Tác dụng phụ của thuốc giảm tiết sữa

15:26 14/04/2015

(Giúp bạn)Khi dùng thuốc giảm tiết sữa có thể gây hiện tượng thiếu máu não, thiếu máu tiền đình, tụt huyết áp, xuất huyết tiêu hóa.

Thuốc giảm tiết sữa và tác dụng phụ

Trả lời trên Báo Sức khỏe và Đời sống, bác sĩ Nguyễn Huyền Trang cho biết, thuốc giảm tiết sữa có hai tác dụng: giảm tiết sữa nên giảm cảm giác căng tức khó chịu ở bà mẹ và gây ra cảm giác chán bú mẹ ở em bé vì “nhay” mãi chẳng ra giọt sữa nào. Vì thế mà đôi khi người ta hay gọi nó là thuốc “cai sữa”.

Có ba thuốc cơ bản dùng để giảm tiết sữa là cabergolin (dostinex), bromocriptin (parlodel), quinagolid (norprolac). Chúng đều là những đồng dạng của dopamin (một hormon tự nhiên trong cơ thể để điều khiển sự tiết sữa ở bà mẹ cho con bú).  Khi dopamin hay chất đồng vận của nó tăng cao trong máu thì prolactin sẽ bị ức chế tiết ra. Lợi dụng đặc tính này người ta đã chế ra những dược phẩm làm giảm tiết sữa.

Các thuốc này được dùng để điều trị trường hợp tăng prolactin bệnh lý. Tuy nhiên, người ta cũng có thể dùng cho bà mẹ không muốn tiết sữa nữa để thuận lợi cho quá trình cai sữa cho em bé. Trong ba thuốc trên chỉ có bromocriptin hay dùng ở bà mẹ nuôi con.

-1

Tuy nhiên, khi dùng thuốc này có thể gây hiện tượng thiếu máu não, thiếu máu tiền đình, tụt huyết áp, xuất huyết tiêu hóa. Do những tác dụng không mong muốn của thuốc nên bà mẹ không tự ý dùng các thuốc này để cai sữa. Chỉ dùng thuốc sau khi cai sữa được 5 ngày mà sữa không có dấu hiệu giảm.

Nguy hại khi tùy tiện dùng thuốc giảm tiết sữa

Theo báo điện tử Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, nhiều phụ nữ muốn tắt sữa nhanh đã tự ý mua thuốc uống. Tuy nhiên, do không có sự hướng dẫn của bác sĩ nên dẫn tới tắc tuyến sữa, gây viêm, sưng đầu vú hoặc bị áp-xe vú.

Loại thuốc làm tắt sữa thực chất là nội tiết tố của buồng trứng hoặc nội tiết tố của tuyến yên, đều có tác dụng giảm quá trình tiết sữa. Bác sĩ thường chỉ định các loại thuốc này cho những người mẹ mới sinh nhưng bị mắc những bệnh nguy hiểm như HIV, lao, ung thư… hoặc khi trẻ bị mắc bệnh truyền nhiễm có thể lây truyền sang mẹ.

Theo các bác sĩ, em bé cần được bú mẹ ngay từ lúc mới sinh ra, vì thời gian này sữa mẹ (còn gọi là sữa non) có đầy đủ những yếu tố vi lượng cần thiết cho trẻ. Trong thời gian sáu tháng đầu, trẻ cần được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn. Sau sáu tháng nên tập cho trẻ ăn dặm để tăng cường chất dinh dưỡng.

-2

Với trẻ em, bú sữa mẹ không đơn thuần là việc tiếp nhận dinh dưỡng và kháng thể của người mẹ mà còn là một trò chơi, một nhu cầu tình cảm. Vì vậy, người mẹ không nên đột ngột ngừng hẳn việc cho con bú vì điều đó sẽ làm trẻ bị sốc và biếng ăn. Cách tốt nhất là nên giảm số lần bú trong ngày từ từ và thay vào đó bằng những thức ăn khoái khẩu của trẻ.

Trong quá trình cai sữa, các bà mẹ thường bị đau tức ở ngực do sữa tích tụ không tiết được ra ngoài. Trong trường hợp này, các bà mẹ không nên vắt hết sữa ra (nếu vắt sẽ càng kích thích tuyến sữa) mà nên lấy khăn ấm nóng chườm nhẹ hai bên vú, rồi vắt bớt một ít sữa, nếu ngực căng đau quá thì nên gặp bác sĩ để được tư vấn.

Thuốc tham khảo: Bromocriptin

Phòng ngừa tiết sữa sinh lý : Sau khi sinh hoặc sảy thai, bằng cách ngăn chặn sự tiết sữa bromocriptin ức chế xung huyết, căng vú và đề phòng chứng viêm vú ở thời kỳ cữ.

Thùy Linh

Nên đọc
-3 Có phải trẻ được bú sữa mẹ sẽ thông minh hơn?
-4 Bé khò khè khi bú sữa mẹ
-5 Nguyên nhân trẻ mới sinh không chịu bú mẹ
-6 Cắt dính thắng lưỡi giúp bú mẹ dễ hơn

Theo GDVN

Comments