Cách dùng thuốc trị viêm mũi dị ứng trong thai kì

15:26 14/04/2015

(Giúp bạn)Phụ nữ cần hết sức thận trọng khi dùng thuốc trị viêm mũi dị ứng trong thai kì. Khi có những biểu hiện bệnh cần đi khám và dùng thuốc theo chỉ định của thầy thuốc.

Theo Trang thông tin điện tử Bệnh viện Hồng Ngọc, Với người có cơ địa dị ứng, khi mang thai lại trở nên nhạy cảm hơn với các yếu tố dị nguyên, do vậy chứng viêm mũi cũng xảy ra thường xuyên hơn.

Viêm mũi dị ứng ảnh hưởng đến khoảng 15- 20% phụ nữ trong độ tuổi mang thai và là rối loạn thường gặp nhất, gây khó chịu trong thời kỳ thai nghén. Khi tiếp xúc với dị nguyên, người bệnh sẽ hắt hơi, chảy mũi liên tục, ngứa mũi, nước mũi chảy ra ràn rụa hoặc nghẹt mũi, rất khó chịu.

Sử dụng thuốc trị viêm mũi dị ứng trong thai kì

Sức khỏe và đời sống cho biết, trước hết phải tìm hiểu xem dị ứng nguyên (tức chất gây dị ứng) là gì để tránh như giữ nhà cửa, môi trường sống luôn thoáng mát, sạch sẽ (bụi nhà, lông chó, lông mèo thường là những dị ứng nguyên gây rối loạn dị ứng), tránh các loại thực phẩm theo kinh nghiệm gây dị ứng (như trứng, sữa, các loại thủy hải sản), thay đổi yếu tố môi trường như giữ ấm khi trời trở lạnh, giữ tinh thần lạc quan, thoải mái.

Nếu không tránh được dị ứng nguyên  thì khi bị ngứa mũi, chảy nước mũi, thuốc được lựa chọn đầu tiên  là natri cromolycat (cromolyn) bơm xịt vào mũi. Nếu dùng thuốc bơm xịt không đáp ứng hoặc không có sẵn loại thuốc này có thể dùng thuốc uống kháng histamin ở thụ thể H1 (thế hệ 1) như clorpheniramin, tripelenamin, diphendramin.

Tuy nhiên đối với các thuốc này có tác dụng phụ là gây buồn ngủ.  Hoặc có thể dùng thuốc kháng histamin thế hệ 2 như cetirizin, loratidin... Loại này ít gây buồn ngủ hơn. Nếu bị nghẹt mũi trầm trọng có thể dùng  glucocorticoid dạng bơm vào mũi như  beclomethason, budesonid.

Các thuốc nói trên đều thuộc loại B trong bảng phân loại thuốc dùng cho phụ nữ có thai theo Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ. Tức là thuốc bác sĩ chuyên khoa nhận thấy cần thiết sẽ chỉ định cho phụ nữ có thai.

-1

Chọn thuốc viêm mũi dị ứng (VMDƯ) trong thai kì

+ Glucocorticoid dạng xịt mũi:

Glucocorticoid đường mũi có hiệu quả cao đối với VMDƯ và được coi là thích hợp để sử dụng trong thai kỳ. Phụ nữ có thai nên sử dụng liều thấp nhất mà vẫn hiệu quả. Không có sự khác biệt lớn về hiệu quả hoặc tính an toàn giữa các dạng bào chế glucocorticoid dùng đường mũi.

Như vậy, nếu một bệnh nhân đã sử dụng bất kỳ chế phẩm glucocorticoid đường mũi nào và được kiểm soát tốt, việc tiếp tục sử dụng chế phẩm đó trong thời gian mang thai là điều hợp lý.

+ Thuốc kháng histamin:

Thuốc kháng histamin đường uống ít hiệu quả hơn để làm giảm nghẹt mũi và chảy nước mũi trong điều trị VMDƯ so với glucocorticoid đường mũi. Một số nghiên cứu đã đánh giá sự an toàn của thuốc kháng histamin trong thời kỳ mang thai.

Hầu hết phụ nữ mang thai có nhu cầu dùng thuốc kháng histamin thích hợp nhất với thế hệ hai như: acrivastin, cetirizin, loratadin, mizolastin và terfenadin… bởi vì các thuốc này ít có tác dụng an thần và tác dụng phụ cholinergic cũng thấp hơn so với thế hệ một (alimemazin, chlopheniramin, promethazin).

Loratadin và cetirizin có thể được coi là lựa chọn đầu tay trong thời kỳ mang thai. Đã có dữ liệu an toàn của các thuốc này trên một số lượng lớn bệnh nhân mang thai.

+ Thuốc xịt mũi kháng histamin:

Chưa có dữ liệu về tính an toàn trên người của azelastine hoặc olopatadine dạng xịt mũi, mặc dù nghiên cứu trên động vật cho thấy an toàn. Cho đến khi có thêm thông tin, nên tránh sử dụng các loại thuốc này trong thời kỳ mang thai, trừ khi bệnh nhân chỉ đáp ứng với duy nhất một trong hai thuốc trên trước khi mang thai.

-2

+ Thuốc co mạch làm thông mũi, giảm sung huyết:

Thuốc co mạch dùng tại chỗ (naphazolin, oxymetazolin, xylometazolin…): có thể được sử dụng trong thời gian ngắn (dưới 3 ngày) để làm giảm tạm thời tình trạng nghẹt mũi nặng. Có một số dữ liệu về tính an toàn trên người của oxymetazolin dùng đường mũi khi sử dụng ngắn hạn có thể chấp nhận trong thai kỳ. Tuy nhiên, bệnh nhân nên được cảnh báo về sự phụ thuộc thuốc nếu sử dụng kéo dài.

+ Thuốc co mạch, thông mũi đường uống:

Tốt nhất nên tránh hoàn toàn sử dụng thuốc thông mũi đường uống trong 3 tháng đầu thai kỳ do nguy cơ không chắc chắn về một dị tật bẩm sinh hiếm gặp mà các thuốc này gây ra, đó là hở thành bụng.

+ Thuốc kháng histamin và thuốc thông mũi kết hợp:

Bệnh nhân viêm mũi dị ứng có triệu chứng nghẹt mũi đáng kể thường báo cáo giảm triệu chứng nhiều hơn khi được điều trị kết hợp một thuốc kháng histamin và pseudoephedrin (một chất chống co mạch, giảm sung huyết đường hô hấp trên) so với sử dụng đơn lẻ một trong hai loại thuốc trên. Tuy nhiên, cần lưu ý pseudoephedrin được khuyến cáo nên tránh sử dụng trong 3 tháng đầu thai kỳ.

Phụ nữ mang thai cần hết sức thận trọng khi dùng thuốc. Khi có những biểu hiện bệnh cần đi khám và dùng thuốc theo chỉ định của thầy thuốc. Tuyệt đối không dùng thuốc theo mách bảo, vì thuốc có thể an toàn với người này nhưng lại nguy hiểm cho người khác.

Đặc biệt với bà bầu bị chứng dị ứng, việc dùng thuốc càng phải thận trọng hơn vì họ có cơ địa rất nhạy cảm. Việc dùng thuốc không đúng có thể xảy ra những hậu quả đáng tiếc, nguy hiểm cho cả mẹ và con.

Thùy Linh

Nên đọc
-3 Những loại thuốc bà bầu nên tránh
-4 Bà bầu có được uống thuốc zinnat không?
-5 Thuốc tránh thai có thể trị mụn
-6 Người cao tuổi cần lưu ý khi sử dụng thuốc


Theo GDVN

Comments