Khi nào cần dùng kháng sinh chữa viêm họng?
(Giúp bạn)Viêm họng là một bệnh thông thường xảy ra quanh năm, ở mọi đối tượng, mọi lứa tuổi, đặc biệt ở trẻ em, người cao tuổi, người có thể trạng yếu...
Những điều cần lưu ý khi bị viêm họng
Bác sĩ trả lời độc giả trên Sức khỏe và Đời sống, viêm họng là một bệnh thông thường xảy ra quanh năm, ở mọi đối tượng, mọi lứa tuổi. Đặc biệt ở trẻ em, người cao tuổi, người có thể trạng yếu... là đối tượng của bệnh.
Viêm họng thường biểu hiện bằng nuốt đau, rát họng, sốt, có thể kèm theo ho, chảy nước mũi, đau tai, nổi hạch cổ. Phần lớn viêm họng là do virut và là một phần của bệnh cảm thông thường, một số viêm họng là do nhiễm khuẩn, trong đó có liên cầu khuẩn (Streptococcus) tán huyết bêta nhóm A.
Rất khó để phân biệt viêm họng do siêu vi, do nhiễm khuẩn hay do liên cầu khuẩn bằng khám thông thường vì triệu chứng viêm họng gần như giống nhau. Vì vậy, cấy bệnh phẩm hoặc làm xét nghiệm nhanh phết họng tìm Streptoccocus (kết quả có trong vòng 15 phút) là phương pháp hiện nay dùng để phân biệt viêm họng virut hay do vi khuẩn.
Thông thường, viêm họng do virut thường sẽ tự khỏi, triệu chứng đau họng sẽ hết trong vòng 5-7 ngày, còn ho và sổ mũi có thể kéo dài 2-3 tuần. Bệnh nhân chỉ cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, dinh dưỡng đầy đủ, tránh khói thuốc lá, tránh bụi và ô nhiễm, dùng nước muối xịt rửa mũi để giảm nhẹ triệu chứng, dùng nước súc miệng...
Tuyệt đối không sử dụng kháng sinh trong viêm họng do virut vì kháng sinh không thể trị được virut nên không thể hết viêm họng mà còn có thể gặp các tác dụng phụ khi dùng kháng sinh như dị ứng thuốc, tiêu chảy... Và xa hơn là việc lạm dụng kháng sinh sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc sau này và hậu quả là rất khó kiểm soát tình trạng nhiễm khuẩn, khó điều trị bệnh...
Khi nào cần dùng thuốc kháng sinh khi bị viêm họng?
An ninh thủ đô dẫn tin theo trang Foxnews cho biết, Hiệp hội Các bệnh truyền nhiễm Mỹ (IDSA) giữa tháng 9-2012 thống kê được khoảng 15 triệu người ở Mỹ đến gặp bác sỹ vì bệnh viêm họng mỗi năm và có tới 70% trong số họ được kê dùng thuốc kháng sinh.
Mặc dù vậy, thực tế số người bị viêm họng do liên cầu khuẩn chiếm tỉ lệ nhỏ hơn rất nhiều: khoảng 20-30% trẻ em và 5-15% người lớn.
IDSA khuyến cáo, mọi người chỉ nên dùng thuốc kháng sinh nếu bị viêm họng liên cầu khuẩn (do vi khuẩn streptococcus gây ra) và điều này cần phải được chẩn đoán, xét nghiệm cụ thể. Theo đó, những người có xét nghiệm dương tính với liên cầu khuẩn cần phải được chữa trị bằng thuốc penicillin hoặc amoxicillin nếu cần thiết.
Cần tránh sử dụng các thuốc kháng sinh azithromycin và cephalosporin trong trường hợp này vì vi khuẩn streptococcus đang ngày càng có khả năng kháng thuốc.
Tuy nhiên, làm thế nào để phân biệt viêm họng do virus hay do liên cầu khuẩn? Những dấu hiệu cho thấy viêm họng do virus là ho, chảy nước mũi, khàn giọng hoặc loét miệng… Trong khi đó, viêm họng nhiều khả năng do liên cầu khuẩn streptococcus gây ra nếu cơn đau xuất hiện đột ngột kèm cảm giác đau khi nuốt và người bệnh bị sốt mà không có các triệu chứng của cảm cúm thông thường.
Trẻ em dưới 3 tuổi thường không bị viêm họng do liên cầu khuẩn streptococcus. Các chuyên gia y tế Hoa Kỳ cũng đề xuất không nên cắt amiđan cho trẻ em hay bị viêm họng, ngoại trừ những trường hợp vô cùng đặc biệt, ví dụ như đứa trẻ bị nghẽn đường thở, vì việc phẫu thuật chứa đựng nhiều rủi ro hơn là ích lợi.
Phương pháp chữa viêm họng không cần dùng thuốc kháng sinh
Không khí khô, thời tiết chuyển mùa có thể gây viêm họng nhưng nhiều “bài thuốc” có thể tìm thấy trong chính tủ bếp nhà bạn. Dưới đây là 3 cách để đối phó nếu cổ họng có cảm giác đau:
-Làm dịu kích ứng: Giải pháp khắc phục hàng đầu là một thìa mật ong pha vào nước ấm với chanh. Nó giống như “khoác áo” cho chiếc họng bởi tác dụng làm dịu các kích ứng ở cổ.
-Rửa sạch họng. Súc miệng bằng nước muối rất hiệu quả trong việc cắt giảm viêm họng, khi mà tác nhân chủ yếu do không khí khô hoặc dị ứng.
-Ngăn chặn tái phát. Phòng ngừa là liều thuốc tốt nhất cho bệnh viêm họng do kích thích hoặc nhiễm virus. Ví dụ, nếu bạn thấy cổ họng đau vào buổi sáng, nguyên nhân có thể bạn thở qua đường miệng ban đêm hoặc do trào ngược acid trong khi ngủ.
Cách khắc phục là tạo thêm độ ẩm không khí trong phòng ngủ hoặc gối đầu lên hơi cao để có thể ngăn ngừa bệnh viêm họng do trào ngược.
Dù bạn làm gì cũng đừng bỏ qua triệu chứng đau họng kéo dài hơn 1 tuần hoặc đau nhức đến khó nuốt, vì đó có thể là một dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, một lời khuyên khác là bất kỳ người hút thuốc lá nào bị đau họng dai dẳng cũng cần đến gặp bác sĩ.
Thuốc tham khảo: Strepsils with honey and lemon Strepsills Soothing honey & lemon là viên ngậm kháng khuẩn để làm giảm đau họng dùng cho trẻ em và người lớn. Ngậm 1 viên để tan chậm trong miệng cách khoảng 2-3 giờ. Không dùng quá liều đã chỉ định. Nếu các triệu chứng kéo dài, hỏi ý kiến bác sĩ. |
Thùy Linh
Theo GDVN