Có nguy cơ tử vong nếu lạm dụng thuốc paracetamol
(Giúp bạn)Tuyệt đối không nên uống rượu khi dùng thuốc và uống nhiều loại thuốc cảm cúm cùng một lúc. Khi dùng với liều cao hơn kéo dài có thể gây ngộ độc.
Sức khỏe cộng đồng cho biết, theo Thainews, rất nhiều người Thái Lan đang lạm dụng loại thuốc giảm đau phổ biến này. Tuy nhiên, theo khuyến cáo đưa ra của FDA, lạm dụng thuốc về lâu dài sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người sử dụng.
Paracetamol được xem là một loại thuốc giảm đau và hạ sốt tương đối an toàn. Nhưng, tiến sĩ Pongpan Wongmanee, Phó tổng thư ký FDA Thái vẫn đưa ra cảnh báo, việc lạm dụng loại thuốc này có thể gây hại cho các cơ quan nội tạng và khiến cơ thể kháng thuốc.
Việc lạm dụng thuốc chống viêm, giảm đau không chứa steroid như aspirin và paracetamol trong thời gian dài có thể khiến hỏng chức năng của gan.
Tình trạng nguy hiểm khi lạm dụng thuốc
Trao đổi trên Vnexpress, Tiến sĩ Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mỗi năm Trung tâm chống độc tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân bị ngộ độc paracetamol, trong đó có trường hợp do dùng thuốc quá liều, còn lại là bệnh nhân uống thuốc với mục đích tự tử.
(Ảnh minh họa)
Theo bác sĩ, paracetamol là thuốc giảm đau, hạ sốt thông thường và phổ biến nhất hiện nay, được bán mà không cần sự kê đơn của bác sĩ. Người bệnh thường có tâm lý sử dụng ngay paracetamol khi có triệu chứng sốt và cảm cúm. Tuy nhiên, do không cẩn trọng và thiếu hiểu biết nên không ít ca bị ngộ độc do sử dụng quá liều.
"Đây là loại ngộ độc thường gặp nhất ở các nước đang phát triển, khi việc quản lý thuốc còn lỏng lẻo và kiến thức của người dân về an toàn dùng thuốc còn thiếu", ông Duệ nói.
Dễ hại gan và bỏ qua căn bệnh thật
Người lao động cho biết, theo nhiều chuyên gia, paracetamol dạng uống khi vào ruột sẽ có 4% lượng thuốc biến thành chất độc có hại cho gan.
Gan phải hoạt động nhiều hơn bình thường để đào thải chất độc, nếu đào thải không kịp thì chất độc sẽ tích tụ và phân hủy tế bào gan. Ngoài ra, việc dùng thuốc này tùy tiện cũng khiến nhiều bệnh nhân vô tình bỏ qua việc điều trị căn bệnh thực sự - nguyên nhân gốc rễ của chứng nhức đầu, sốt… mà họ gặp.
PGS - TS - dược sĩ Trương Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Dược sĩ Bệnh viện TPHCM, nhấn mạnh: “Nên hiểu paracetamol chỉ giải quyết triệu chứng. Ví dụ, người bị nhức đầu do bệnh về thần kinh, huyết áp khi uống vào có thể thấy hết nhức đầu do thuốc làm dãn mạch ngoại biên tạm thời nhưng căn bệnh thì vẫn còn đó.
Tương tự với người bị sốt do cảm cúm, sốt xuất huyết… paracetamol chỉ có tác dụng giúp hạ sốt chứ không thể trị dứt bệnh. Nếu thấy hết đau nhức, khó chịu mà bỏ qua việc điều trị tận gốc căn bệnh thật thì rất nguy hiểm.
Một số người khi uống rượu bia, bị nhức đầu nên uống thuốc này để hết nhức cũng là điều không nên. Khi đó, gan đã phải hoạt động nhiều để đào thải các độc tố từ rượu bia, uống thêm thuốc nữa đương nhiên không có lợi”.
Do đó, trước khi dùng paracetamol, bạn cần lưu ý:
- Theo Dân trí, cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng khi dùng thuốc.
- Không dùng thuốc khi không đau nhức, không sốt cao trên 38,5 dùng khi trẻ sốt trên 38,5 sốt quá 5 ngày ở trẻ em và quá 10 ngày ở người lớn, trừ khi được bác sĩ chỉ định.
- Trong các trường hợp đau đầu, đau răng, đau khớp, đau do ngã, chấn thương... bắt buộc phải uống paracetamol thì cần lưu ý là thuốc có tác dụng sau khi uống khoảng 15 - 30 phút và tác dụng tối đa trong 3 đến 4 giờ. Vì vậy, phải dùng thuốc cách nhau tối thiểu 4 giờ. Thuốc được chuyển hóa ở gan thành chất hòa tan trong nước và thải trừ ra ngoài qua nước tiểu.
- Khi dùng thuốc không uống bia, rượu và các loại thuốc khác có khả năng làm tăng độc tính của paracetamol ví dụ như isoniazid…
- Không dùng paracetamol với những người mẫn cảm với thành phần của thuốc, người say rượu, người có bệnh tim mạch, phổi, thận, gan hoặc thiếu 6GP.
- Sử dụng loại paracetamol theo cơ chế phóng thích chậm để tác dụng thuốc được kéo dài và ít hại đến gan.
Tú Liên
Theo GDVN