Mẹo giúp trẻ không bị nôn trớ khi ăn?
(Giúp bạn)
Xin chào chuyên mục. Bé nhà mình được hơn 5 tháng rồi mà dạo này bé cứ ăn sữa xong là bị trớ làm mình rất sót con. Chuyên mục có thể cho mình biết có mẹo nào để trẻ ăn xong mà không bị nôn trớ không? Mình cảm ơn
Nôn trớ đơn thuần thường liên quan đến ăn uống. Hay gặp ở trẻ nhỏ do ép trẻ ăn quá nhiều, bú quá no, nằm liền sau khi bú, hoặc không dung nạp thức ăn hoặc bắt đầu ăn bổ sung với thức ăn mới lạ, hoặc ăn nhiều quá 1 loại thức ăn nào đó. Do vậy, chỉ cần điều chỉnh cách cho ăn. Chuyên mục xin chia sẻ một số mẹo giúp bạn có thể cho trẻ ăn mà không bị nôn trớ nhé:
- Không ép trẻ ăn nhiều làm cho trẻ ngại khi nhìn thấy thức ăn.
- Khi cho 1 loại thức ăn mới nên cho từ ít đến nhiều, từ lỏng đến đặc, chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày .
- Ở những trẻ bú mẹ thì sau khi bú xong nên bế trẻ 10-15 phút rồi mới đặt trẻ nằm.
- Khi cho trẻ bú bình lưu ý sao cho sữa ngập núm vú bình để tránh nuốt không khí vào dạ dày.
Sau khi nôn, nghỉ ngơi, trẻ vẫn có thể ăn bình thường, không sút cân, thì đó là nôn trớ sinh lý mà sau 7 – 8 tháng tuổi thường không còn nữa, không nên dùng thuốc. Để hạn chế trớ sinh lý, cần phối hợp cả chế độ ăn, cho trẻ bú đúng tư thế. Bú nhiều lần trong ngày, từ từ, mỗi lần bú không quá no, nếu trẻ đã ăn giặm thì từ từ tăng độ đặc của bột. Chú ý ở thời gian trước 3 tháng, nước bọt bài tiết rất ít. Vì vậy, bà mẹ không nên cho trẻ ăn bột trước thời điểm này.
Khi trẻ nôn, lưu ý tư thế giúp trẻ dễ chịu:
Bế trẻ ngồi, đặt một tay ở trán trẻ để đỡ phần đầu, tay còn lại đỡ phần dưới ngực để trẻ nôn dễ dàng.
Với trẻ dưới 6 tháng, nên đặt ở tư thế nằm nghiêng bên trái, đầu hơi cao để trẻ không bị sặc chất nôn vào đường thở gây ngạt, không nên bắt trẻ uống sữa lại ngay sau khi bị nôn. Khi trẻ nôn xong, nên cho trẻ nằm nghỉ.
Nôn trớ nhiều có thể gây mất nước, mất điện giải và mệt mỏi do co thắt cơ hoành, cơ thành bụng. Cha mẹ nên lau mặt, miệng cho trẻ, thay áo, súc miệng để tránh mùi khó chịu do chất nôn gây nên.
Biện pháp dùng thuốc chỉ sử dụng khi việc điều chỉnh chế độ ăn và tư thế bú không có kết quả, đồng thời có chỉ định của bác sĩ. Các thuốc tăng cường co thắt phần cuối thực quản, chống trào ngược và mở rộng cơ môn vị để thức ăn tống khỏi dạ dày.
Tuy nhiên, ngoài nôn trớ sinh lý còn có thể nôn trớ do bệnh lý. Nôn trớ có thể xảy ra cấp tính kèm theo với tiêu chảy, chướng bụng, táo bón hoặc kéo dài trong vài tuần, vài tháng. Vì thế, cha mẹ cần theo dõi và đưa trẻ đến bệnh viện nếu trẻ nôn nhiều kèm theo sốt mệt mỏi, kèm theo co giật hoặc ngủ li bì, nôn nhiều lần trong vòng 6 giờ.
Khi nôn trớ, trẻ có sốt thì cần chú ý tới các bệnh đường tiêu hóa như nhiễm trùng dạ dày, ngộ độc thức ăn, viêm mũi – tai, viêm màng não, viêm ruột thừa, nhiễm vi khuẩn.
Nôn trớ kéo dài không kèm sốt có thể do chế độ ăn sai lầm, hẹp môn vị lồng ruột, thoát vị nghẹt, không dung nạp một số chất, rối loạn vận động dạ dày, thực quản. Theo dõi và ghi nhận số lần nôn, khối lượng màu sắc, mùi chất nôn, tình trạng toàn thân trẻ, dấu hiệu mất nước, sốt, chướng bụng, bí trung đại tiện, tình trạng bài tiết phân su. Nếu trẻ nôn mọi thứ, nôn nhiều lần, dữ dội, nôn ra dịch vàng, máu, thức ăn cũ hôi; nôn kèm mất nước, sốt, bí trung đại tiện, chướng bụng, co giật thì cần đưa đến bác sĩ nhi khoa khám.
Chúc bạn thành công và luôn vui vẻ bên thiên thần bé nhỏ của mình nhé!
HV