Có nên cho trẻ bị nôn trớ uống thuốc chống nôn không?
(Giúp bạn)Tất cả thuốc chống nôn đều có nhiều tác dụng phụ, do đó chỉ nên sử dụng khi có chỉ dẫn của bác sĩ, không nên dùng thuốc chống nôn kéo dài cho trẻ bị nôn trớ.
Theo Trang thông tin điện tử Bệnh viện Nhi đồng 2, nôn trớ là triệu chứng hay gặp ở trẻ nhỏ. Nôn trớ là hiện tượng thức ăn trong dạ dày bị đẩy lên thực quản rồi trào ra miệng. Nôn trớ có thể lành tính, tự khỏi khi trẻ lớn hơn. Có khi nôn trớ là biểu hiện của những bệnh lý tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản, có thể là triêu chứng của bệnh lý đường hô hấp hay là bệnh lý toàn thân,v.v…
Khi trẻ nôn trớ, cha mẹ nên xem trẻ có những biểu hiện nào kèm theo không, ví dụ như sốt hay tiêu lỏng, ho, hay sổ mũi, phát ban v.v…
Nôn trớ đơn thuần thường liên quan đến ăn uống. Hay gặp ở trẻ nhỏ do ép trẻ ăn quá nhiều, bú quá no, nằm liền sau khi bú, hoặc không dung nạp thức ăn hoặc bắt đầu ăn bổ sung với thức ăn mới lạ, hoặc ăn nhiều quá 1 loại thức ăn nào đó.
Nôn thường xuất hiện sớm, số lượng chất nôn ít, chủ yếu là thức ăn. Trẻ vẫn chơi bình thường, không ảnh hưởng đến tình trạng cơ thể. Do vậy, chỉ cần điều chỉnh cách cho ăn.
Cho trẻ bị nôn trớ uống thuốc chống nôn
Trả lời trên Vnexpress, bác sĩ nhi khoa Nguyễn Đức Thường cho biết, trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng thức ăn từ dạ dày trào ngược lên thực quản và ra ngoài gây tình trạng nôn trớ. Tùy theo mức độ mà có hướng xử trí khác nhau.
Nếu mức độ nhẹ các mẹ chỉ cần cho bé nằm cao 30 độ, bế đứng bé trong 30 phút sau khi ăn, không dùng quần áo chật hoặc quấn tã chặt cho bé. Ngoài ra, nên chia nhỏ bữa ăn, không cho bé ăn quá nhiều một lúc, không cho bé ăn lại ngay sau khi bị trớ, có thể làm đặc thức ăn như pha thêm bột vào sữa… đồng thời điều trị các bệnh lý đường hô hấp gây nôn trớ do ho.
Các mẹ cũng không nên dùng nước muối biển để bù nước cho bé mà có thể dùng oresol để bù dịch cho bé nếu bé nôn nhiều.
Tất cả thuốc chống nôn đều có nhiều tác dụng phụ, do đó chỉ nên sử dụng khi có chỉ dẫn của bác sĩ, không nên dùng thuốc chống nôn kéo dài.
Nguy hiểm khi tùy tiện cho trẻ bị nôn trớ uống thuốc chống nôn
Báo điện tử Kiến thức đưa tin, thấy con hay nôn trớ, nhiều bà mẹ sốt ruột, cho con dùng thuốc chống nôn. Hậu quả là con phải vào viện trong tình trạng nguy kịch. Nếu không kịp thời cứu chữa có thể dẫn tới tử vong.
Trên trang, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho biết, bị nôn có thể do phản ứng thông thường hoặc do trào ngược dạ dày thực quản. Nhưng nôn cũng có thể là biểu hiện bệnh lý nào đó (nội khoa hoặc ngoại khoa). Có khi nôn là do ngộ độc thức ăn, tắc ruột hoặc lồng ruột. Thậm chí, viêm não hoặc viêm mũi xoang cũng có thể gây nôn.
Thuốc chống nôn có nhiều loại với nhiều tên gọi và biệt dược khác nhau; một số thuốc ngoài tác dụng chống nôn còn có những tác dụng khác. Vì vậy, sử dụng thuốc này cần hết sức thận trọng.
Ngay cả với bác sĩ nhi khoa, không phải trường hợp nào cũng kê thuốc chống nôn cho bệnh nhân, và việc kê thuốc cũng rất cân nhắc, phù hợp từng hoàn cảnh. Uống quá liều thuốc chống nôn sẽ có triệu chứng như ngộ độc heroin, có thể gây co giật.
Thuốc Metalopramid, Primperan là những cái tên hay được nhắc đến khi "khai" đã cho con dùng thuốc gì. Thực ra, Pripera là tên biệt dược. Theo dược điển, Pripera có thể làm mệt mỏi, chóng mặt, mất ngủ, rối loạn vận động. Dùng quá liều có thể gây co giật dẫn đến thiếu oxy và tử vong. Tất cả các thuốc chống nôn - dù được bán nhiều ở các hiệu thuốc và rất dễ mua - nhưng khi dùng đều phải dùng theo chỉ định của bác sĩ.
Nếu đã "trót" cho con dùng thuốc chống nôn, nếu thấy con có biểu hiện co giật, cần đến bệnh viện ngay. Do tác dụng, tác hại của thuốc chống nôn, có trường hợp đã dùng thuốc này để tự tử. Vì vậy, cho con dùng thuốc chống nôn bừa bãi là vô cùng nguy hiểm.
Theo GDVN