Cách hành xử khéo khi chàng bị stress
(Giúp bạn)Chàng bị stress, khóa trái cửa phòng làm việc im ỉm. Sẽ thật dại dột nếu như giữa lúc dầu sôi lửa bỏng này, bạn cứ xông vào thúc giục: "Có gì anh nói ra đi cho nhẹ lòng!". Khi ấy, chàng cần được "sống riêng".
Nhiều cô vợ khóc, ôm ấm ức vào lòng khi chẳng may can thiệp vào cơn ức chế của chồng và bị "chồng mắng". Cô mang nỗi niềm ấy tỉ tê với chị đồng nghiệp cùng phòng: "Chồng em thiệt quá đáng! Em thấy anh ấy căng thẳng nên mới hỏi han, muốn anh nói ra cho nhẹ người. Vậy mà lại bị mắng như dội gáo nước lạnh vào mặt". Thật ra, "lỗi" không phải do chồng hay chính cô vợ. "Lỗi" nằm ở chỗ cô chưa tâm lý để biết cách xử trí với cơn căng thẳng của chồng.
- 1
Chàng cần yên tĩnh
Không như phụ nữ được "lập trình" sẽ giải tỏa cơn căng thẳng, ức chế bằng cách trò chuyện, sẻ chia; đàn ông khi gặp chuyện căng thẳng, cần có khoảng lặng để đối mặt với vấn đề của mình và tự giải quyết nó. Vậy nên, thứ duy nhất chàng cần lúc ấy là một căn phòng yên tĩnh và một người vợ... không lắm lời. Người đàn ông của bạn có thể "mất hút" trong thế giới riêng ấy nhưng khi chàng chịu ra mặt là bạn có thể yên tâm rằng chàng đã bớt căng thẳng và bình tĩnh hơn.
Dù quan tâm, tò mò, lo lắng đến đâu, hãy học cách chăm sóc chàng trong cơn khủng hoảng bằng một cách "kiệm lời" nhất. Ví dụ như bạn chỉ cần rón rén bước vào phòng làm việc với một đĩa cơm, một ly cà phê sữa nóng và dò ý chồng. Nếu chàng chịu mở lời, bạn có thể bước tới, đặt nhẹ tay lên vai chồng, hôn nhẹ chàng một cái cùng với lời dặn dò nhanh gọn: "Anh tranh thủ ăn uống chút đi nhé!". Vậy thôi bạn ạ! Đừng lo chuyện anh ấy... ở một mình. Đối với một đức lang quân đang căng thẳng, những quan tâm tới tấp: "Anh mệt không?", "Anh sao rồi?" hay tệ hơn là ra rả đưa ra các giải pháp không đúng việc, đúng người: "Thì anh cứ mặc kệ lão X ấy đi", "Đối tác như thế, anh bỏ đại cho rồi"... chẳng khác gì một sự tra tấn.
- 2
Sự chăm sóc "thông minh"
Chăm sóc một người nghĩa là làm những việc khiến người đó thoải mái, như ý chứ không phải dành cho họ những gì bạn muốn. Đơn giản là những người chồng vốn không cần bạn nhắc chuyện ăn, chuyện tắm, chuyện trời đã khuya nên phải đi ngủ... lúc anh ấy đang căng thẳng với những vấn đề khác.Với chàng lúc này, cuộc sống có lộn xộn một chút cũng không nghiêm trọng bằng vấn đề chàng đang phải trải qua đâu.
Tuy nhiên, bạn có thể kín đáo đặt sẵn trong phòng tắm một bộ pyjama là thẳng, thơm tho, chiếc khăn sạch bên cạnh bồn nước ấm. Bạn cứ chăm sóc chàng như thường nhật nhưng chớ dại "cưỡng ép" chàng hưởng ứng. Một người vợ tâm lý lúc này nên giữ nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, nhắc nhở nhóc cưng không đùa giỡn ồn ào, tránh làm phiền tới chồng bạn, để chàng có thời gian tĩnh tâm suy nghĩ một cách thấu đáo. Dù mãi đến 1 giờ sáng chồng mới rón rén vào phòng ngủ nhưng cũng đừng coi đó là vấn đề nghiêm trọng. Cứ vờ ngái ngủ quay sang ôm chàng nũng nịu: "Chợp mắt chút đi anh. Ngày mai trời lại sáng đó".
Không phải vô cớ người ta nói: "Sau lưng một người đàn ông thành công luôn có bóng hình một người phụ nữ". Làm một người vợ thầm lặng để chồng "vượt stress" đâu phải quá khó, đúng không nhỉ?