Nguyên tắc khi dùng thuốc proton
(Giúp bạn)Thuốc ức chế bơm proton là một thành phần cơ bản trong các phác đồ điều trị viêm loét dạ dày, hành tá tràng hiện nay.
Thận trọng khi dùng thuốc proton
Theo Báo Sức khỏe và Đời sống, cũng như các thuốc nhóm kháng thụ thể H2 (cimetidine, ranitidine, famotidine), các thuốc ức chế bơm proton như omeprazole, lansoprozole, rabeprazole, dexlansoprazole, esomeprazole... thường được sử dụng trong điều trị các bệnh viêm loét dạ dày tá tràng và bệnh trào ngược thực quản (GERD) nhờ vào đặc tính làm giảm lượng acid tiết ra từ dạ dày.
Khi được sử dụng các thuốc ức chế bơm proton chưa phải là thuốc mà ở dạng tiền thuốc, tức là sau khi uống được hấp thu vào máu hoặc đi đến nơi dược chất tác động mới được chuyển hóa thành thuốc khi đó mới có tác dụng. Do đó, khi sử dụng các thuốc này cần có một số chú ý:
- Là tiền thuốc và không bền ở môi trường acid, vì vậy, các thuốc ức chế bơm proton đều bao tan ở ruột. Không nên bẻ nhỏ hoặc nghiền viên thuốc trước khi uống để bảo vệ dược chất.
Nên uống thuốc ức chế bơm proton trước ăn 30 phút, khi đó, thuốc sẽ được đưa đến tế bào viền đúng lúc tế bào viền tiết ra acid do bữa ăn, có acid tiền thuốc biến thành thuốc và phát huy tác dụng.
Thời gian bán thải của thuốc khoảng 1 - 2 giờ, nhưng nhờ gắn với bơm proton bằng liên kết thuận nghịch, vì vậy, tác dụng ức chế sự tiết acid mạnh và kéo dài.
- Một số thuốc có thể gây tương tác thuốc do ức chế cytocrom P450 đưa đến giảm sự chuyển hóa và thải trừ khi dùng chung như seduxen, theophylin…
- Hiện nay, thuốc ức chế bơm proton là một thành phần cơ bản trong các phác đồ điều trị viêm loét dạ dày, hành tá tràng, tùy theo thể bệnh và mức độ bệnh mà thời gian dùng thuốc sẽ từ 6 - 8 tuần.
Ngoài các đặc điểm trên, các tác dụng không mong muốn của các thuốc này đã được biết như gây rối loạn tiêu hóa: trướng bụng, chán ăn, tiêu chảy, buồn nôn, đau đầu… tuy nhiên, các triệu chứng này thường nhẹ, do vậy, thuốc được chỉ định lâu dài cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, gần đây mới phát hiện thêm một tác dụng phụ nữa là các nhóm thuốc trên có thể làm gia tăng nguy cơ nhiễm clostridium difficile (gây bệnh viêm đại tràng giả mạc - một bệnh nhiễm nguy hiểm chỉ điều trị hiệu quả với một số kháng sinh đặc hiệu).
Với phát hiện mới này, Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) đã đưa ra khuyến cáo cần phải chẩn đoán tìm clostridium difficile ở các bệnh nhân đang sử dụng thuốc ức chế bơm proton và thuốc kháng thụ thể H2 nếu có các triệu chứng tiêu chảy không cải thiện (đau bụng, sốt, tiêu chảy kéo dài...) và điều quan trọng là không tự ý sử dụng nhóm thuốc này kéo dài nếu không có chỉ định của bác sĩ.
Các nguy cơ đối với thai nhi nếu dùng proton trong thai kỳ
Trang thông tin điện tử Bệnh viện Từ Dũ cho biết, trước câu hỏi : "Các nguy cơ đối với thai nhi nếu điều trị thuốc ức chế bơm proton trong khi mang thai là gì? Nên tránh những loại thuốc này hoàn toàn ở phụ nữ mang thai không?", Phó Giáo sư Y khoa Sunanda V. Kane (Bệnh viện Mayo, Rochester, Minnesota) đã phản hồi như sau:
Thuốc ức chế bơm proton (PPI) đầu tiên trên thị trường là omeprazole, được phân loại nhóm C vì sự thiếu dữ liệu kiểm soát sử dụng trong thai kỳ. Ba loại PPI khác đã đưa ra được các dữ liệu có giá trị để chứng minh phân loại B cho phụ nữ có thai. Một nghiên cứu ở tam cá nguyệt thứ nhất, 295 phụ nữ tiếp xúc với PPI được so sánh với 800 phụ nữ không được tiếp xúc. Kết quả là không có sự khác biệt có ý nghĩa giữa hai nhóm này.
Bác sĩ sản khoa khuyên nên dùng thuốc kháng acid không cần kê đơn (OTC) và thuốc đối kháng thụ thể H2 để khởi đầu điều trị các triệu chứng ợ nóng ở phụ nữ mang thai, nhưng sử dụng PPI được khuyến cáo chỉ định cho những phụ nữ có các triệu chứng liên tục và không kiểm soát được.
Một nghiên cứu công bố trên The New England Journal of Medicine vào năm 2010, mô tả một nhóm nghiên cứu ở Đan Mạch với hơn 5000 phụ nữ mang thai sử dụng PPI trong thời gian tam cá nguyệt thứ nhất. Mặc dù ý nghĩa thống kê, sự khác biệt trong tỷ lệ các bất thường bẩm sinh ở trẻ sơ sinh của phụ nữ có tiếp xúc (3,2%) và không tiếp xúc (2,6%) là khó thuyết phục đối với một nguy cơ liên quan tới lâm sàng.
Gần đây, một bản tóm tắt trình bày tại Digestive Disease Week cho rằng sử dụng PPI kéo dài trong thai kỳ có liên quan với tăng nguy cơ dị tật tim cho ở trẻ sơ sinh (OR = 2,14; khoảng tin cậy 95%; 1,3-3,3). Nghiên cứu đó đã không được công bố đầy đủ và thời gian sử dụng PPI trong khi mang thai ở người tham gia nghiên cứu là không rõ ràng.
Một phân tích meta – công bố năm 2009 đã cho thấy không có bất kỳ nguy cơ gia tăng dị tật khi PPI sử dụng trong bất kỳ giai đoạn của thai kỳ. Vì vậy, trên cơ sở dữ liệu có sẵn, PPI được chỉ định để kiểm soát triệu chứng ợ nóng ở phụ nữ mang thai và không có nguy cơ dị tật thai nhi tăng.
Theo GDVN