Ăn uống phòng bệnh trong mùa hè

09:50 11/02/2014

(Giúp bạn)Mùa hạ có 3 tháng, bắt đầu từ ngày lập hạ (5.5 dương lịch) cho đến ngày lập thu (7.8 dương lịch). Đây là mùa dương khí vượng nhất trong năm, thời tiết nóng bức và ẩm thấp...

  • 1

    Dương khí phát ra, âm khí tiềm phục

    Trong mùa này, quá trình trao đổi chất trong cơ thể con người diễn ra mạnh mẽ, dương khí phát ra ngoài, âm khí tiềm phục ở trong. Các lỗ chân lông giãn rộng, mồ hôi tiết ra nhiều để điều hòa thân nhiệt, nhưng cũng vì thế mà tà khí dễ xâm nhập vào trong. Hệ thống mao mạch ngoại vi cũng giãn ra, khí huyết lưu thông nhanh và mạnh hơn. Công năng của tỳ vị có xu hướng suy giảm vì nóng bức uống nhiều khiến dịch vị bị pha loãng, quá trình tiêu hóa và hấp thu thức ăn dễ bị rối loạn.

    Theo Hoàng đế Nội kinh quyến y thư nổi tiếng thì, trong quãng thời gian mùa hè khí nóng quá thịnh khiến miệng khô, tâm phiền, nhiều mồ hôi, thân thể sa sút, mệt mỏi, muốn uống đồ lạnh, ngực oi bức, trướng, ác tâm làm dục thổ (khó chịu buồn nôn).

    Điều ít người để ý đến là, do tình trạng thấp nhiệt (nóng ẩm) của mùa hạ, nếu thường xuyên ngâm mình trong nước lạnh hoặc những nơi ẩm ướt, hoặc sau khi ra mồ hôi nhiều không kịp thời thay quần áo dễ dẫn đến mắc bệnh thấp. Đặc điểm của loại bệnh này là thân cảm trầm trọng, tứ chi đau mỏi, đầu căng, bụng trướng, đại tiện ít. Một số người dễ bị nhiễm bệnh thấp, mụn nhọt lở loét, bị viêm lưỡi. Ngoài ra, dễ bị tiêu chảy và các bệnh về hô hấp như ho, viêm họng...

    • an-uong-phong-benh-trong-mua-he-1
  • 2

    Phòng bệnh

    Y học cổ truyền cho rằng, để phòng chống các bệnh nói trên, việc bồi bổ cơ thể phải bảo đảm thực hiện đầy đủ chữ thanh. Chữ thanh bao hàm hai nghĩa: một là thanh nhiệt - lựa chọn thức ăn có tính mát để lập lại sự cân bằng giữa nội giới và ngoại giới. Hai là thanh đạm, nghĩa là dùng đồ ăn thức uống dễ tiêu, dễ ăn không gây trở ngại cho quá trình tiêu hóa và hấp thu của tỳ vị. Có thể dùng các loại như, dưa hấu, đậu xanh, hà diệp (lá sen), khổ qua, dưa chuột, artiso...

    Để chống lại trạng thái miệng khát, nhiều mồ hôi, không muốn ăn cơm, mệt nhọc, nên chọn những loại đồ ăn thức uống có thể thanh tâm hỏa, phương hương (có mùi thơm) trừ thấp như củ cải, trúc điệp, lá sen, cúc hoa, dưa hấu, phục linh... Khi ra mồ hôi nên kịp thời thay quần áo. Không nên ăn uống nhiều đồ lạnh, đồ còn sống; hạn chế đồ cay, nóng. Tiết trời nóng ẩm cũng là điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật phát triển mạnh (đông y gọi là tà khí) làm cho thực phẩm dễ ôi thiu, biến chất, trong khi đó vì uống nhiều nước nên dịch dạ dày bị pha loãng, do vậy khả năng sát khuẩn giảm càng làm cho nguy cơ ngộ độc thức ăn tăng cao. Bởi vậy, cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

    Thử (nắng nóng) là chủ khí mùa hạ, là dương tà, dễ làm hao tổn khí và tân dịch. Thử tà xâm nhập vào cơ thể gây ra nhiều mồ hôi làm tổn thương tân dịch nếu không kịp thời bù đắp thậm chí có thể làm hao tổn nguyên khí. Vì thế, cần dùng những thực phẩm thanh nhiệt như trên để phòng tránh.

Comments