An toàn của người cao tuổi trong sinh hoạt
(Giúp bạn)Sinh hoạt hàng ngày của người cao tuổi thường bị ảnh hưởng của bệnh tật, sự suy yếu của các chức năng cơ thể. Khả năng nhìn- nghe kém, gân cốt suy nhược khiến bước đi không vững; phản ứng chậm, dễ bị ngã; trí nhớ kém khiến dễ uống nhầm thuốc hoặc nhầm liều lượng,... Do đó việc đảm bảo an toàn cho người già trong đời sống hằng ngày là rất quan trọng.
- 1
Chú ý môi trường sống
Trước hết cần chú ý tới môi trường sinh sống, chủ yếu là nhà ở. Nhà ở, theo thường lệ, là chốn an toàn của con người nhưng vẫn có thể gây nguy hiểm với người cao tuổi, nếu đồ đạc không sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng. Phần lớn tai nạn xảy ra cho người cao tuổi là ở nhà như: trượt té vì sàn nhà ướt, vấp phải dây điện trên lối đi; ngã trong bồn tắm, bị chén bát, chai lọ rơi trúng đầu trong lúc với tay lấy chúng ở tủ cao; đi vấp phải tường, bàn ghế vì không đủ ánh sáng; ngã cầu thang; uống nhầm thuốc; ngã khi vừa ngủ dậy bước khỏi giường thấy chóng mặt;…
Sử dụng gậy chống đúng cách để phòng ngừa trượt ngã (ảnh minh họa).
- 2
Bảo đảm an toàn khi ở nhà
- Lau khô ngay khi sàn nhà nhà bị ướt vì bất cứ lý do gì. Chờ sàn nhà khô mới đi qua. Không để các đồ vật trên sàn nhà và cầu thang cản trở bước đi.
- Giữ cất các dụng cụ cần thiết ở các tầng tủ vừa tầm tay với tới.
- Không có vật cản trở ở hành lang thông từ phòng này sang phòng khác, nhất là từ phòng ngủ sang phòng tắm. Để xà phòng và đồ dùng trong nhà tắm ở nơi dễ với tay lấy.
- Cần có đầy đủ ánh sáng trong các phòng. Nút mở-tắt đèn nên đặt gần cửa ra vào cho tiện dùng. Các loại dây điện cần được thu gọn trong mép tường, không cản trở lối đi.
- Giầy dép phải có đế bám sát trên mặt sàn hay mặt đường. Không nên mang tất khi đi đứng trên sàn nhà gỗ hay đá hoa vì trơn trượt.
- Khi nghe tiếng chuông điện thoại hay tiếng gọi cửa, không hấp tấp vội chạy đến trả lời.
- Khi đứng lên hay ngồi xuống, nên chậm rãi, tránh té ngã vì chóng mặt, mất thăng bằng.
- Uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ về liều lượng, giờ uống.
- Sử dụng gậy chống: Chiều dài của gậy phải vừa tầm. Khi bước đi thì gậy và chân đau phải chuyển động cùng một lúc. Bước lên cầu thang bằng chân không đau trước, rồi chống gậy và bước chân đau lên bậc thang, liên tiếp như vậy cho đến cuối bậc thang. Đi xuống thì làm ngược laị, nghĩa là chống gậy và đặt chân đau xuống bậc thang trước rồi mới di chuyển chân không đau.
- Nếu người cao tuổi sống một mình, thì nên thường xuyên tiếp xúc với hàng xóm và người thân ở gần để họ biết rõ tình trạng của mình.