Các thuốc hỗ trợ cai nghiện rượu

15:26 14/04/2015

(Giúp bạn)Các thuốc cai nghiện rượu không thể đem lại hiệu quả nếu không được đi kèm với các biện pháp điều trị về tâm lý và hành vi.

Các loại thuốc thường được sử dụng để hỗ trợ cai nghiện rượu

- Thuốc Naltrexone

Báo điện tử Lao động cho biết, thuốc này dùng để cai nghiện ma túy nhóm opioid, nhưng có tác dụng khiến người uống rượu mất dần cảm giác thèm rượu. Do vậy, khi uống thuốc này lâu ngày, người nghiện rượu và lạm dụng rượu sẽ bỏ dần rượu. Uống thuốc hằng ngày vào buổi sáng.

Thời gian dùng thuốc phải tối thiểu 2 năm. Sau 1 tháng dùng thuốc, bệnh nhân chỉ giảm được chừng 50% lượng rượu uống (bệnh nhân vẫn uống rượu trong khi uống thuốc, nhưng số lượng rượu uống hằng ngày giảm chừng một nửa).

Hết tháng thứ hai dùng thuốc, bệnh nhân giảm được khoảng 70% lượng rượu uống. Hết tháng thứ ba, bệnh nhân giảm được chừng 90% lượng rượu uống. Sau đó tiếp tục cho bệnh nhân uống thuốc trong nhiều tháng (tối thiểu 2 năm).

Ưu điểm của naltrexone hầu như không gây ra phản ứng phụ, vì thế bệnh nhân không biết mình đang uống thuốc cai rượu (họ vẫn tưởng là uống thuốc chữa tăng huyết áp, mỡ máu, hạ men gan, đái tháo đường…). Khi buộc phải uống rượu, họ cũng không có phản ứng phụ gì. Có thể cai rượu ngoại trú. Nhược điểm của nhóm thuốc này là kết quả xuất hiện chậm, không cai rượu được tuyệt đối.

- Thuốc Disulfiram

Có tác dụng ức chế quá trình chuyển hóa rượu khiến cho rượu chuyển hóa thành aldehyd. Chính nồng độ aldehyd cao trong máu đã gây ra các phản ứng phụ rất khủng khiếp, khiến bệnh nhân buộc phải ngừng rượu.

Các phản ứng phụ bao gồm: Đỏ da (như da gà chọi), đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn, chóng mặt, đánh trống ngực, sợ hãi, cảm giác chết đến nơi… Cường độ và độ dài của chúng phụ thuộc lượng rượu bệnh nhân uống. Vì thế, Disulfiram chỉ được sử dụng sau khi bệnh nhân đã cai rượu hoàn toàn.

Do có nhiều phản ứng mạnh mẽ nên chúng rất thích hợp cho việc điều trị củng cố chống tái nghiện rượu. Nghĩa là sau khi bệnh nhân đã được cai rượu trong bệnh viện, trước khi ra viện 2 - 3 ngày, cần cho bệnh nhân uống thuốc này và duy trì càng lâu càng tốt (tối thiểu trong 2 năm) để tạo phản xạ sợ rượu bền vững cho bệnh nhân.

Uống thuốc vào buổi sáng, uống hằng ngày trong ít nhất 2 năm. Ưu điểm của disulfiram là nếu bệnh nhân được cho uống thuốc đều thì hầu như không thể tái nghiện rượu.

-1

- Thuốc Nalmefene

Theo Báo Sức khỏe và Đời sống, nalmefene cũng là một chất cạnh tranh thụ thể opioid, hiện đang được nghiên cứu trong điều trị cai nghiện rượu. Mặc dù không có bằng chứng cho thấy nalmefene hiệu quả hơn naltrexone, nhưng có thể là an toàn hơn vì thuốc này không gây nhiễm độc gan.

- Acamprosate

Đây là tác nhân chứng minh được hiệu quả rõ rệt nhất trong điều trị cai nghiện rượu, cơ chế tác dụng chính xác còn chưa được biết nhưng có thể do ức chế hệ glutamatergic dẫn đến giảm ham muốn uống rượu.

Để đảm bảo hiệu quả, acamprosate nên được dùng sớm ngay khi có thể và dùng kéo dài liên tục để giảm tần suất và mức độ uống rượu. Do thuốc được thải trừ qua thận nên cần giảm liều hoặc tránh dùng ở những bệnh nhân có suy thận nặng.

Tác dụng phụ thường gặp nhất của acamprosate là gây tiêu chảy, nhưng thường nhẹ và thoáng qua. Hiệu quả điều trị của acamprosate có thể tăng lên khi thuốc được dùng phối hợp với naltrexone.

-2

- Topiramate

Là một thuốc chống động kinh nhưng topiramate lại có những chế tác dụng giúp cho việc điều trị cai nghiện rượu như ức chế GABA và ức chế dẫn truyền glutamate. Hiện nay, do còn có quá ít những nghiên cứu về tác dụng cai nghiện rượu của topiramate nên thuốc thường chỉ được dùng trong chỉ định này theo kinh nghiệm.

Các tác dụng phụ thường gặp là gây chóng mặt, rối loạn vận động, giảm trí nhớ và độ tập trung, hầu hết đều nhẹ và tự hết không cần xử trí.

- Ondansetron

Là một thuốc ức chế cạnh tranh thụ thể 5-HT3 của serotonin, thường được dùng trong điều trị chống nôn. Thuốc đang được thử nghiệm với những kết quả tương đối khả quan trong điều trị cai nghiện rượu với khả năng giúp giảm lượng rượu được uống do làm giảm ham muốn uống rượu và giảm sự phấn khích do rượu.

Thùy Linh

Nên đọc
-3 Không dùng thuốc chống nôn khi say rượu
-4 An toàn khi sử dụng rượu thuốc
-5 Bia rượu có phải là thủ phạm duy nhất gây bệnh gút?
-6 Mẹ uống rượu khi mang thai ảnh hưởng đến IQ của trẻ

Theo GDVN

Comments