Bệnh trĩ
(Giúp bạn)Bệnh trĩ khá phổ biến. Hầu như ai cũng đã từng có những triệu chứng của bệnh này trong suốt cuộc đời. Tỉ lệ nam nữ bị bệnh là như nhau.
Bệnh trĩ là bệnh gì?
Theo Khám phá, bệnh trĩ, hay còn gọi là bệnh lòi dom theo dân gian, là bệnh được tạo thành do dãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ (hay sự phình tĩnh mạch) ở mô xung quanh hậu môn.
Trong cơ thể mỗi chúng ta có những mạch máu được gọi là tĩnh mạch, với áp suất trong lòng mạch thấp và có nhiệm vụ chuyên chở máu về tim.
Quanh lỗ hậu môn cũng có những bó tĩnh mạch này. Khi những bó tĩnh mạch trên bất thường bị to và dãn ra thì gây ra bệnh trĩ.
Chính chứng táo bón này làm tăng áp lực trong lòng các bó tĩnh mạch quanh hậu môn. Chúng to lên, dãn ra và gây bệnh trĩ.
BS Nguyễn Hải cho biết trên Sức khỏe & đời sống, biểu hiện của bệnh là cảm giác ngứa, nóng rát, đau và có thể bị sưng vùng hậu môn. Bệnh càng nặng nếu thường xuyên bị táo bón. Bệnh trĩ tuy không phải là bệnh hiểm nghèo nhưng nếu không được chữa trị kịp thời bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều đến công xuất làm việc và sinh hoạt hằng ngày. Hiện nay có nhiều phương pháp chữa bệnh trĩ cả y học cổ truyền và y học hiện đại rất hữu hiệu.
Phân loại bệnh trĩ và cấp độ
Thông tin trên trang tin điện tử BV Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn, bệnh trĩ gồm nhiều loại và được phân làm nhiều cấp độ nặng nhẹ khác nhau:
- Trĩ nội (Internal hemorrhoids): là bệnh mà các búi trĩ xuất phát từ các đám rối mạch máu tĩnh mạch ở bên trong hậu môn phía trên đường lược.
- Trĩ ngoại (External hemorrhoids): là bệnh trĩ mà các búi trĩ xuất phát từ bên dưới đường lược và thường được che phủ bởi niêm mạc hoặc da ở rìa hậu môn.
- Trĩ hỗn hợp (Mixed hemorrhoids: là do có sự kết hợp giữa các búi trĩ nội lẫn các búi trĩ ngoại.
- Trĩ vòng: khi có nhiều hơn ba búi trĩ và chiếm gần hết toàn bộ vòng hậu môn thì được gọi là trĩ vòng.
- Trĩ thuyên tắc: các mạch máu nơi có búi trĩ bị tắc nghẽn hay vỡ tạo thành các cục máu đông, gây đau đớn nhiều.
Đối với trĩ nội, tùy thao mức độ sa của búi trĩ mà ta có thể phân chia làm 4 cấp độ:
- Cấp độ 1: Búi trĩ chỉ phình lên, không sa ra ngoài. Có thể chảy máu khi đi tiêu.
- Cấp độ 2: Búi trĩ sa ra ngoài khi đi tiêu và ngay sau đó tự tụt vào.
- Cấp độ 3: Búi trĩ sa ra ngoài khi đi tiêu và khó tụt vào. Thường phải dùng tay đẩy vào.
- Cấp độ 4: Búi trĩ sa ra ngoài thường trực và khi lấy tay đẩy vào búi trĩ lại tụt ra.
Triệu chứng khi mắc bệnh trĩ
Bệnh trĩ thường biểu hiện ra ngoài thông qua 2 triệu chứng chính là chảy máu và sa búi trĩ.
1. Chảy máu: Là triệu chứng có sớm nhất và thường gặp nhất. Lúc đầu chảy máu rất kín đáo, tình cờ bệnh nhân phát hiện khi nhìn vào giấy chùi vệ sinh sau khi đi cầu hoặc nhìn vào phân thấy vài tia máu nhỏ dính vào thỏi phân rắn. Về sau mổi khi đi cầu phải rặn nhiều do táo bón thì máu chảy thành giọt hay thành tia. Muộn hơn nữa cứ mỗi lần đi cầu, mỗi lần đi lại nhiều, mỗi lần ngồi xổm máu lại chảy. Đôi khi máu từ búi trĩ chảy ra đọng lại trong lòng trực tràng rồi sau đó mới đi cầu ra nhiều máu cục.
2. Sa búi trĩ: Thường xảy ra trễ hơn sau một thời gian đi cầu có chảy máu, lúc đầu sau mỗi khi đại tiện thấy có khối nhỏ lồi ra ở lỗ hậu môn, sau đó khối đó tự tụt vào được. Càng về sau khối lồi ra đó to lên dần và không tự tụt vào sau khi đi cầu nữa mà phải dùng tay nhét vào. Cuối cùng khối sa đó thường xuyên nằm ngoài hậu môn.
3. Triệu chứng khác: Ngoài hai triệu chứng chính trên, bệnh nhân có thể có kèm theo các triệu chứng khác như đau khi đi cầu, ngứa quanh lỗ hậu môn. Thông thường trĩ không gây đau, triệu chứng đau xảy ra khi có biến chứng như tắc mạch, sa trĩ nghẹt hay do các bệnh khác ở vùng hậu môn như nứt hậu môn, áp xe cạnh hậu môn… Triệu chứng ngứa xảy ra do búi trĩ sa ra ngoài và tiết dịch gây viêm da quanh hậu môn làm cho bệnh nhân cảm thấy hậu môn lúc nào cũng có cảm giác ướt và ngứa.
Phòng ngừa bệnh trĩ
Các lời khuyên sau sẽ giúp quý vị ngăn chặn các yếu tố thuận lợi phát sinh bệnh trĩ:
- Tập thói quen đi cầu đều đặn hàng ngày.
- Điều chỉnh thói quen ăn uống:
+ Tránh các chất kích thích như cà phê, rượu, bia, trà.
+ Tránh các thức ăn cay nóng, nhiều gia vị như ớt, tiêu.
+ Uống nước đầy đủ.
+ Ăn nhiều chất xơ: rau, củ, quả, ngũ cốc (đặc biệt là khoai lang luộc rất tốt cho ngư bệnh trĩ).
- Vận động thể lực:
Nên tập thể dục và chơi các môn thể thao nhẹ như bơi lội, đi bộ…
- Điều trị các bệnh mãn tính hiện có như viêm phế quản, dãn phế quản, bệnh lỵ …
Nói chung, để phòng ngừa bệnh trĩ hiệu quả chúng ta cần điều chỉnh các thói quen ăn uống, sinh hoạt hợp lý sao cho cung cấp đủ chất xơ, cơ thể mát mẻ, tránh để nóng trong, táo bón.
Tham khảo thuốc: Forlax: Thuoocx điều trị hỗ trợ chứng táo bón |
Trà Mi
Theo GDVN