Béo phì tiềm ẩn nhiều bệnh nguy hiểm
(Giúp bạn)Tỉ lệ người thừa cân ở nước ta chiếm 16% trong nhóm tuổi trưởng thành, tỉ lệ hội chứng chuyển hóa chiếm khoảng 13% và con số này tiếp tục gia tăng nhanh chóng hằng năm.
- 1
Nguy cơ tiềm ẩn
Riêng ở Mỹ, tỉ lệ người béo phì chiếm 37,5% ở người lớn. Theo một nghiên cứu mới đây, người mắc hội chứng chuyển hóa chiếm 21% - 23% trong lứa tuổi trưởng thành và hơn 40% trong nhóm tuổi từ 60-69.
Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỉ lệ thừa cân ở nước ta chiếm 16% trong nhóm tuổi trưởng thành, tỉ lệ hội chứng chuyển hóa chiếm khoảng 13% và con số này tiếp tục gia tăng nhanh chóng hằng năm.
Người có hội chứng chuyển hóa thường gặp các vấn đề như tình trạng đề kháng insulin, rối loạn mỡ máu, cao huyết áp và nhiều yếu tố khác. Trong đó, yếu tố đặc trưng là tình trạng béo phì vùng bụng. Các yếu tố trên là nguy cơ gây các bệnh như đái tháo đường, xơ vữa động mạch, từ đó dẫn đến những nguy cơ khác như bệnh mạch vành, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Vì vậy, trái với quan niệm hình ảnh béo bụng tượng trưng cho sự thành công và giàu có của người thành đạt, tình trạng này cần được xem là dấu hiệu cho những nguy cơ tiềm ẩn của nhiều bệnh lý.
- 2
Xua đi nỗi sợ hãi
Để phòng ngừa thừa cân, béo phì và hội chứng chuyển hóa, bệnh lý đái tháo đường và biến chứng tim mạch thì việc điều chỉnh lối sống, thay đổi chế độ ăn hợp lý là biện pháp can thiệp hàng đầu.
Vận động thể lực dưới nhiều hình thức như đi bộ nhanh, đi xe đạp, thể dục aerobic, cầu lông, tennis, bơi lội là những loại hình phù hợp nhằm tiêu hao năng lượng, giảm cân và tăng cường sức dẻo dai. Tuy nhiên, việc lựa chọn loại hình vận động phải phù hợp, ưu tiên sức khỏe, mục tiêu và sở thích cá nhân. Duy trì chế độ luyện tập đều đặn là bí quyết cho sự thành công.
Chế độ dinh dưỡng lành mạnh có tác dụng kiểm soát cân nặng và ổn định đường huyết. Khẩu phần ăn trong ngày cần được cung cấp đầy đủ thành phần các chất (bột, đường, đạm, béo, xơ), vitamin và muối khoáng. Tuy nhiên, sự cân đối các thành phần trong bữa ăn là cần thiết. Mô hình hóa đĩa thức ăn trong mỗi bữa bao gồm 1/2 rau quả, 1/4 chất bột đường, 1/4 chất đạm. Thực tế, mô hình này dễ thực hiện và đạt hiệu quả cao.
Năng lượng cung cấp hằng ngày thường được tính toán dựa trên mục tiêu giảm cân hay duy trì cân nặng. Nếu năng lượng nạp vào lớn hơn mức nhu cầu cần thiết, hiện tượng thừa cân xuất hiện kéo theo sự gia tăng nguy cơ những bệnh lý liên quan đái tháo đường và tim mạch.
Đối với người mắc hội chứng chuyển hóa nói chung và người đái tháo đường nói riêng thì ngày nay, trong thực phẩm chế biến sẵn hay thực phẩm sữa thay thế, thành phần năng lượng cần thiết đã được tính toán và cung cấp một cách chính xác đầy đủ. Những thành phần dinh dưỡng vừa đóng góp tích cực trong việc cung cấp năng lượng ổn định, giảm cân khi cần thiết vừa hạn chế rối loạn mỡ máu.
Việc áp dụng phương pháp dinh dưỡng y khoa kết hợp luyện tập vận động ngay từ bây giờ sẽ mang lại cuộc sống vui khỏe trong tương lai nhờ ổn định đường huyết kiểm soát số đo cân nặng vòng eo, ngăn ngừa biến chứng tim mạch.