Thuốc giảm đau: Cẩn trọng giữa việc sử dụng và lạm dụng
(Giúp bạn)Có nhiều loại thuốc giảm đau khác nhau, trong đó có thuốc giảm đau tác dụng mạnh nhưng lại dễ gây nghiện hoặc dùng lâu dài sẽ gây tác dụng phụ nặng nề.
Phụ nữ Online cho biết, có nhiều loại thuốc giảm đau khác nhau, trong đó có thuốc giảm đau tác dụng mạnh nhưng lại dễ gây nghiện hoặc dùng lâu dài sẽ gây tác dụng phụ nặng nề. Để giúp việc sử dụng thuốc giảm đau hợp lý, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đề ra ba bậc thang dùng thuốc giảm đau như sau.
Bậc 1 (đau nhẹ): Theo Chuyên trang y học của Benh.vn, dùng thuốc giảm đau không phải opioid như paracetamol, thuốc chống viêm không phải steroid.
Khi đau nhẹ và vừa, nên dùng thuốc giảm đau thông thường, mua không cần có toa của bác sĩ (gọi là thuốc OTC). Đó là paracetamol hoặc thuốc nằm trong nhóm là thuốc chống viêm không steroid (viết tắt là NSAID, gồm có: aspirin, ibuprofen, diclofenac…).
Bậc 2 (đau vừa): phối hợp thuốc loại opioid yếu (codein, oxycodon) với paracetamol, thuốc viêm không steroid hoặc thuốc giảm đau hỗ trợ.
(Ảnh minh họa)
Bậc 3 (đau nặng): dùng thuốc giảm đau loại opioid mạnh: morphin, hydromorphon, methadon... phối hợp với thuốc chống viêm không steroid.
Cũng theo Phụ nữ Online, gần đây, nhiều chuyên gia y tế lưu ý đặc biệt đến nguy cơ bị tác dụng phụ của thuốc giảm đau đối với hai nhóm người: nhóm người bị hen suyễn và nhóm người có vấn đề về tim mạch.
Trước hết, đối với người bị hen suyễn hoặc người có cơ địa dễ bị dị ứng, không nên dùng thuốc aspirin hoặc các thuốc chống viêm không steroid khác. Bởi vì loại thuốc giảm đau này có thể gây co thắt phế quản, làm khởi phát cơn hen, làm triệu chứng hen suyễn nặng thêm đến mức có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Người đang có bệnh lý về tim mạch phải hết sức thận trọng trong lựa chọn thuốc giảm đau. Nên tránh dùng các thuốc NSAID nói chung (ngoại trừ aspirin liều thấp có tác dụng ngừa huyết khối có thể được bác sĩ tim mạch chỉ định dùng để ngừa đau thắt ngực, ngừa nhồi máu cơ tim).
Nếu tự ý dùng thuốc NSAID có thể làm tăng nguy cơ suy tim ở người cao tuổi, hoặc thuốc aspirin có thể làm tăng huyết áp ở người đang mắc bệnh huyết áp cao.
Riêng thuốc paracetamol tuy an toàn hơn aspirin trong một số trường hợp, nhưng cần phải lưu ý độc tính của nó đối với gan. Đã có khá nhiều trường hợp ngộ độc paracetamol dẫn đến hoại tử tế bào gan, đặc biệt ở người cao tuổi hoặc ở người có chức năng gan hoạt động kém. Paracetamol gây nhiễm độc gan là do dùng quá liều. Vậy, nên lưu ý:
- Không được dùng paracetamol để tự điều trị cảm sốt, giảm đau quá 10 ngày ở người lớn và quá năm ngày ở trẻ con, trừ khi được bác sĩ hướng dẫn.
- Đối với người lớn, liều thông thường không nên quá 4g/ngày (mỗi lần chỉ nên dùng 500mg-1.000mg, một ngày không quá ba lần). Riêng người cao tuổi, nên dùng liều thấp hơn do chức năng gan kém.
- Người uống rượu nhiều không nên dùng bừa bãi paracetamol, đặc biệt không nên uống thuốc với mục đích “ngừa nhức đầu, để uống rượu không say”. Paracetamol và rượu đều có hại cho gan, do đó nếu kết hợp sẽ làm tăng độ nguy hại lên nhiều lần.
Tóm lại, việc chọn và dùng thuốc giảm đau không phải là việc đơn giản mà đòi hỏi phải thận trọng. Khi cần dùng thuốc giảm đau chỉ nên dùng thuốc giảm đau bậc 1 và nên chọn paracetamol là thuốc dùng đầu tiên, dùng đúng liều và không dùng kéo dài.
Nếu tình trạng đau không cải thiện hoặc cải thiện, sau đó lại tái phát, ta nên đến cơ sở điều trị để được bác sĩ khám, xác định nguyên nhân và giúp chọn loại thuốc giảm đau thích hợp.
Tham khảo thuốc: Vitamin B9 Việc bổ sung acid folic phải được thực hiện dưới sự theo dõi chặt chẽ của các bác sĩ trong điều trị thiếu máu ác tính nguyên hồng cầu khổng lồ. Vì triệu chứng thiếu acid folic dễ che lấp triệu chứng thiếu hụt B12 nên thường người ta dùng B12 trước để điều trị thiếu máu ác tính, nếu không hiệu quả sẽ chuyển sang dùng acid folic. |
Tú Liên
Theo GDVN