Làm thế nào để dỗ con nín khóc?
(Giúp bạn)
Xin chào chuyên mục. Bé nhà mình được 11 tháng rồi, bé rất hay quấy và khóc, nhiều khi đi làm về đã mệt nghe con khóc làm mình bị stress mà không tài nào có thể dỗ bé nìn được. Chuyên mục có thể cho mình biết cách làm thế nào để dỗ cho con nín khóc được không? Mình cảm ơn
Sau đây là 21 bí quyết sẽ giúp bạn dỗ bé nín khóc một cách hiệu quả hơn.
1. Giữ bình tĩnh.
Điều tốt nhất bạn có thể làm khi con bạn đang khóc là hãy giữ bình tĩnh. Bạn càng căng thẳng bao nhiêu thì bé cũng căng thẳng bấy nhiêu. Cho nên, hãy bình tâm lại thì bé có thể bắt chước làm theo.
2. Kiểm tra tã lót.
Một chiếc tã lót bị ướt hoặc bẩn là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất khi bé khóc. Dù là bạn vừa mới thay tã cho bé, nhưng tốt hơn hết là vẫn nên kiểm tra lại.
3. Kiểm tra thân nhiệt của bé.
Hãy sờ phía sau gáy để xem bé đang nóng hay lạnh. Cho bé mặc thêm hoặc cởi bớt áo quần cho phù hợp.
4. Cho bé ăn.
Hầu hết mọi đứa bé khóc là vì đói. Hãy thử cho bé bú để xoa dịu bé cưng. Nhiều bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ lo ngại cho con ăn quá nhiều vì con của họ đòi ăn suốt. Nhưng các chuyên gia cho rằng điều này hết sức bình thường vì sữa mẹ được hấp thu rất nhanh chóng.
5. Cho bé ợ hơi.
Nếu bé khóc sau khi cho ăn thì có lẽ bé bị đầy hơi. Thử vỗ nhẹ vào lưng bé, gập gối bé phía trước ngực hoặc xoa lưng khi bé nằm trên vai để bé ợ hơi.
6. Làm bé phân tâm.
Thật bất ngờ vì đây là chiêu mà các bố mẹ thường hay sử dụng. Mỗi khi khó dỗ bé nín thì hãy thử “phùng mang trợn má”, làm mặt hề để trêu ghẹo bé làm bé quên mất lý do mình khóc lóc.
7. Ôm ấp
Đôi khi, tất cả những gì một đứa bé cần là tình yêu. Hãy dành vài phút ôm ấp, vỗ về bé yêu. Hôn bé, ôm chặt bé và nói cho bé rằng: “Con yêu ơi, mẹ yêu con nhiều lắm.”
8. Thay đổi tư thế ôm bé.
Một số bé thích được bế trên vai, một số thích ẳm ngữa… Hãy thử cách bồng nào mà bé thích nhất.
9. Hát hay ngâm nga.
Một ca khúc dịu dàng được hát bằng một giọng quen thuộc sẽ thường làm dịu cơn khóc của bé. Không nhất thiết bạn phải hát thành lời, chỉ cần ngâm nga một giai điệu nhẹ nhàng trong miệng cũng đủ làm xoa dịu bé. Hãy thử tuyệt chiêu này và bạn sẽ bất ngờ đấy!
10. Múa.
Hãy ôm bé vào lòng, di chuyển tới lui nhẹ nhàng – điều này có thể đánh lừa bé thôi không quấy khóc. Hơi ấm từ cơ thể mẹ và cảm giác được ôm ấp sẽ càng làm tăng hiệu quả.
11. Lắc lư nhẹ nhàng.
Đặt bé lên nôi hoặc võng và lắc lư nhịp nhàng. Đối với vài bé, sự chuyển động nhẹ nhàng có thể giúp xoa dịu cảm giác khó chịu.
12. Cởi đồ của bé.
Đôi khi lý do làm bé khó chịu nằm ở quần áo bé đang mặc. Vì thế các chuyên gia đề nghị nên cởi hết quần áo của bé ra xem có gì bất ổn: da bé có bị nổi mẩn, tã lót có bọc quá chặt hay không.
13. Tắm bé.
Nước ấm có thể giúp bé xoa dịu trạng thái căng thẳng. Hãy nhỏ vài giọt tinh dầu hương thơm vào nước tắm và mẹ con cùng tắm chung – đây cũng là một cách giúp mẹ thư giãn.
14. Tiếp xúc da chạm da giữa mẹ và bé.
Các nghiên cứu đã cho thấy khi mẹ và bé tiếp xúc da chạm da ở vùng ngực, bụng không những giúp xoa dịu bé mà còn thắt chặt thêm tình mẫu tử.
15. Xoa bóp cho bé.
Cởi đồ bé ra và đặt bé nằm sấp, nhẹ nhàng xoa lưng theo chiều hướng xuống thắt lưng bé. Bạn có thể dùng thêm dầu mát-xa để tăng hiệu quả. Xoa bóp nhẹ nhàng có thể giúp bé cảm thấy dễ chịu và buồn ngủ.
16. Cho bé ngậm núm vú giả.
Mặc dù có nhiều ý kiến trái ngược nhau về việc cho bé ngậm núm vú giả nhưng nhiều em bé dường như được xoa dịu khi chúng được bú mút một cái núm vú giả.
17. Giảm kích thích bên ngoài.
Đôi khi bé khóc vì có quá nhiều thứ đang diễn ra xung quanh khiến bé sợ hãi, lo âu. Hãy thử giảm bớt ánh sáng, tiếng động,… để xem phản ứng của bé ra sao.
18. Ấp ủ bé trong chăn.
Quấn bé trong một chiếc chăn mỏng, ấm áp, mềm mại. Ấp ủ bé trong chăn có thể giúp bé cảm thấy an toàn, ấm áp như đã từng nằm trong bụng mẹ.
19. Đưa bé đi dạo.
Không khí trong lành và nắng ấm có thể giúp mẹ và bé cảm thấy dễ chịu hơn. Bạn có thể đặt bé vào xe đẩy hoặc đơn giản là ẵm bé đi dạo vòng vòng.
20. Sử dụng tạp âm trắng.
Nhiều bậc cha mẹ dỗ con nín thành công nhờ vào “tạp âm trắng”. Một âm thanh êm tai từ động cơ có thể giúp làm dịu bé và dỗ bé ngủ. Ví dụ như máy hút bụi, máy sấy tóc và quạt máy. Nếu bạn tìm được một thứ âm thanh nào mà con bạn có vẻ “ưa thích” thì hãy ghi âm lại để dành sử dụng lâu dài.
21. Biết khi nào nên đầu hàng.
Thậm chí đến một người mẹ bình tĩnh và kiên nhẫn nhất đôi lúc còn chịu đựng hết nỗi khi con quấy khóc liên tục. Nắm rõ ngưỡng giới hạn chịu đựng của bạn sẽ giúp bảo vệ bạn và bé. Khi bạn thấy mình vô cùng bất lực, tuyệt vọng thì hãy đặt bé nằm trong nôi vào đóng cửa lại. Hãy dành vài phút để bạn bình tĩnh trở lại và tự nhũ với lòng rằng giai đoạn khó khăn này sẽ sớm qua nhanh. Nếu cần hãy nhờ người thân giúp đỡ để bạn có thêm thời gian nghỉ ngơi, dưỡng sức.
Chúc bạn thành công nhé!
HV