Vô sinh vì thắt lưng và nội y... bó sát?
(Giúp bạn)
Việc sử dụng nội y bó sát có gây ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản không? Cảm ơn mọi người!
Quần ôm, áo bó ngoài cái lợi về thẩm mỹ, nó có thể trở thành thủ phạm của nhiều bệnh nguy hiểm và có biến chứng gây vô sinh...
Mặc chật - “siết cổ” tinh binh
Theo các chuyên gia về hiếm muộn thì khi bác sĩ phân tích về nguyên nhân gây muộn con, không ít chàng trai mồm há hốc vì ngạc nhiên. Họ không thể tin, thói quen mặc theo mốt thời thượng lại có thể ảnh hưởng đến sự duy trì thế hệ tương lai. Còn không ít bà vợ lại tím mặt vì giận khi biết nguyên nhân gây nên hiếm muộn lại chỉ vì lý do hết sức ngớ ngẩn này.
Trước cửa phòng khám hiếm muộn, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, anh Mã Tuấn S, ngõ 5 Hoàng Quốc Việt, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội, thở phào nhẹ nhõm khi biết được nguyên nhân gây chậm trễ việc có con của vợ chồng anh.
Anh S tâm sự: “Suốt cả đoạn đường đến bệnh viện, tôi liên tục nổi da gà vì nghĩ đến những nguyên nhân gây hiếm muộn không thể cứu vãn nổi. Nhưng bây giờ thì tốt rồi, tôi sẽ có em bé sau khi thay đổi lại cách vận quần áo. Nhưng thật sự tôi không thể tin ý thích mặc đồ bó sát người của mình lại có tác hại lớn đến như vậy.
Bác sĩ nói do tôi thường xuyên mặc quần bò ép chặt cơ quan sinh dục nam, gây bí hơi, không có lợi cho sự sinh tồn của “tinh binh”. Do đó, gây nên sự khó thụ thai ở bà xã. Vì nhiệt độ bình thường cần cho “túi hạt” phải thấp hơn nhiệt độ cơ thể từ 3- 4oC. Trong khi tôi mặc quần bò khiến nhiệt độ của “túi hạt” cao hơn nhiều nhiệt độ bình thường”.
Tạo dáng thể thao: Suýt thì trả giá đắt
Chị Trịnh Thị H, ngõ 443/104 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội thì đã gần một tuần nay giận dỗi với chồng khi biết được nguyên nhân gây chậm có con là do chồng mặc đồ chật. Anh T (chồng chị H) vừa cười làm trò xoa dịu cơn giận ở vợ, vừa bộc bạch: “Khổ quá, tôi chỉ sơ ý gây nên tội.
Tôi chơi thể thao nên thường yêu cầu vợ chọn cho những loại quần nhỏ mặc bó sát để dễ dàng hơn trong việc di chuyển. Không ngờ chuyện mặc để thuận lợi cho công việc lại ảnh hưởng đến thế hệ tương lai. Chúng tôi lấy nhau đã hơn hai năm, không hề sử dụng bất kỳ biện pháp tránh nào nhưng nhà vẫn vắng tiếng trẻ.
Năm đầu tiên, vợ chồng tôi cũng đi khám sức khoẻ rất kỹ lưỡng, các kết luận đều cho thấy sức khoẻ cả hai hoàn toàn bình thường. Một năm qua đi vẫn không có tin vui, tuần trước chúng tôi phải xin nghỉ phép, vào tận bệnh viện Từ Dũ TP Hồ Chí Minh để kiểm tra. Kết quả xét nghiệm, khám bệnh vẫn hoàn toàn bình thường. Các bác sĩ lần lượt phỏng vấn riêng từng người và bắt được thủ phạm chính là những chiếc quần “nhỏ” của tôi.
70% quý ông có... vấn đề “chỗ ấy”
Theo BS. Hồ Mạnh Tường, khoa Hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ thì quần áo bó sát rất có hại cho sức khỏe nam giới. Cơ quan sinh dục ngoài của nam bao gồm bìu và dương vật. Bìu là một cái túi nhỏ chứa hai tinh hoàn và mục đích của nó là giữ tinh hoàn ở nhiệt độ thấp hơn khoảng 2,5 độ C so với nhiệt độ cơ thể.
Việc sản xuất tinh trùng rất nhạy cảm với nhiệt độ. Cơ thể có cơ chế riêng để duy trì sự chênh lệch nhiệt độ này, đảm bảo để tinh trùng được sản xuất bình thường. Khi nhiệt độ môi trường lên cao, cơ của bìu sẽ giãn ra và tinh hoàn được kéo xa khỏi cái nóng của cơ thể.
Trái lại, khi nhiệt độ môi trường hạ, các cơ của bìu co lại, giữ cho nhiệt độ của tinh hoàn thấp hơn cơ thể 2,5 độ C. Tiêu chuẩn bình thường về mật độ “tinh binh” trong tinh dịch của nam giới là trên 60 triệu/ml. Tuy nhiên, trên 70% người chồng đến khám hiếm muộn tại bệnh viện đều có lượng tinh dịch đồ dưới mức bình thường. Trong đó, các nguyên nhân làm giảm số lượng “tinh binh” có thói quen mặc quần chật. Do đó, để cải thiện tình hình, những đức lang quân này nên ưu tiên loại đồ dễ hút mồ hôi, quần phải thoải mái, thoáng mát”.
Độn “vòng ba”, thít “cô nhỏ” có thể gặp họa
Sau khi sinh con, không ít phụ nữ thấy mặc cảm với hình thể ngày càng xuống cấp vì vòng một, vòng hai cứ vùn vụt tăng nhanh. Để cải thiện tình hình nhiều chị em đã đầu tư chọn những bộ nội y có khả năng nâng cấp cơ thể. Tuy nhiên, không ít người đã gặp hoạ vì nó.
Chị Hà Thị V, xã Hồng An, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình ngồi chờ lấy kết quả tại khoa sản, phòng khám Quân Nhân đường Giải Phóng, Hà Nội tâm sự: “Vòng một, vòng hai và ngay cả vòng ba của tôi trở nên xập xệ sau khi sinh con.
Để “che mắt” thiên hạ tôi chọn loại áo nâng ngực được quảng cáo trên mạng là “điện mạnh hết cỡ”, nịt vòng hai bằng gen và mua quần độn mông để nâng cấp vòng ba. Tôi ưng ý nhất với những chiếc quần độn mông vì trước đây tôi vẫn bị chị em trong cơ quan chê vòng ba xệ quá nhưng sau khi có “vật nội ứng” này mọi người đã thay đổi cách nhìn. Thậm chí có người còn bảo tôi nên liên tục “sản xuất” để trông đẹp hơn vì vòng ba được cải thiện rõ rệt sau lần vượt cạn đầu tiên.
Thế là tôi cứ chịu khó mặc miết, kể cả những ngày nóng nực nhất. Không ngờ chưa đầy hai tháng sử dụng tôi không thể chịu được những trận ngứa, còn “cô nhỏ” thì “nước mắt” như mưa, tôi khắc phục bằng cách sử dụng băng vệ sinh hằng ngày nhưng cũng không ăn thua. Khi đi khám thì bác sĩ cho biết tôi đã bị nhiễm trùng niệu đạo khá nặng, có nguy cơ bị tắc ống dẫn trứng, không điều trị tích cực thì chuyện vô sinh thứ phát có thể sẽ xảy ra”.
Min