Có nên rắc bột kháng sinh vào vết thương?
(Giúp bạn)Rắc bột kháng sinh lên vết thương hay vết bỏng không có tác dụng điều trị, ngược lại dễ làm nặng thêm vết thương và có thể gây dị ứng, sốc phản vệ.
Rắc bột kháng sinh vào vết thương: nên hay không?
Trả lời trên Sức khỏe và Đời sống, DS.Hồng Hà cho biết, rắc bột kháng sinh lên vết thương hay vết bỏng không có tác dụng điều trị, ngược lại dễ làm nặng thêm vết thương và có thể gây dị ứng, sốc phản vệ.
Sau khi rắc bột kháng sinh lên vết thương hay vết bỏng chỉ vài giờ, bột kháng sinh sẽ làm thành một lớp vỏ khô, dày như một hàng rào vật lý cản trở việc thâm nhập của các yếu tố bảo vệ đến vết thương như: máu, kháng thể, bạch cầu, kháng sinh đường uống; đồng thời hạn chế lên mô hạt và kéo da non (sự lành vết thương); làm phản ứng viêm tại chỗ tăng lên lớp vỏ khô dày sẽ cản trở gây ứ đọng dịch viêm.
Có những trường hợp vết thương rộng, sau rắc thuốc vài ngày sẽ nóng đỏ lên do bị nhiễm khuẩn, người bệnh có sốt. Khi lột lớp vỏ đó ra thì bên dưới có nhiều mủ và mô hoại tử...
Ngoài ra, việc rắc bột kháng sinh làm kích thích da và phản ứng viêm tại chỗ nên dễ gây ra phản ứng dị ứng và tình trạng sốc phản vệ mà hậu quả có khả năng dẫn đến tử vong.
Phương pháp chữa trị các vết thương?
Theo Việt báo, trước một vết thương chảy máu, việc chảy máu có tác dụng rửa sạch vết thương, chúng ta dùng áp lực đè lên vị trí vết thương để cầm máu bằng miếng vải sạch, gạc hay tờ giấy xốp trong 5-10 phút đến khi máu hết chảy. Nếu máu thấm ướt hết miếng gạc, cũng không lấy ra mà tiếp tục dùng miếng gạc mới đè lên miếng cũ vì nếu lấy ra có thể làm máu chảy nhiều hơn.
Một vết thương nhỏ thường tự cầm máu sau thời gian ngắn. Một vết thương ở đầu, mặt, miệng... có thể chảy nhiều máu hơn vì ở những vị trí này có nhiều mạch máu. Nếu vết thương ở tay hay chân, có thể nâng cao hơn vị trí của tim, làm giảm bớt chảy máu.
Nếu vết thương sắc gọn, nông có thể tự lành. Đối với những vết thương như vậy chỉ cần rửa sạch xung quanh vết thương bằng xà phòng, tránh để xà phòng chảy vào vết thương có thể gây kích ứng, sau đó băng lại bằng băng dính hay băng cá nhân.
Nếu vết thương sâu, bờ nham nhở, có nhiều cát bụi, tốt nhất nên đến trung tâm y tế gần nhất để được chăm sóc. Những vết thương như vậy cần được rửa sạch cát bụi, cắt lọc bỏ các mô chết và may lại mới mong lành sẹo và hạn chế nhiễm trùng.
Nếu vết thương rỉ dịch, cần thay băng mỗi ngày để vết thương được sạch, khô thoáng. Một số vết thương lớn mất nhiều da nên được phủ bằng gạc ẩm có tẩm vaseline hay dầu mù u giúp giảm sẹo xấu và lành vết thương nhanh hơn.
Nếu vết thương có ít mủ, mô chết thì nên thoa một ít pomade có pha kháng sinh sẽ giúp vết thương không bị nhiễm trùng, sạch sẽ và giữ ẩm, nhờ đó vết thương sẽ lành tốt hơn. Một khi miệng vết thương đã khép liền thì không cần thoa pomade hay thay băng nữa.
Với một số vết thương có mày, tự chúng sẽ bong ra khi vết thương lành, nếu cạy bỏ lớp mày này khi vết thương chưa lành sẽ làm chảy máu và có thể để lại sẹo xấu.
Sau khi được xử trí đúng cách nên giữ vết thương cao hơn vị trí tim vài ngày sẽ giúp vết thương bớt phù nề và lành sẹo nhanh.
Cần tránh để vết thương tiếp xúc trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời. Một vết thương dơ có nguy cơ gây uốn ván, có thể dẫn đến tử vong do gây co cứng toàn thân và suy hô hấp. Bạn cần đến bác sĩ chích ngừa uốn ván nếu trước đó bạn chưa được tiêm ngừa đủ ba mũi chống uốn ván hay trong vòng năm năm qua bạn chưa hề chủng ngừa uốn ván.
Một số sai lầm khi chữa trị vết thương
Oxy già chỉ diệt khuẩn khi vết thương mới xuất hiện, hay chỉ rửa sạch khi vết thương dơ nhờ khả năng oxy hóa mạnh và tạo bọt đẩy những chất như cát, bụi, mủ, mô hoại tử từ trong các hốc sâu của vết thương ra ngoài.
Phản ứng của oxy già tạo ra oxy nguyên tử có tính tẩy rửa và diệt khuẩn mạnh, đồng thời sinh nhiệt. Nhờ đặc tính này mà một vết máu dính trên áo quần hay vật dụng sinh hoạt dễ dàng bị tẩy trôi.
Còn Cortibion có chứa corticoide chỉ có tác dụng chống dị ứng như ngứa do chàm, chứ không có tác dụng trong điều trị vết thương vì gây ức chế quá trình tạo collagen, chất cần thiết cho sự lành sẹo.
Ngoài ra quá trình lành vết thương còn cần nhiều chất khác nhau như: đạm, béo, các vitamin A, C... một số loại thực phẩm như rau bồ ngót, diếp cá, các loại rau họ cải được đông y khuyên dùng. Đặc biệt nghệ rất cần cho sự tái tạo tế bào. Các nguyên tố vi lượng khác như selen, acid folic, kẽm... là những yếu tố vô cùng quan trọng cho quá trình lành vết thương.
Một vết thương mãn tính, lâu lành chúng ta còn phải tìm kiếm một số nguyên nhân khác như đái tháo đường, viêm da thần kinh, bệnh tuyến giáp.
Thuốc tham khảo: Cortibion Chỉ định : |
Thùy Linh
Theo GDVN