Bà mẹ mang thai có nên sử dụng thuốc trị đau mắt đỏ?

15:22 14/04/2015

(Giúp bạn)Trong số những bệnh nhân đau mắt đỏ có cả phụ nữ mang thai bởi phụ nữ mang thai là một trong những nhóm đối tượng rất dễ bị lây nhiễm vì sức đề kháng kém.

Bệnh đau mắt đỏ là gì?

Theo Wikipedia, đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc là tình trạng nhiễm trùng mắt thường gặp do vi khuẩn hoặc virus gây ra hoặc phản ứng dị ứng với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột (cấp tính), lúc đầu ở một mắt sau lây sang mắt kia.

Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan ra cộng đồng qua đường hô hấp hay tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch rỉ mắt của người bệnh. Bệnh dễ gây thành dịch và một người có thể bị đau mắt đỏ nhiều lần do đó cần phải giữ vệ sinh thật tốt để kiểm soát tránh lây lan bệnh cho mình và những người xung quanh.

Nguyên nhân của bệnh đau mắt đỏ

Cổng thông tin điện tử của Bệnh viện nhiệt đới Trung Ương cho biết, nguyên nhân chủ yếu của bệnh đau mắt đỏ là do virus Adenovirus hoặc do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra. Bệnh thường gặp vào mùa hè đến cuối mùa thu, khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm không khí cao, khi giao mùa…

Cơ thể con người, nhất là những người nhạy cảm với thời tiết dễ bị mệt mỏi, hệ thống miễn dịch yếu nên dễ bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, môi trường nhiều khói bụi, vệ sinh kém, sử dụng nước ô nhiễm, dùng chung khăn mặt, gối… cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh bùng phát.

Triệu chứng có bệnh đau mắt đỏ

Bệnh đau mắt đỏ được biểu hiện chính bằng mắt đỏ và có ghèn. Người bệnh thường đỏ một mắt trước, sau đó lan sang mắt thứ hai, cảm thấy khó chịu ở mắt, sau đó cộm như có cát, mắt nhiều dử, buổi sáng ngủ dậy hai mắt khó mở do nhiều dử dính chặt. Dử mắt có thể màu xanh hoặc màu vàng tùy tác nhân gây bệnh. Mi mắt sưng nề, mọng, mắt đỏ (do cương tụ mạch máu), đau nhức, chảy nước mắt.

Một số trường hợp viêm kết mạc có giả mạc (giả mạc là lớp màng dai trắng khi lật mi lên mới thấy) thường lâu khỏi hơn các trường hợp khác. Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh cũng có thể có thêm các triệu chứng như mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, xuất hiện hạch ở tai.

Thông thường người bệnh vẫn nhìn thấy bình thường, thị lực không bị suy giảm nhưng nếu để bệnh nặng, mắt người bệnh có thể bị phù đỏ, có màng trong mắt, xuất huyết dưới kết mạc… thì hậu quả sẽ lớn hơn.

Phụ nữ mang thai có dùng được thuốc trị đau mắt đỏ?

Trả lời trên trang Sức khỏe & đời sống, bác sĩ Bảo Thư cho biết, trong số những bệnh nhân đau mắt đỏ có cả phụ nữ mang thai bởi phụ nữ mang thai là một trong những nhóm đối tượng rất dễ bị lây nhiễm vì sức đề kháng kém. Tuy nhiên, rất nhiều bà mẹ mang thai lại quá lo lắng khi mắc bệnh, họ thường băn khoăn khi phải dùng đến thuốc trị đau mắt đỏ vì sợ thuốc gây hại cho thai nhi.

Bệnh đau mắt đỏ rất dễ lây lan, khi bị mắc, người bệnh rất khó chịu với các triệu chứng sưng, ngứa, nhức, kết mạc bị viêm đỏ... nhưng là bệnh do virut nên hiện chưa có thuốc đặc trị. Với những người có sức đề kháng kém như người già, phụ nữ mang thai, trẻ em, nếu không cẩn thận khi mắc bệnh rất dễ bị bội nhiễm, virut tấn công hệ hô hấp, tiêu hóa, gây các triệu chứng như ho, sốt, nổi hạch, tiêu chảy... Vì vậy, khi bị đau mắt đỏ, các bà mẹ mang thai cần đến các cơ sở chuyên khoa mắt để được khám, tư vấn và điều trị. Nên thường xuyên rửa mắt bằng nước muối sinh lý 0,9% nhiều lần trong ngày giúp đẩy bớt virut ra khỏi mắt và làm êm dịu mắt. Các kháng sinh và thuốc có chứa cortizol không nên dùng quá 7 ngày, nếu không đỡ, cần đi khám lại ngay.

-1

Có một điều thú vị mà các bà mẹ mang thai nên biết là trong các đường dùng thuốc thì thuốc nhỏ mắt là ít ảnh hưởng tới thai nhi nhất nên nếu lỡ các mẹ có phải dùng thuốc cũng chớ quá lo lắng về những tác động của thuốc đến đứa con tương lai của mình. Bạn cứ yên tâm điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

Để phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ đang vào mùa như hiện nay, phòng tái phát bệnh, các bà mẹ mang thai cần biết cách tự bảo vệ, không đi tới những nơi đông người, tránh tiếp xúc với người bị đau mắt. Khi ra ngoài, cần có các biện pháp bảo vệ như đeo kính. Luôn giữ vệ sinh cho mắt, giữ khăn rửa mặt luôn sạch sẽ, nhỏ nước muối sinh lý 0,9% ngay khi có những cảm giác vướng, cộm trong mắt. Luôn giữ cho thể trạng tốt bằng các thực phẩm tăng cường miễn dịch, tăng sức đề kháng cho cơ thể để chống chọi tốt với các tác nhân gây bệnh luôn sẵn có trong môi trường sống xung quanh.

Thùy Linh

Theo GDVN

Comments