen thấp trực tiếp làm cho mất xương. Bởi vậy, phụ nữ có kinh nguyệt không đều hãy kiểm tra sức khỏe. Họ có thể mắc một chứng bệnh nào đó liên quan đến nội tiết tố chẳng hạn như đa nang buồng trứng. Cách dễ dàng điều trị là uống thuốc tránh thai liều thấp để tránh sự gián đoạn hormone.

 

7. Tiền sử gia đình

 

Đây là một chỉ số quan trọng đối với bệnh loãng xương. Người lớn tuổi có tiền sử gãy xương nhiều lần, người già bị thấp đi, rất có thể họ đã bị loãng xương mà không được chẩn đoán. Nếu gia đình bạn đã có 1, 2 người thân bị như vậy, có khả năng bạn cũng sẽ bị

loãng xương.

 

Hậu quả của bệnh loãng xương

 

Gãy xương khi bị những chấn thương nhẹ là hậu quả cuối cùng của bệnh loãng xương. Gãy xương do loãng xương thường gặp ở các vị trí chịu lực của cơ thể như cột sống, thắt lưng và cổ xương đùi. Với người có tuổi thường có nhiều bệnh lý của tuổi tác đi kèm như tim mạch, huyết áp, tiểu đường... và đặc biệt với tình trạng loãng xương nặng saün có (thiếu chất khoáng và protein của xương) thì việc liền xương thường rất khó khăn, đa số người bệnh phải nằm tại chỗ nhiều ngày, thậm chí phải nằm điều trị dài ngày trong bệnh viện. Việc nằm tại chỗ dài ngày khi gãy xương không những làm tình trạng loãng xương càng nặng lên mà còn kéo theo nhiều nguy cơ rất bất lợi cho sức khỏe người có tuổi như bội nhiễm đường hô hấp, đường tiết niệu, loét mục ở các điểm tỳ đè... Đây cũng là một nguyên nhân chính gây tàn phế và giảm tuổi thọ cho người có tuổi (theo thống kê, ở các nước phát triển có đến 20% người có tuổi bị gãy cổ xương đùi sẽ tử vong trong vòng 6 tháng đầu vì các biến chứng do nằm lâu nêu trên).

Tổng hợp


Comments