Chứng đau lưng sau khi sinh
(Giúp bạn)Những phụ nữ đau lưng trước khi hoặc trong khi mang thai có nhiều khả năng sẽ tiếp tục đau lưng sau khi sinh, đặc biệt nếu cơn đau bắt đầu khá sớm trong thai kỳ.
- 1
Vì sao lại đau lưng sau sinh?
Người ta thấy khoảng 50% thai phụ bị đau lưng. Nguyên nhân là do trong thời gian mang thai, tử cung của bạn mở rộng và trải dài, làm suy yếu cơ bụng và làm thay đổi tư thế của bạn, cột sống bị kéo về phía trước, khiến lưng trở nên căng hơn, đồng thời sự gia tăng trọng lượng khiến cho cơ bắp cũng như các khớp căng thẳng, chịu nhiều áp lực hơn.
Hơn nữa, việc thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ có thể làm nới lỏng các khớp và dây chằng nối với xương chậu, cột sống, khiến cho bạn cảm thấy kém ổn định hơn và gây đau khi đi, đứng, ngồi trong thời gian dài, hoặc nằm trên giường, ngồi ghế thấp, bồn tắm cúi xuống hay nâng vật gì đó.
Ngoài ra, nhiều bà mẹ trẻ vô tình làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn khi cho con bú không đúng cách: Căng cơ cổ và lưng trên khi bạn nhìn xuống.
Sự kiệt sức tổng thể cũng như căng thẳng khi bạn chăm sóc trẻ sơ sinh cả ngày cũng có thể làm cho tình trạng này khó phục hồi những cơn đau nhức sau khi sinh con, bao gồm đau lưng.
- 2
Bao lâu sau tình trạng này sẽ khỏi?
Thường thì vài tháng sau khi sinh, người phụ nữ sẽ không còn đau, mặc dù một số phụ nữ sẽ tiếp tục bị đau lâu hơn, thậm chí đến một năm.
- 3
Điều bạn nên làm
Luyện tập
Bạn nên bắt đầu một chương trình tập luyện dần dần. Dù rằng bạn vẫn còn đau lưng và khó khăn nếu phải di chuyển, nhưng cơ thể bạn cần sự vận động nhẹ nhàng. Các bài tập tăng cường cơ bụng và tăng tính linh hoạt sẽ hữu ích.
Bạn có thể chọn một hình thức tập thể dục nhẹ nhàng, như đi bộ. Bởi đi bộ là phương pháp luyện tập an toàn để bắt đầu gần như ngay lập tức sau khi sinh thường hoặc sinh mổ. Đi bộ sẽ giúp máu lưu thông tốt hơn giúp giảm đau lưng. Bạn hãy đi từ từ và đi với khoảng cách ngắn trong những tuần đầu tiên, tốt nhất, mới đầu bạn chỉ nên đi lại trong phòng.
Bơi lội cũng giúp tăng cường cơ bắp của bạn mà không khiến các cơ, khớp của bạn căng thẳng quá mức.
Bài tập khác
Nằm ngửa, lưng đặt lên sàn, hai chân cong, bàn chân đặt xuống sàn. Hít vào thót bụng, mở rộng lồng ngực. Thở ra nâng hông lên, giữ trong giây lát, hạ xuống nhẹ nhàng. Thực hiện 8 – 10 lần. (Bạn nên đợi cho đến khi được 6 đến 8 tuần để bắt đầu bài tập này). Tuy nhiên những phương pháp này chỉ phù hợp khi bạn bị đau lưng nhẹ. Trường hợp có những cơn đau lan tỏa ở lưng, mông, đùi, dọc bắp chân và đôi khi lan tới bàn chân, bạn cần phải đi gặp ngay bác sỹ. Nếu đau dai dẳng bạn cũng phải đi khám.
Lời khuyên
Dù bạn bắt đầu bằng bài tập nào thì cũng cần lắng nghe cơ thể bạn. Nếu một vị trí hoặc hoạt động nào khiến bạn khó chịu thì hãy dừng lại ngay.
Chú ý đến tư thế cho con bú
Khi đứng, bạn nên đứng thẳng và khi cho bé bú thì nên ngồi thẳng lưng, kể cả khi cho bé bú bình hay làm vệ sinh. Khi ngồi nên đặt chân trên một chiếc ghế nhỏ. Ngồi trên những chiếc ghế mềm mại thoải mái có tay vịn và lót một chiếc gối sau lưng. Cho bé bú ở nhiều tư thế khác nhau, bế bé sát vào người hơn là để xa.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên lưu ý rằng, khi bế bé hay nâng vật nặng thì hơi cong chân để giảm áp lực lên cột sống. Bạn không nên nâng bất cứ vật gì nặng hơn em bé trong 8 tuần đầu tiên.