Các kiểu kết hợp thuốc gây nguy hiểm

15:22 14/04/2015

(Giúp bạn)Ở nước ta, nhiều người thường tự đoán bệnh, tự mua thuốc dùng mà không cần biết có những loại thuốc dùng kết hợp cùng lúc với nhau sẽ gây những phản ứng cực kỳ nguy hiểm cho cơ thể.

Sự kết hợp giữa thuốc với thuốc gây nguy hiểm

Trang Sức khỏe và Đời sống cho biết, dùng thuốc phải theo chỉ định của bác sĩ - điều này thì ai cũng biết. Tuy nhiên, ở nước ta, nhiều người thường tự đoán bệnh, tự mua thuốc dùng mà không cần biết có những loại thuốc dùng kết hợp cùng lúc với nhau sẽ gây những phản ứng cực kỳ nguy hiểm cho cơ thể.

-1

Dưới đây là một số sự kết hợp thuốc với thuốc gây nguy hiểm:

Thuốc hạ cholesterol + vitamin B3 hoặc thuốc chống nấm

Vitamin B3 hay còn gọi là vitamin PP, hoạt chất là acid nicotinic (niacin) hoặc nicotinamide (dạng amide của acid nicotinic). Vitamin B3 giúp giảm lượng cholesterol, giúp ích cho quá trình tuần hoàn máu và hình thành hệ thần kinh. Nó cũng can thiệp vào quá trình tổng hợp các hormon giới tính. Bằng cách kích thích sự tổng hợp chất sừng, vitamin B3 tham gia cải thiện vẻ đẹp làn da và mái tóc.

Tuy nhiên, loại thuốc bổ này có thể gây hại cho cơ bắp nếu bạn uống kết hợp với nhóm thuốc statin cũng có tác dụng làm giảm cholesterol. Cả vitamin B3 và statin đều làm suy yếu cơ ở mức độ khiến bệnh nhân dễ bị chuột rút hoặc đau nhức. Nếu kết hợp hai loại thuốc này sẽ gây nhiều phản ứng như phát ban, khó tiêu, gia tăng nguy cơ gây tiêu cơ vân.

Fluconazole là loại thuốc chống nấm thông dụng, được nhiều bác sĩ kê đơn và mọi người có thể tự mua về dùng. Nó sẽ là bình thường nếu như người bệnh không trong thời gian đang phải dùng nhóm thuốc statin để hạ cholesterol. Statin là một trong những loại thuốc được kê đơn nhiều nhất trên thế giới. Sự kết hợp của bộ đôi thuốc statin và fluconazole có khả năng gây yếu cơ hoặc tổn thương thận.

Thuốc thông mũi và thuốc hạ huyết áp

Thuốc thông mũi, đặc biệt loại chứa pseudoephedrine làm co mạch, giúp giảm sưng và giảm chảy mũi. Tuy nhiên, loại thuốc này có thể làm co thắt các mạch máu trong cơ thể làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, chống lại thuốc trị huyết áp và nguy hiểm cho người có huyết áp cao. Vì thế, nếu bệnh nhân đang sử dụng thuốc huyết áp thì không nên sử dụng thuốc thông mũi cùng lúc. Hiện nay, trong một số thuốc trị cảm cúm cũng có chứa thành phần thuốc thông mũi nên bệnh nhân huyết áp cần xem kỹ thành phần thuốc trước khi sử dụng.

Omega-3 và thuốc chống đông máu

Bổ sung omega-3 là việc làm cần thiết, có lợi cho tim nhưng loại axit béo này còn làm hoạt huyết. Vì vậy, nếu người bệnh đang dùng thuốc chống đông máu như warfarin hoặc aspirin, có thể tăng nguy cơ chảy máu nếu dùng đồng thời cùng omega-3.

Thuốc giảm đau + thuốc chống trầm cảm

Một số loại thuốc chống trầm cảm đặc biệt là loại thuốc tái hấp thu chọn lọc serotonin - SSRI (fluoxetin, fluoxamin, sertralin, paroxetin, citalopram...) có tác dụng làm tăng lượng serotonin trong synap do đó làm cải thiện rất hiệu quả trạng thái trầm cảm. Một số thuốc giảm đau có chứa tramadol hydrochloride cũng có thể có tác dụng tương tự. Khi dùng chung SSRI với tramadol thì chúng sẽ cộng hợp cùng chiều làm tăng lượng serotonin quá mức gây hội chứng serotonin. Nếu dùng liều cao hai loại thuốc này có thể gây kích động, làm nhiệt độ cơ thể cao, nhịp tim đập nhanh hơn và thở gấp.

Sự kết hợp giữa thuốc và thực phẩm gây nguy hiểm

Báo Người đưa tin đã viết, những sự kết hợp không đúng cách giữa thực phẩm, đồ uống với các loại thuốc có thể dẫn đến chết người do tác dụng phụ gây nên. Dưới đây là những sự kết hợp nguy hiểm giữa thuốc và thực phẩm nên tránh:

Chanh và thuốc ho:

Chanh, bưởi và cam có thể phá vỡ một loại enzyme phân hủy statin và một số loại thuốc khác, bao gồm thuốc ho dextromethorphan. Thuốc sau đó sẽ tích tụ trong máu bệnh nhân nên nguy cơ bị ảnh hưởng tác dụng phụ tăng lên, Mary Ellen Gullickson – dược sĩ ở Phòng khám Marshfield, tiểu bang Wisconsin, Mỹ - cho biết. Với dextromethorphan, tác dụng phụ sẽ là ảo giác và buồn ngủ còn với nhóm statin, bạn có thể bị tổn thương cơ nghiêm trọng.

Các sản phẩm sữa và thuốc kháng sinh:

Một số kháng sinh, bao gồm Cipro tác dụng với canxi, sắt và các khoáng chất khác trong các thực phẩm làm từ sữa. “Điều này ngăn cản sự hấp thu của kháng sinh làm giảm khả năng chống nhiễm trùng”, Tiến sĩ Gullickson nói. Vì vậy, bệnh nhân tránh dùng sữa, pho mát, sữa chua 2 giờ trước và sau khi uống thuốc. Ngoài ra, sữa cũng có những tác dụng không mong muốn tương tự đối với vitamin và khoáng chất.

Nước ép táo và thuốc chống dị ứng:

Hãy tránh nước ép táo, cam, bưởi trong vòng 4 giờ trước và sau khi bạn đã uống thuốc Allegra (fexofenadine) khi sốt mùa hè, chuyên gia Gullickson khuyên. Các loại nước này chứa một axit amin vận chuyển thuốc từ ruột vào máu. Kết quả, việc hấp thụ Allegra giảm tới 70%, giảm tác dụng chảy mũi và ngăn hắt hơi, Tiến sĩ Tom Wheeler nói.

Rượu và acetaminophen (Paracetamol):

Rượu sẽ làm tăng tác dụng của các men chuyển chất thuốc thành chất chuyển hóa Acetylbenzoguinoneimin, gây độc hại cho gan, thận. Nói chung, không nên sử dụng bất cứ loại thuốc nào trong vòng 6 tiếng trước và sau khi uống rượu.

Thùy Linh

Nên đọc
-2 Những điều cần biết về thuốc trị viêm âm đạo
-3 Các nhóm thuốc kháng nấm thường dùng trị viêm âm đạo
-4 Những thứ bắt buộc phải có trong tủ thuốc của trẻ
-5 Những lưu ý khi sử dụng thuốc nhỏ mắt

Theo GDVN

Comments