Ăn quả vải nhiều có bị nóng không?

14:06 17/08/2015

(Giúp bạn) - Vải là một loại quả ngon, giàu chất dinh dưỡng và có thể chế biến thành một thứ nước giải khát tốt. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều có thể gây ra chứng "say vải".

Vải thiều có hàm lượng đường cao, giàu acid hữu cơ, các muối khoáng Ca, Fe, P, các vitamin B1, B2, C. Ngoài việc dùng ăn tươi, vải có thể phơi khô ăn thay đường cũng rất bổ dưỡng.

Trong các cuốn sách thuốc cổ có ghi: “ cùi vải vị ngọt, chua, tính bình, không độc, có tác dụng nuôi huyết, làm hết phiền khát, tiêu thũng. Thường xuyên ăn vải sẽ bổ não, ích trí, khai vị, lợi tỳ, rất tốt cho người mới ốm dậy, suy nhược, gầy yếu; dưỡng da làm đẹp nhan sắc, chữa được nhiều bệnh.

Hàm lượng đường trong vải cai nên đễ tăng huyết áp nhanh

Cùi vải phơi khô là thuốc bổ nguyên khí, rất có lợi cho sức khỏe của người cao tuổi và phụ nữ. Trong nhân dân, cùi vải thường được dùng chữa thiếu máu (lấy cùi vải, táo tầu, mỗi loại 10 quả, sắc uống), chữa mụn nhọt (giã nát cùi vải với ô mai làm thành thuốc cao đắp lên nhọt), thúc sởi chóng mọc (lấy cùi vải 10 quả sắc uống)...”.

Tuy nhiên, theo y học hiện đại vì hàm lượng đường cao nên ăn nhiều dễ làm tăng đường huyết nhanh, điều này rất không có lợi cho những người mệt mỏi do bệnh tiểu đường. Trẻ em cũng không nên ăn nhiều dễ sinh mụn nhọt, mỗi lần chỉ nên ăn khoảng 100g vải tươi (5-6 quả). Trong 100g cùi vải có 87,3g nước, 0,7g pro-tit, 0,5g axit hữu cơ, 10g glucid, 1,1g xenluloza.

Như vậy, tỷ lệ glucid chứa trong cùi vải rất cao và chủ yếu là đường glucoza. Ngoài ra, trong cùi vải còn có nhiều muối khoáng và vitamin: 6mg canxi, 34mg phot-pho, 0,5mg sắt, 0.02mg vitamin B1, 0,04mg vitamin B2, 0,07mg vitamin PP, 36mg vitamin C...

Theo kinh nghiệm của người dân vùng trồng vải, không nên ăn quá nhiều vải một lúc. Ăn nhiều có thể gây nóng, làm rối loạn chuyển hoá đường trong cơ thể, gây ra chứng "say vải" rất khó chịu như: Chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, tim đập nhanh, toát mồ hôi, miệng khô khát, mỏi mệt...Nguyên nhân gây ra "say vải" được giải thích như sau:

Trong cùi vải có nhiều đường glucoza, nếu ta ăn một lúc quá nhiều vải (500g trở lên) sẽ có một lượng lớn đường glu-coza vào máu, vượt quá khả năng hấp thu chuyển hoá của gan, khiến cơ thể tiết insuline tăng lên để làm hạ nồng độ đường máu xuống, gây ra phản ứng đường máu thấp tức thời với các triêu chứng được gọi là "say vải" nói trên. Để đề phòng chứng này, ta không nên ăn quá nhiều vải một lúc mà nên ăn rải rác trong ngày, mỗi lần ăn dăm, mười quả. Trẻ nhỏ càng không nên cho ăn nhiều vải một lúc.

Ăn nhiều vải có thể khiến tình trạng mụn nhọt, chốc lở tăng nhanh

Ngoài chứng "say vải", có người sau khi ăn vải bị nôn nao, nổi mề đay, đau bụng, có khi nôn mửa. Các triệu chứng này không phải do vải mà do một loài nấm sống ở núm những quả vải bị giập nát, ủng thối gây ra. Vì vậy khi ăn vải ta chỉ nên chọn ăn những quả tươi ngon, lành lặn, không nên ăn những quả đã bị giập, bị ủng.

Với những trường hợp bị hoặc có nguy cơ thừa cân béo phì, người bị đái tháo đường thì không nên ăn nhiều loại quả này vì hàm lượng đường cao, cung cấp nhiều năng lượng. Nếu ăn nhiều sẽ có nguy cơ bị thừa cân béo phì hoặc làm tăng lượng đường trong máu.

Mặt khác một số người có cơ địa hay bị mọc mụn nhọt, rôm sảy, hay bị chắp lẹo mắt thì cũng không nên ăn nhiều vì hàm lượng đường cao trong quả sẽ làm tăng lượng đường trong máu. Đây là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn phát triển nhất là tụ cầu là nguyên nhân gây nên tình trạng mụn nhọt, chốc lở.

Đến mùa vải thiều, chúng ta có thể sấy vải để dành thành một loại đặc sản ăn rất hay vào mùa đông, hoặc nấu vải thành một loại giải khát, cách làm như sau:

- Cùi vải (đã bỏ vỏ và hạt): 1kg

- Đường trắng: 300g

- Nước cốt chanh: khoảng 10-15 quả

Đun sôi khoảng 2lít nước cùng đường và nước cốt chanh, khi sôi thả cùi vải vào đun tiếp 5-10 phút. Chia cùi vải đều ra các lọ, rót nóng dịch đường vào các lọ rồi đậy nắp đun cách thủy 15-20phút, làm nguội, cất tủ lạnh dùng dần.

Comments