An toàn khi sử dụng rượu thuốc
(Giúp bạn)Rượu thuốc là dạng rượu để bồi bổ cơ thể hoặc để điều trị bệnh. Nhưng nếu dùng loại rượu này không đúng sẽ gây ra biến chứng khôn lường.
Theo Wikipedia, rượu thuốc hay rượu dân tộc là tên gọi chỉ các loại rượu ngâm rất phổ biến trong hệ thống đồ uống của ẩm thực Việt Nam truyền thống, thường được quảng cáo là các loại rượu cường dương hay bổ âm.
Rượu thường làm bằng rượu trắng nồng độ cao ngâm các nguyên liệu thảo dược hoặc động vật có dược tính theo các phương pháp cổ truyền, với ý nghĩa không chỉ để cho thực khách thưởng thức hương vị của rượu mà hầu hết sử dụng như một loại thuốc. Hầu như gia đình nào ở Việt Nam cũng đều có một vài bình rượu thuốc trong nhà và có những bình được để rất lâu.
Ngâm rượu sai cách có thể gây hậu quả
Báo lao động dẫn lời Lương y Nguyễn Đức Nghĩa, ủy viên Hội Dược liệu TPHCM cho biết, rượu thuốc ngâm có hai loại, ngâm dược liệu và ngâm động vật. Tất cả các cách ngâm đều phải có bài, có vị mới hiệu quả. Thế nhưng, hiện có rất nhiều người ngâm rượu thuốc một cách cảm tính, thiếu khoa học. Nhiều người vẫn có thói quen có gì ngâm nấy, hoặc ngâm đúng vị, đúng bài nhưng sai về cách thức.
Một số người còn nghĩ ra cách ngâm rượu với huyết động vật để uống với mong muốn bổ thận, tráng dương. Thực tế thì huyết động vật không có một thành phần nào có tác dụng như thế…
Đáng lẽ ngâm rượu thuốc phải hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ tư vấn thì ngược lại, người ngâm rượu toàn hỏi những người không biết gì về dược lý, thậm chí làm theo lời truyền miệng. Có thể điểm lại, trong thời gian qua, ở Việt Nam, có hàng trăm vụ ngộ độc, tử vong vì uống rượu thuốc.
Ngâm và uống rượu thuốc đúng cách
Theo lương y Nguyễn Đức Nghĩa, ngâm rượu có hai yếu tố cần phải tuân thủ. Một là rượu phải rõ nguồn gốc, đúng độ. Thứ hai, dược liệu hoặc động vật ngâm rượu phải rõ ràng, đúng tên, đúng loại.
Rượu ngâm động vật phải có độ cồn từ 45-55 độ. Rượu ngâm dược liệu có độ cồn thấp hơn, khoảng từ 40-50 độ là được. Tuyệt đối không dùng rượu công nghiệp không rõ nguồn gốc để ngâm.
Rượu thuốc ngâm phải đúng bài, đúng vị. Trước đây, theo bài, thì người dân dựa vào các bài thuốc cổ phương. Có thể kể đến như bát trân – 8 loại dược liệu quý giá, thập toàn đại bổ… Đơn giản hơn, dân gian cũng có thể ngâm theo vị như rượu linh chi, đinh lăng, cúc hoa, các loại sâm, hà thủ ô… Động vật có thể ngâm rượu ví như một số loại rắn, tắc kè, bìm bịp, cá ngựa.
Uống rượu thuốc cũng phải đúng liều lượng. Nếu uống với mục đích hỗ trợ điều trị bệnh, phải uống theo hướng dẫn của bác sỹ. Còn để tăng cường sức khỏe cũng chỉ nên uống 1-2 ly nhỏ mỗi ngày: “Vì rượu thuốc tức là chứa cả phần rượu và phần thuốc. Rượu uống quá liều có thể chưa gây hậu quả ngay. Nhưng rượu thuốc mà uống quá nhiều, chẳng khác nào uống thuốc quá liều. Đặc biệt, rượu thuốc cũng chống chỉ định những người loét dạ dày, xơ gan”, ông nhấn mạnh.
Rượu thuốc cần được ngâm đúng cách để đảm bảo an toàn.
Nguyên nhân gây ngộ độc rượu thuốc
Báo Sức khỏe và Đời sống cho biết, có một sốt nguyên nhân gây ngộ độc rượu như:
-Do mua nhầm thuốc độc: người thu hái nhầm các loại rễ cây có độc như lá ngón, mã tiền, hoàng nàn, phụ tử, cà độc dược... phần lớn là dược liệu thuộc bảng độc A, đem về phơi khô rồi bán. Khi thuốc khô và được băm nhỏ, khó nhận dẫn đến ngộ độc nặng và tử vong.
-Do các chất bảo quản phun trên thuốc: để bảo quản thuốc phiến, người ta thường sử dụng một số chất độc như: lưu huỳnh, chì, kẽm, thạch tín, nhôm, được phun hoặc bôi lên bề mặt dược liệu, nếu mua thuốc về ngâm rượu ngay thì chất độc khuếch tán rất nhanh, uống vào sẽ bị nhiễm độc.
Do nấm mốc phát triển trên dược liệu vì bảo quản không đúng quy cách, chính các độc tố sản sinh từ nấm mốc, nhất là aflatoxin, dẫn đến ngộ độc trước mắt, còn lâu dài dẫn đến ung thư gan.
-Do phản ứng hóa học trong rượu: rượu là dung môi có thể hòa tan rất nhiều chất có lợi cũng như có hại trong các vị thuốc, trong đó đáng kể là nhóm ancaloit, saponosit ở liều cao gây phá huyết, tanoit gây kích ứng niêm mạc ruột... dễ dẫn đến các rối loạn hệ thần kinh, tuần hoàn và tiêu hóa.
-Do sự tương tác trong thành phần bài thuốc: theo y học cổ truyền, khi dùng chung các vị thuốc với nhau sẽ xuất hiện sự tương tác.
Trong đó có hiện tượng tương phản giữa các chất có trong thuốc, cũng như khi uống rượu thuốc rồi ăn chung với những món ăn dễ xảy ra sự tương kỵ làm người dùng bị phản ứng ngộ độc gây co giật, sốt cao, bứt rứt, tay chân bải hoải, mất kiểm soát ý thức, đau đớn và sưng phù toàn thân.
Thuốc tham khảo: Pharmaton Matruelle Bổ sung chế độ ăn uống với các khoáng chất và vitamin Là hỗn hợp đa vitamin và khoáng chất kết hợp làm tăng lượng vitamin và canxi trong cơ thể. |
Thùy Linh
Theo GDVN