Thuốc chống động kinh dùng không đúng cách gây tử vong?
(Giúp bạn)Mục tiêu điều trị động kinh bằng thuốc là kiểm soát tối đa các cơn, giảm thiểu các tác dụng phụ có hại của thuốc và cải thiện chất lượng cuộc sống bệnh nhân.
Trên Báo Phụ nữ Online, bác sĩ Trương Văn Luyện, phó khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết, bệnh động kinh có rất nhiều biểu hiện khác nhau, cần nhận biết rõ hơn về căn bệnh này để đi khám và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân của bệnh động kinh tới nay vẫn chưa được xác định.
Bệnh nhân bị động kinh do rối loạn chức năng ở vỏ não: khi vỏ não của bệnh nhân bị rối loạn chức năng nào đó thì sẽ có các biểu hiện về chức năng tương ứng (chức năng nhìn, vận động, cảm giác, thính giác, chức năng vùng cấm nếu lan tỏa làm mất nhận thức…).
Triệu chứng bệnh động kinh rất đa dạng từ nhẹ tới nặng, từ có ý thức tới mất ý thức, từ không co giật tới co giật.
Một ổ tổn thương trên vỏ não cũng có thể gây động kinh. Tổn thương ở một bên bán cầu não thì gọi là động kinh cục bộ (không mất ý thức), nhưng tổn thương nặng hơn lan qua bán cầu não còn lại sẽ khiến người bệnh mất ý thức.
Bác sĩ Luyện nói, nếu thấy một người lên cơn co giật nhưng vẫn tỉnh táo rồi sau đó bất tỉnh, sùi bọt mép có nghĩa là tổn thương ở vỏ não đã lan tỏa rộng.
Biểu hiện co giật, sùi bọt mép chỉ là một kiểu hay gặp, còn có những kiểu động kinh tâm thần hết sức ghê gớm. Có người đang đi xe máy bỗng lên cơn động kinh, đuổi theo ủi vào xe khác; hoặc không kiểm soát được hành vi dẫn đến giết người, nhảy lầu…
Các bác sĩ xác định, bệnh động kinh phải trải qua các quy trình khám lâm sàng, tìm hiểu bệnh sử của bệnh nhân và gia đình, tiền sử chích ngừa. Tiếp theo đó, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân làm các xét nghiệm. Quan trọng nhất để xác định bệnh vẫn là chẩn đoán lâm sàng, bởi bác sĩ sẽ có định hướng cho những xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh cũng như phương án điều trị.
Sử dụng thuốc chống động kinh
Theo Sức khỏe và Đời sống, thuốc chống động kinh còn gọi là thuốc chống co giật được dùng hiện nay rất đa dạng. Việc lựa chọn thuốc điều trị sao cho phù hợp với tình trạng bệnh, khả năng kinh tế của bệnh nhân. Mục tiêu của điều trị động kinh bằng thuốc là kiểm soát tối đa các cơn, với việc giảm thiểu các tác dụng phụ có hại của thuốc và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Các thuốc chống động kinh không điều trị khỏi hẳn bệnh động kinh, nhưng nếu dùng thuốc trong thời gian dài, khi ngừng thuốc có một số trường hợp cơn động kinh không tái phát. Nhưng để kiểm soát tốt thường là phải dùng thuốc lâu dài, thậm chí là suốt đời.
Còn nếu để tình trạng cơn co giật kéo dài mà không được điều trị thì bệnh nhân có các nguy cơ: chậm phát triển thể chất, sa sút tâm thần, bệnh nhân bị cô lập với cuộc sống xã hội, chấn thương do co giật và có thể tử vong.
Tùy vào thời điểm ra đời có thể chia thuốc chống động kinh ra 2 nhóm:
- Thuốc thế hệ cũ, ra đời các nay đã lâu đời (như phenobarbital lần đầu tiên được sử dụng vào năm 1912), gồm có: phenobarbital, carbamazepin, phenytoin, acid valproic hay valproat…
- Thuốc thế hệ mới, ra đời trong thời gian gần đây (như: pregabalin được sử dụng vào năm 2004), gồm có: gabapentin, lamotrigin, oxcarbazepin, topiramat, levetiracetam, pregabalin…Thuốc chống động kinh mới hơn có xu hướng ít tác dụng phụ hơn nhưng hiệu quả điều trị chưa chắc hơn các thuốc cổ điển.
Bởi vì, sự lựa chọn thuốc chống động kinh phụ thuộc vào đặc điểm của từng bệnh nhân, có bệnh nhân lại thích hợp với thuốc cổ điển hơn. Cả hai loại thuốc mới và cũ thường hiệu quả như nhau trong bắt đầu điều trị động kinh.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng có khi nhận định chưa đúng khi nói về thuốc chống động kinh như: “thuốc loại này là vô cùng độc hại và tác dụng phụ là vô cùng trầm trọng”. Ngoại trừ người ta dùng Gardenal (tên biệt dược trước đây của phenobarbital) dùng liều rất cao để tự tử, cho tới nay chưa có báo cáo chính thức nào cho thấy dùng thuốc chống động kinh ở liều điều trị lại làm cho bệnh nhân tử vong.
Gardenal cũng là thuốc gây tác dụng phụ có hại vào loại bậc nhất của nhóm thuốc chống động kinh (như gây dị ứng nặng là hội chứng Lyell có thể đưa đến tử vong) và nay gần như không còn được dùng trị động kinh nữa.
Các thuốc chống động kinh khác đang được sử dụng hiện nay đều không thỏa mãn tiêu chí đồn đại: “thuốc loại này là vô cùng độc hại và tác dụng phụ là vô cùng trầm trọng”, cho nên người bệnh có thể an tâm dùng thuốc chữa bệnh.
Dùng thuốc chống động kinh không đúng cách gây tử vong
Dùng không đúng thuốc chống động kinh có 2 trường hợp. Nếu dùng liều thuốc thấp không đủ thì nồng độ thuốc có trong cơ thể người bệnh dưới ngưỡng tác dụng điều trị của thuốc sẽ làm cho người bệnh phát bệnh lên cơn động kinh.
Còn nếu dùng liều thuốc quá cao sẽ đưa đến ngộ độc thuốc đưa đến bị các rối loạn, như quá liều valproat có thể gây ngủ gà, blốc tim và hôn mê sâu; nếu được cấp cứu kịp sẽ chữa khỏi. Chỉ trừ trường hợp dùng thuốc trị động kinh có khoảng cách an toàn hẹp (khoảng cách giữa liều điều trị và liều chết quá nhỏ) như Gardenal thì dùng liều quá cao sẽ bị tử vong ngay (chính vì thế mà trước đây người ta hay dùng Gardenal để tự tử).
Bác sĩ chỉ định dùng thuốc chống động kinh cho người bệnh luôn lưu ý
- Khởi động việc điều trị chỉ bằng một thuốc. Bởi vì sử dụng phối hợp hai thuốc ngay từ đầu, nếu không có hiệu quả thì khó lòng có thể đánh giá được thuốc nào là thuốc không tác dụng.
- Khởi đầu bằng liều thấp nhất mà thuốc có tác dụng, tức liều có tác dụng ngăn chặn cơn động kinh xảy ra. Tránh dùng liều cao ngay từ đầu vì sẽ gây ra tác dụng phụ có hại.
- Uống đủ liều và liên tục trong thời gian mà bác sĩ chỉ định. Không được dừng bỏ thuốc, thậm chí chỉ một lần bỏ uống thuốc trong ngày. Chỉ cần bỏ một lần không uống vì bất kỳ lý do gì đều có thể làm giảm nồng độ dưới ngưỡng tác dụng điều trị của thuốc. Và bệnh động kinh có nguy cơ bị tái phát với mức độ nặng hơn, cơn mau hơn nếu bỏ thuốc như vậy.
- Sau 2 năm điều trị mà không thấy có một cơn động kinh nào tái diễn, bác sĩ tiến hành cho việc ngừng thuốc. Trước khi ngừng, phải giảm liều thuốc dần dần mà không dừng thuốc đột ngột. Nếu ngừng thuốc đột ngột sẽ gây động kinh tái diễn, động kinh xuất hiện mau hơn và cả động kinh kháng trị.
Trước khi ngừng hẳn thuốc phải có thời gian giảm liều từ từ, kéo dài trong khoảng 3 - 6 tháng. Trong thời gian giảm liều mà có cơn động kinh xuất hiện thì lại phải tiếp tục điều trị động kinh trong tối thiểu 2 năm tiếp theo tính từ thời điểm dùng lại thuốc này. Như vậy, có khi người bệnh phải dùng thuốc kéo dài mãi.
Thùy Linh
Theo GDVN