Bạn đã biết sử dụng thuốc đúng cách?
(Giúp bạn)Rất nhiều người khi uống thuốc băn khoăn không biết nên uống vào thời điểm nào có hiệu quả nhất? Uống như thế nào cho đúng? Thực tế, việc uống thuốc đúng cách đóng vai trò quan trọng giúp đạt được nồng độ cao trong máu của thuốc, quyết định tới hiệu quả chữa bệnh.
Thời điểm sử dụng uống thuốc hợp lí
Theo Sức khỏe & Đời sống, tùy theo tính chất của thuốc, mục đích điều trị mà mỗi loại thuốc có thời điểm uống thuốc khác nhau:
- Các thuốc chống viêm không steroid, kháng sinh doxycyclin, quinin (là những chất kích ứng mạnh đường tiêu hóa, dễ gây viêm loét dạ dày); các thuốc mà thức ăn sẽ làm tăng tác dụng như vitamin, muối khoáng, một số kháng sinh chống nấm... hay những thuốc mà hấp thu quá nhanh khi đói dẫn đến tăng tác dụng phụ do sự tăng nồng độ đột ngột của thuốc trong máu như kháng histamin H1, levodopa, diazepam... nên uống vào lúc no (trong hay ngay sau bữa ăn).
- Các thuốc bị giảm hấp thu bởi thức ăn, các dạng bao tan trong ruột (aspirin pH8), hay thuốc kém bền vững trong môi trường acid của dạ dày (erythromycin, ampicilin), thuốc bao bọc niêm mạc dạ dày để chữa loét (sucralfat)... cần uống xa bữa ăn (khoảng 1 giờ trước khi ăn hoặc 1-2 giờ sau bữa ăn).
- Các thuốc an thần, thuốc ngủ... nên uống vào buổi tối. Khi uống không nên nằm ngay cần có thời gian để thuốc xuống được dạ dày. Ngược lại, các thuốc kích thích thần kinh trung ương, lợi tiểu nên uống vào buổi sáng, ban ngày...
Tuy nhiên, trong thực tế điều trị, việc uống thuốc vào lúc nào còn tùy thuộc vào thời gian xuất hiện triệu chứng của bệnh. Vì vậy, khi được bác sĩ kê đơn dùng thuốc tốt nhất bạn nên hỏi luôn thuốc đó nên uống vào lúc nào.
Một số điều cấm kị khi sử dụng thuốc
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cho hay, bạn cần ghi nhớ 10 điều cấm kị cần lưu ý khi sử dụng thuốc như sau:
1. Tùy tiện về thời gian: Nếu hướng dẫn sử dụng ghi “ngày uống 3 lần”, nghĩa là bạn nên chia đều thời gian, cứ 8 tiếng uống một lần.
Nếu uống cả vào ban ngày, nồng độ thuốc trong máu tăng cao, có thể gây nguy hiểm, trong khi buổi đêm lại không đạt hiệu quả điều trị.
2. Nằm uống thuốc: Với tư thế này, thuốc sẽ dễ bị dính vào vách thực quản, không những giảm hiệu quả điều trị mà còn gây kích ứng thực quản, dẫn đến ho, viêm, thậm chí tổn thương vách thực quản. Bởi vậy, nên ngồi hoặc đứng khi uống thuốc.
3. Nuốt thuốc khô: Một số không dùng nước mà nuốt thuốc luôn. Thuốc có thể làm tổn thương thực quản. Mặt khác do không có đủ nước để làm tan, một số loại thuốc sẽ kết thành sỏi ở trong cơ thể.
4. Nghiền thuốc hòa với nước uống: Một số loại thuốc được bào chế dưới dạng tác dụng chậm, phóng thích dần vào cơ thể. Nếu bạn nghiền nhỏ ra, thuốc sẽ cho tác dụng cấp tập một lần, gây nguy hiểm.
5. Các loại nước không nên dùng với thuốc: Cách đúng nhất là dùng nước lọc ấm. Sữa, nước hoa quả, trà, côca, cà phê, rượu... đều có tương tác với thuốc, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị, thậm chí gây hại.
6. Uống thuốc thẳng từ chai: Thường gặp với dạng thuốc nước. Cách uống này dễ làm thuốc bị nhiễm bẩn, nhanh biến chất, lại không thể kiểm soát chính xác liều lượng, dẫn đến không đạt hiệu quả điều trị hoặc quá liều.
7. Uống nhiều loại thuốc cùng lúc: Làm như vậy, bạn sẽ khó tránh khỏi sự tương tác giữa các loại thuốc. Mỗi một loại thuốc có một tính năng và công hiệu riêng, nó có những tính chất và phản ứng khác nhau, có tác dụng đối với các bộ phận trong cơ thể con người và có công hiệu trong thời gian cũng khác nhau.
8. Uống quá nhiều nước: Điều này sẽ làm giảm lượng axít có trong dạ dày, không có lợi cho việc làm tan và hấp thụ thuốc. Thông thường, với thuốc viên, bạn chỉ cần một cốc nước ấm nhỏ. Với thuốc nước vị ngọt, nên uống nước sau 5 phút.
9. Vận động ngay sau khi uống thuốc: Thường phải sau 30-60 phút thì dạ dày mới hấp thụ hết và thuốc mới phát huy tác dụng. Quá trình này cần có đủ lượng máu tham gia tuần hoàn. Việc vận động ngay sau khi dùng thuốc sẽ khiến các cơ quan nội tạng không được cung cấp đủ lượng máu cần thiết, làm giảm hiệu quả hấp thu thuốc.
10. Ăn uống tùy tiện: Ngay cả thuốc Tây cũng có những kiêng kị trong ăn uống để tránh giảm hiệu quả trị liệu hoặc những tương tác nguy hiểm.
Chẳng hạn khi dùng thuốc hạ huyết áp, chống đau tim, bạn cần kiêng ăn mặn, rượu và thuốc lá. Do đó, bạn nên hỏi bác sĩ và đọc kỹ hướng dẫn xem có phải kiêng gì không.
Thùy Linh
Theo GDVN