Uống nước ngọt có ga làm giảm loét dạ dày?
(Giúp bạn)
Uống nước ngọt có ga có thể làm giảm loét dạ dày đúng không ạ? Mới đây mình có nghe loáng thoáng là như thế? Không biết thực hư như nào ạ? Có ai biết dõ không? Cho em chút thông tin với ạ! Em cảm ơn!
Trong khi Bộ Tài chính lo ngại, nước ngọt có gas sẽ có hại cho sức khỏe nên cần đánh thuế tiêu thụ đặc biệt thì chuyên gia y tế của Mỹ, bác sĩ Mason Cobb, chủ tịch Hội đồng Y tế và Sức khỏe, Phòng Thương mại Mỹ (Amcham) tại Việt Nam lại cho rằng loại đồ uống thông dụng này thực chất còn có lợi cho sức khỏe, ví dụ giảm loét dạ dày.
Phụ gia cho nước ngọt: nếu gây hại, đã bị cấm
Những tranh luận xoay quanh câu chuyện thuế tiêu thụ đặc biệt cho nước ngọt có gas không cồn vẫn nóng hổi, khi chỉ vài tháng nữa, dự Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi sẽ được trình ra Quốc hội.
Giải thích về điểm mới này, Bộ Tài chính – cơ quan soạn thảo đã nêu ra nhiều lo ngại về tác hại xấu của nước ngọt, như là gây bệnh béo phì, hay bệnh dạ dày…
Tuy nhiên, chia sẻ với báo chí, bác sĩ Mason Cobb, chủ tịch Hội đồng Y tế và sức khỏe, Amcham đánh giá, nếu cho rằng, tiêu thụ ít nước ngọt hơn thì sẽ hấp thụ ít đường hơn, qua đó làm giảm tỷ lệ béo phì thì đó là một quan niệm sai lầm. Bởi lẽ, giá nước ngọt có thể cao hơn sau khi áp thuế, có thể làm giảm nhu cầu đối với loại mặt hàng này, nhưng người tiêu dùng sẽ chuyển sang các sản phẩm thay thế, đó có thể là một đồ uống có đường hoặc đồ ngọt khác.
Ông dẫn chứng tiếp, tất cả các nước ngọt, như trà xanh đóng chai, nước ép nho, nước cam, nước táo, nước ngọt nhập khẩu, v.v. được liên hệ với bệnh béo phì. Trong đó, yếu tố ga (CO2) hoàn toàn trung lập, do CO2 không có calo. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây của Đại học Wisconsin, Hoa Kỳ cho thấy, khi lượng hấp thụ đường từ thức uống giảm, lương calo tương tự sẽ được thay thế bằng các thực phẩm giàu calo khác, như khoai tây chiên, nem rán (chả giò), bánh chưng, v.v. Do đó, câu trả lời thực tế là giảm lượng nước ngọt không làm giảm béo phì.
“Nếu mong đợi đạt được hiệu ứng sức khỏe cộng đồng tương tự như thuế tiêu thụ đặc biệt cho rượu và thuốc lá thì một cách logic là cần phải đánh thuế vào tất cả các sản phẩm có đường. Điều đó tất nhiên là không thể”, bác sĩ này phân tích.
Vị chuyên gia y tế và sức khỏe này cũng khẳng định, các lo ngại về ảnh hưởng xấu của phụ gia trong nước ngọt đối với sức khỏe cũng là không đúng về khoa học.
Ông phân tích: “Thành phần của bất kỳ chất phụ gia nào trong nước ngọt có ga đều được quy định bởi Cục Vệ Sinh An Toàn Thực Phẩm Việt Nam. Có nghĩa là bất cứ sản phẩm nào đáp ứng được yêu cầu của Cục VSATTP đều không gây bất kỳ nguy cơ nào cho sức khỏe của người tiêu dùng. Nếu không, nó sẽ không được phép lưu hành trên thị trường”.
Ngược lại, theo phân tích của bác sĩ Mason Cobb, đồ uống có ga không hề gây tổn thương lâu dài cho đường tiêu hóa, như là loét dạ dày mà nhiều người lầm tưởng. Gây ra bệnh loét dạ dày là vi khuẩn H. pylori và do tác hại của việc dùng lâu dài các loại thuốc giảm đau NSAID. Ngành y không hề có khuyến nghị loại bỏ bất kỳ thứ gì trong chế độ ăn uống, kể cả đồ uống có ga sủi tăm trong việc phòng ngừa loét dạ dày.
“Ngược lại, đồ uống có gas còn góp phần làm giảm chứng khó tiêu, biểu hiệu là ợ nóng, môt triệu chứng loét dạ dày và giảm chứng táo bón. Thậm chí, muốn giảm triệu chứng ung loét và sức khỏe dạ dày, người tiêu dùng có thể sử dụng nước có ga, nếu không phải là các thức uống khác”, theo ông Mason Cobb.
Đường trong nước ngọt có gas chiếm tỷ lệ thấp
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tiêu thụ đường/đầu người của nước ta hiện nay khoảng 15 kg/người/năm. So với một số quốc gia tiêu thụ cao trên thế giới khoảng 40 - 50kg/người/năm và so với bình quân thế giới 23,70 kg/người/năm, thì mức tiêu thụ đường của Việt Nam thuộc khung thấp.
Các nhà sản xuất nước ngọt cho biết nước ngọt có ga không cồn thường có 8% - 12% trọng lượng là đường. Với mức tiêu thụ của nước ngọt hiện nay khoảng 925 triệu lít/năm, lượng đường tiêu thụ sẽ vào khoảng 74.000 – 110.000 tấn đường/năm, chiếm tỉ lệ 5,48 – 8,15% trên tổng số đường tiêu thụ của nước ta hiện nay. Do vậy, lượng đường đã tiêu thụ cho sản xuất loại đồ uống này không lớn lắm.
Nói cách khác, với các số liệu trên, nước ngọt có gas không cồn không phải là tội đồ gây các bệnh béo phì, tim mạch hay dạ dày mà các nhà soạn thảo chính sách thuế lo ngại.
Vị chuyên gia y tế người Mỹ đã và đang sống và làm việc ở Việt Nam 17 năm cũng khuyến nghị, Chính phủ cần truyền thông một cách thích hợp, làm cho dân số nhận thức được nguyên nhân thực sự của bệnh béo phì, như thiếu vận động và ăn uống không lành mạnh.
Một cách tốt hơn để định hướng tiêu dùng là trợ giá cho các thực phẩm lành mạnh khác thay vì áp đặt thuế. Điều này cùng với việc giảm giá trong các siêu thị, có thể tạo ảnh hưởng thực sự đến người tiêu dùng.
H.D