Những kỹ năng giúp bạn đối diện với thất bại
(Giúp bạn) - Nản chí, mất niềm tin và luôn suy nghĩ tiêu cực là tâm lý thông thường của con người khi đối diện với thất bại. Việc biến thất bại thành động lực để đến với thành công là điều không hề dễ dàng. Tuy nhiên không phải là không làm được...hãy tham khảo những kỹ năng thiết thực dưới đây để đối diện với thất bại một cách chủ động và nhẹ nhàng...
Thừa nhận sai lầm và đối mặt
Bill Gates chỉ ra rằng, rất nhiều người khi phạm sai lầm, tâm lí họ thường không biết đến sai lầm đó, chỉ tính toán làm sao để che giấu sự thực. Thực ra, sai lầm cũng là kinh nghiệm, dám thừa nhận sai lầm là một trong những phương pháp để hoàn thiện bản thân. Người không chịu thừa nhận sai lầm của mình không chỉ mất đi những kinh nghiệm quý báu để tránh được những sai lầm lớn hơn mà còn có thể tiếp tục mắc phải sai lầm tương tự.
Bill Gates chỉ ra rằng, rất nhiều người khi phạm sai lầm, tâm lí họ thường không biết đến sai lầm đó, chỉ tính toán làm sao để che giấu sự thực. |
Sau thất bại, thay vì chán chường rồi bỏ mặc tất cả, bạn nên đối diện với nó để từ đó tìm cách giải quyết cho mình. Sau đó, bạn nên thừa nhận và chịu trách nhiệm cho sai lầm của mình trước sếp và các đồng nghiệp liên quan. Hãy thừa nhận thất bại và thiếu sót của mình một cách thẳng thắn và chân thành nhất.
Ăn mừng thất bại của mình
Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên về điều này. Bởi khi thất bại ai còn có tâm lý để mà ăn mừng. Nhưng đây là đòn vực dậy tâm lý khá hiệu quả. Có câu nói rằng “Hãy biết đứng lên sau thất bại”. Vậy tại sao bạn không dành cho mình một khoảng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn thật thoải mái rồi bước vào cuộc chiến tiếp theo. Vì vậy nếu bạn đang gặp khó khăn, mệt mỏi, thất bại hãy cho mình được nghỉ ngơi, chăm sóc những người xung quanh, được tĩnh tâm để thông suốt mọi vấn đề.
Dành thời gian yêu thương, chăm sóc người thân sẽ là động lực mạnh mẽ cho bạn vực dậy đó.
Rút ra bài học quý báu
“Thất bại trong công việc cũng có phần nào đó giống như sự tan vỡ của một mối tình lãng mạn. Nếu bạn không rút ra bài học từ những sai lầm thì chắc chắn bạn sẽ tiếp tục lặp lại những sai lầm đó trong công việc tiếp theo.”- Bradley G Richardson.
Đừng bao giờ để những thất bại trong quá khứ ám ảnh bạn. (Ảnh minh họa) |
Đừng bao giờ để những thất bại trong quá khứ ám ảnh bạn. Hãy học cách rút ra những bài học từ sau mỗi sai lầm, chỉ như vậy bạn mới có thể vững vàng trên con đường tiếp theo. Hãy đứng dậy để nắm bắt ngay những cơ hội vàng này thay vì cứ mãi than thở về những sai lầm đã qua
Đặt niềm tin kiên định vào những việc mình đang làm
Một người thành công có 3 đặc điểm. Thứ nhất, họ có đam mê. Thứ hai, họ chăm chỉ. Cuối cùng, sự kiên định và đức tin vào bản thân. Hầu hết trong số chúng ta sau khi thất bại đều rất tự ti và không dám đối diện với sự thật. Đơn giản bởi có những lí do sau:
- Sợ đánh giá và những lời bình phẩm của người ngoài về mình
- Sợ phải thực hiện lại kế hoạch mà mình vừa thất bại lại từ đầu
- Sợ sẽ thất bại một lần nữa
Thất bại dạy cho bạn về ý chí, sự kiên trì, tự giác, và giá trị của mọi việc. Một trong những dấu hiệu cho thấy có sự hãi thất bại trong bạn đó là mất tập trung. Khi bạn để cho sự phân tâm này làm loạn cuộc sống của bạn, chính bạn đang tiếp tay cho tiềm năng thất bại trở thành hiện thực. Sự mất tập trung chính là một thất bại theo đúng nghĩa của nó – thất bại trong việc dành thời gian để tiếp tục cố gắng, tiếp tục hướng tới hoàn thiện những điều mà bạn đã và đang làm.
Vạch ra kế hoạch khả thi
Hầu hết trong số chúng ta khi bắt đầu thực hiện một kế hoạch thường sẽ vạch ra những kết quả khá lớn và đôi khi là khó thực hiện. Đồng ý là không có gì là không thể nếu chúng ta cố gắng, tuy nhiên việc vạch ra một kế hoạch viển vông sẽ làm bạn xa rời thực tế và vô hình tạo cho mình một áp lực không đáng có dẫn đến những kết quả đáng tiếc.
Nếu bạn có dự định thực hiện một kế hoạch lớn, thay vì cố gắng vạch ra một con đường thẳng dẫn đến đó, hãy tạo ra những ngã rẽ. (Ảnh minh họa) |
Nếu bạn có dự định thực hiện một kế hoạch lớn, thay vì cố gắng vạch ra một con đường thẳng dẫn đến đó, hãy tạo ra những ngã rẽ làm bước đệm để bạn đạt được tham vọng của mình. Ví dụ như tôi muốn học tại Harvard, thì trước hết hãy đặt ra mục tiêu đứng đầu lớp, sau đó là đứng đầu trường, rồi đạt điểm tiếng Anh cao nhất có thể…. Nói đơn giản, hãy đặt ra một mục tiêu gần nhất mà bạn có thể làm được trước khi thực hiện một kế hoạch lớn.
Bỏ qua sự nhàm chán và sống vui vẻ
Thất bại chính là một “gia vị” của thành công, thiếu nó chúng ta sẽ không cảm nhận được đầy đủ mùi vị của thành công thực sự là như thế nào. Hãy thử tưởng tượng xem cuốc sống sẽ nhàm chán đến mức nào nếu chúng ta chẳng có mục tiêu gì hoặc chẳng có điều gì để hướng đến nữa.
Vera Wang từng rất thất vọng khi không vào được đội tuyển Olympic trượt băng nghệ thuật của Mỹ. |
Thất bại đôi khi sẽ giúp bạn hiểu rõ bản thân mình hơn và nhận ra những khả năng đặc biệt của mình. Vera Wang từng rất thất vọng khi không vào được đội tuyển Olympic trượt băng nghệ thuật của Mỹ. Sau đó, bà đành chuyển sang làm biên tập viên thời trang, rồi nhanh chóng được thăng chức vượt cấp, trở thành tổng biên tập và sau đó, bắt đầu sự nghiệp thiết kế áo cưới ở tuổi 40.
Đứng lên và vững bước
Người ta vẫn nói: “Thất bại là mẹ của thành công”, nếu bạn thất bại ở đâu bạn đứng lên ở đấy. Bởi vì, cuộc đời chẳng bao giờ có ngõ cụt. Có chăng cái khác đó chính là cái cách mà bạn giải quyết thất bại đó như thế nào mà thôi. Bạn hãy đứng dậy và tìm ra hướng giải quyết; hãy bình tĩnh và sáng suốt để tìm ra phương án khắc phục tốt nhất cho sai lầm của bạn. Có vấp ngã, có đớn đau nhưng hãy biến vết đau đó thành sức mạnh cho những bước đi tiếp theo thì bạn sẽ thành công thôi.