8 điều nên biết về tiền liệt tuyến

21:21 10/02/2014

(Giúp bạn)Ung thư tiền liệt tuyến có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm, nhưng sẽ gây tử vong nếu được chẩn đoán muộn hoặc không được điều trị hiệu quả. Dưới đây là một số thông tin cơ bản mà mọi đàn ông nên biết về tiền liệt tuyến.

  • 1

    Tiền liệt tuyến là gì?

    Tiền liệt tuyến là cơ quan sinh dục của nam giới sản xuất ra tinh dịch giúp cho tinh trùng “bơi” trong quá trình xuất tinh. Vị trí của nó nằm bên dưới bàng quang và quanh niệu đạo – ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể.

  • 2

    Nguyên nhân gây ra ung thư tiền liệt tuyến
    Ung thư tiền liệt tuyến không có nguyên nhân xác định. Các nghiên cứu chỉ ra rằng sự kết hợp từ các yếu tố có thể góp phần gây ra ung thư tiền liệt tuyến như tiền sử bệnh lý trong gia đình, hormone, chế độ ăn uống và môi trường.

  • 3

    Những ai có nguy cơ bị ung thư tiền liệt tuyến?

    - Độ tuổi: Phần lớn nam giới được chẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến thường ở tuổi 50 hoặc cao hơn, và nguy cơ này càng tăng khi tuổi càng cao.

    - Tiền sử gia đình: Nam giới có tiền sử gia đình bị ung thư tiền liệt tuyến sẽ có nguy cơ phát triển bệnh cao hơn.

    - Chế độ ăn uống: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng chế độ ăn có hàm lượng chất béo cao và hiện tượng béo phì có thể tăng nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến, trong khi chế độ ăn có nhiều rau và hoa quả có thể giảm nguy cơ đó.

    - Lượng testosterone cao: Testosterone hay hormone nam giới không gây ra ung thư tiền liệt tuyến nhưng được cho là góp phần vào nguy cơ gây bệnh.

    8-dieu-nen-biet-ve-tien-liet-tuyen-1

  • 4

    Nhận biết dấu hiệu và triệu chứng

    Bác sĩ Ho Siew Hong, chuyên gia về tiết niệu tại bệnh viện Gleneagles, chia sẻ rằng ung thư tiền liệt tuyến là căn bệnh tiềm ẩn mà thường không có triệu chứng gì ở giai đoạn đầu, và vì thế rất nhiều trường hợp đã không được phát hiện sớm cho tới khi ung thư đã di căn.

    - Ung thư tiền liệt tuyến giai đoạn đầu không có triệu chứng và thường được chẩn đoán khi bệnh nhân làm xét nghiệm chỉ số PSA.

    - Ở giai đoạn muộn hơn, ung thư tiền liệt tuyến có thể gây ra các triệu chứng khi bệnh nhân đi tiểu, ví dụ như khó đi tiểu, thời gian mỗi lần đi tiểu lâu, thường xuyên đi tiểu, và có máu trong nước tiểu hoặc/và tinh dịch.

    - Ở giai đoạn cuối, ung thư tiền liệt tuyến di căn xương có thể gây đau xương và nứt gãy xương. Nếu đã di căn ra các hạch bạch huyết, nó có thể gây khó chịu và sưng phù ở chân.

  • 5

    Tầm quan trọng của kiểm tra sức khỏe hàng năm

    Kiểm tra sức khỏe hàng năm có thể giúp phát hiện sớm ung thư tiền liệt tuyến, khi mà việc điều trị sẽ trở nên dễ dàng hơn. Đối với hầu hết nam giới thì việc phát hiện ung thư tiền liệt tuyến đầu tiên sẽ là qua kiểm tra định kỳ, ví dụ như chỉ số PSA.

    Bác sĩ James Tan, chuyên gia về tiết niệu tại bệnh viện Mount Elizabeth, khuyên rằng mọi đàn ông nên kiểm tra chỉ số PSA hàng năm khi họ đã từ 50 tuổi trở lên. Đây là một loại xét nghiệm máu sẽ đo lượng protein gọi là Kháng nguyên tuyến tiền liệt (PSA). PSA được sinh ra từ tuyến tiền liệt và sẽ xuất hiện một lượng nhỏ trong máu. Chỉ số PSA tăng cao là dấu hiệu cảnh báo sự xuất hiện của ung thư tiền liệt tuyến. Chỉ số PSA càng cao thì dường như khả năng xuất hiện của ung thư này càng cao.

  • 6

    Tìm hiểu các phương pháp điều trị

    Bác sĩ Tan giải thích rằng phương pháp điều trị sẽ tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe chung của bệnh nhân, tuổi tác, cấp độ và giai đoạn bệnh.

    Phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt tận gốc – ca phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến tiền liệt – là phương pháp điều trị được lựa chọn để tránh sự di căn của ung thư tới các bộ phận khác của cơ thể. Phương pháp này có thể được thực hiện bằng phẫu thuật nội soi (vi phẫu) hoặc phẫu thuật bằng robot chỉ với 5 vết rạch nhỏ kích thước mỗi vết khoảng 0,5 – 1 cm nếu so sánh với phương pháp mổ mở truyền thống với vết mổ dài khoảng 10 – 15 cm.

  • 7

    Tỷ lệ sống sót

    Theo bác sĩ Ho, tỷ lệ sống sót đối với trường hợp ung thư tiền liệt tuyến phát hiện ở giai đoạn đầu là gần như 100% trong giai đoạn 5 năm đầu sau khi được chẩn đoán và điều trị, trong khi tỷ lệ sống sót 10 năm là 91% và 15 năm là 76%.

  • 8

    Giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh

    Ung thư tiền liệt tuyến không thể tránh được. Nhưng bạn có thể tự chăm sóc bằng cách tránh các đồ ăn có hàm lượng chất béo cao, ăn nhiều rau quả và thức ăn giàu chất chống oxi hóa, tập thể dục thường xuyên và sử dụng thuốc kháng viêm không chứa chất steroid nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.

    Bác sĩ Michael Wong, Chủ tịch Hiệp hội tiết niệu Singapore và là một chuyên gia tiết niệu tại bệnh viện Mount Elizabeth nhấn mạnh rằng tất cả nam giới nên đi kiểm tra tuyến tiền liệt hàng năm vì ung thư tiền liệt tuyến là có khả năng chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị sớm

  •  

Comments