Co rút gân chân chữa ra sao?
(Giúp bạn)Gân gót đóng vai trò quan trọng trong chức năng đi đứng, chạy, nhảy, cho nên khi bị co rút gân gót sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng chức năng di chuyển của bệnh nhân.
Chào Bác sĩ! Cháu năm nay 27 tuổi, là nữ. Vào ngày 9/3/2013 cháu bị tai nạn gẫy dập 2 xương chân trái. Cháu đã phẫu thuật 5 lần ở bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM để ghép da, ghép xương. Đến nay xương nhỏ đã liền hoàn toàn, xương lớn thì chưa, phần gân gót chân bị co rút làm bàn chân không nâng vuông góc được. Mong các Bác sĩ tư vấn giúp cháu để chân cháu hồi phục lại ạ. Cảm ơn Bác sĩ!
Điều trị co rút gân chân sau chấn thương
TS. Vũ Thị Lừu - Chuyên khoa Nội - Tiêu hóa - Bệnh viện E trả lời:
Chào bạn!
Bạn bị tai nạn gẫy dập 2 xương chân trái, đã phẫu thuật 5 lần ở bệnh viện ghép da, ghép xương nhưng đến nay chưa bình phục hoàn toàn, phần gân gót chân bị co rút làm bàn chân không nâng vuông góc được.
Gân gót đóng vai trò quan trọng trong chức năng đi đứng, chạy, nhảy, cho nên khi bị co rút gân gót sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng chức năng di chuyển của bệnh nhân, về lâu dài sẽ gây nên biến dạng xương, khớp, dây chằng vùng cổ, bàn chân, lệch vẹo cột sống, khung chậu... Trường hợp của bạn cần chờ thêm một thời gian nữa xem có phục hồi không. Nếu không có thể bạn lại cần phẫu thuật gân gót chân để phục hồi khả năng di chuyển.
Có nhiều phương pháp điều trị với bệnh này tùy thuộc vào tuổi, mức độ co rút, biến dạng... như Z-plasty gân gót theo phương pháp Zatsepin, làm dài gân theo White & Green, hay cắt ngầm gân gót theo phương pháp của GS Nguyễn Văn Nhân. Bạn nên tư vấn trực tiếp bác sĩ đã phẫu thuật cho bạn.
Chúc bạn chóng hồi phục!
Cho em hỏi em bị té gãy xương chân nay đã hết nhưng gân chân bị rút không đi lại được? Xin bác sĩ cho em lời khuyên làm sao để đi được.
ThS. Vũ Thị Tuyết Mai - Thạc sĩ y tế công cộng, bác sĩ đa khoa - Bộ Y tế trả lời:
Chào bạn! Sau gẫy xương thường phải mất khoảng 3 đến 6 tháng xương mới can chắc, thông thường trong 3 – 6 tháng đầu ngoài việc cố định xương gẫy bác sĩ thường khuyên người bệnh tập phục hồi chức năng các khớp để chống cứng khớp và co rút các gân, cơ. Nếu xương đã liền mà các gân cơ của bạn vẫn co rút và cứng khớp thì bạn phải đến khám bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình khám và tư vấn.
Tùy thuộc vào tổn thương của bạn Bác sĩ sẽ hướng cho bạn phương pháp điều trị (tập phục hồi chức năng hay phẫu thuật gỡ dính khớp hoặc kéo dài gân…).
Chúc bạn khỏe!
Tham khảo thuốc: Jex: Giảm đau xương khớp cấp tính và mãn tính. Hỗ trợ điều trị viêm khớp: viêm xương khớp, viêm đa khớp dạng thấp. Giúp phòng ngừa và làm chậm quá trình thoái hóa xương khớp |
Trà Mi
Theo GDVN