Thuốc chữa trị bệnh mề đay mạn tính

15:22 14/04/2015

(Giúp bạn)Mề đay là bệnh mạn tính thường gặp và rất hay tái phát. Do nguyên nhân rất đa dạng nên việc xác định chẩn đoán đặc hiệu không phải dễ dàng và việc dùng thuốc điều trị cũng cần thận trọng và dựa vào nguyên nhân gây bệnh.

Những dạng của bệnh mề đay

Vnexpress đưa tin, nổi mề đay là bệnh da phổ biến gây khó chịu, thậm chí choáng váng ngất xỉu. Bệnh khó chẩn đoán đúng nguyên nhân dù đã thực hiện đủ các xét nghiệm và không dễ điều trị dứt.

Mề đay là phản ứng viêm da có cơ chế phức tạp, trong đó có sự can thiệp của chất trung gian hóa học histamin. Thống kê cho thấy, cứ 100 người thì có từ 15 đến 20 người bị nổi mề đay và khả năng tái phát bệnh này nhiều lần trong đời. Phụ nữ dễ nổi mề đay hơn nam giới và ở độ tuổi từ 20 đến 40.

Mề đay cấp tính xảy ra đột ngột và biến mất nhanh sau vài giờ hoặc vài ngày, hay gặp ở người trẻ và nguyên nhân thường gặp là do thức ăn hoặc thuốc. Trường hợp nặng, người nổi mề đay cấp tính có thể bị choáng váng, ngất xỉu do áp huyết xuống thấp.

Mề đay mạn tính là một bệnh lý khá phức tạp với rất nhiều nguyên nhân gây bệnh khác nhau chứ không phải chỉ do ký sinh trùng, thức ăn hay thời tiết. Nguyên nhân gây bệnh có thể còn do thuốc, kháng nguyên hô hấp (phấn hoa, bụi, men mốc…), mày đay do bệnh nội tiết…

Mề đay thông thường bắt đầu đột ngột, rầm rộ ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể với những sẩn phù màu hồng, đặc biệt rất ngứa và có thể hợp lại thành mảng lan rộng khắp người. Sau vài phút hay vài giờ thì mề đay lặn mất, không để lại dấu vết. Phát ban có thể lặn ở chỗ này và nổi ở chỗ khác.

Da vẽ nổi còn gọi là mề đay giả. Nếu dùng một vật đầu tù cà nhẹ lên da, vài phút sau trên mặt da sẽ nổi gồ lên một vệt màu hồng. Có thể đi kèm nổi mày đay.

Phù mạch (còn gọi là phù quincke): Nổi ban đột ngột làm sưng to cả một vùng (mí mắt, môi, bộ phận sinh dục ngoài, niêm mạc), cho cảm giác căng nhiều hơn ngứa, có thể kèm theo nổi mề đay. Nếu phù ở lưỡi, thanh quản, hầu sẽ gây suy hô hấp, phải xử trí cấp cứu.

Những dạng khác như sẩn nhỏ, sẩn mụn nước hay xuất huyết. Mề đay hay phù Quincke có thể đi kèm với những triệu chứng toàn thân như sốt, đau khớp, rối loạn tiêu hóa, nhức đầu và nặng nhất là trụy tim mạch (sốc phản vệ) cần phải xử trí cấp cứu.

Các loại thuốc chữa trị bệnh mề đay

Theo Sức khỏe và Đời sống, việc điều trị để làm hết các sẩn mề đay không khó, nhưng cần phải điều trị làm sao để vừa khỏi bệnh mà còn dự phòng bệnh tái phát. Do đó, việc điều trị phải dựa trên chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh, cần phải biết tiền sử dị ứng của bệnh nhân và gia đình để biết được một số nguyên nhân gây nên bệnh mày đay là gì và dựa vào đó để loại trừ căn nguyên rồi mới kết hợp dùng thuốc.

-1

Kháng histamine thế hệ 1 là sự lựa chọn ưu tiên trong điều trị mề đay. Các thuốc thường được sử dụng trong phù Quincke hoặc phù mạch thần kinh di truyền là Danazol... Tiên lượng bệnh tùy thuộc vào từng loại tổn thương và mức độ tổn thương.

Một số trường hợp bệnh mề đay mạn tính có thể sử dụng doxepin là thuốc chống trầm cảm 3 vòng, dùng điều trị ngứa trong bệnh mày đay vô căn do lạnh, làm giảm đau và ngứa tạm thời. Tuy nhiên, đây là thuốc có nhiều tác dụng không mong muốn như gây ngủ, độc cho tim, tăng cân, khô miệng, nhìn mờ, táo bón, đặc biệt ở người cao tuổi, khó tiểu tiện, tăng nhãn áp nên cần lưu ý và thận trọng trong chỉ định và bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ trong quá trình dùng thuốc.

Thuốc được khuyến cáo không nên dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi, với người cao tuổi nên dùng liều thấp và tăng liều một cách từ từ tới khi đạt hiệu quả để tránh nhiễm độc. Thuốc chống chỉ định với các trường hợp mới bị nhồi máu cơ tim, bệnh nhân có bệnh lý tim mạch bởi thuốc làm tăng nguy cơ loạn nhịp, suy tim sung huyết, bloc nhĩ thất, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.

Các bệnh nhân phì đại tuyến tiền liệt, bệnh glôcôm, bệnh ở tuyến giáp, suy chức năng gan - thận cũng chống chỉ định với thuốc này.

Corticoid được chỉ định cho hội chứng mề đay có phù mạch, tăng bạch cầu toan máu. Nhóm thuốc leukotrien như montelukast cũng có thể được chỉ định trong một số trường hợp mày đay có hen suyễn.

Nhóm thuốc cyclosporine được dùng trong những trường hợp mề đay mạn tính nặng để ức chế lympho T và ức chế hoạt động của basophil và mastocyte. Nhóm thuốc methotrexate được sử dụng khi bệnh nhân không đáp ứng điều trị với cyclosprorin. Thuốc danozol được chỉ định trị liệu dài ngày trong mày đay phù mạch di truyền.

Omalizumab là kháng thể đơn dòng kháng IgE, có tác dụng làm giảm sản sinh IgE và làm giảm các thụ thể của IgE trên màng tế bào mast và bạch cầu ái toan. Oxyhives là một loại thuốc mới cũng có tác dụng khá hiệu quả trong điều trị bệnh mề đay mạn tính.

Với các trường hợp ban mề đay mạn tính có liên quan đến ký sinh trùng Toxocara sp sử dụng phác đồ điều trị bằng kháng histamine mequitazine kết hợp với albendazole cũng kết quả khả quan.

Thùy Linh

Nên đọc
-2 Lưu ý đặc biệt khi sử dụng thuốc kháng sinh
-3 Những điều cần biết về thuốc corticoid
-4 Những lưu ý khi sử dụng thuốc đặt âm đạo
-5 Bạn đã biết sử dụng thuốc đúng cách?

Theo GDVN

Comments