Con suy dinh dưỡng vì bị ép ăn 11 bữa/ngày

15:11 14/04/2015

(Giúp bạn)Vì muốn con hấp thu và ăn được nhiều, không ít gia đình cho con ăn tới 11 bữa/ngày. Đây là một quan điểm sai lầm trong chăm sóc chế độ dinh dưỡng cho trẻ.

Hiện nay, mặc dù điều kiện sống ngày càng được cải thiện, song việc trẻ còi xương và suy dinh dưỡng vẫn còn xảy ra khá phổ biến không chỉ ở nông thôn mà ngay cả những gia đình có điều kiện sống khá tốt ở thành thị.

Theo đánh giá của Th.s, Bác sĩ Nguyễn Thị Yến, nguyên phó trưởng Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Trung ương – Phụ trách về Dinh dưỡng Phòng khám Nhi Cao (99 Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội), hiện nay tỉ lệ trẻ thấp còi và suy dinh dưỡng so với cách đây khoảng 20 năm đã có những cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, hàng năm vẫn có khoảng 20% trẻ suy dinh dưỡng trên cả nước và tỉ lệ trẻ thấp còi là 30%.

-1

Nhiều phụ huynh đưa con đến phòng khám nhờ sự tư vấn của bác sĩ vì sai lầm trong chăm sóc dinh dưỡng cho con.

“Qua thực tế khám, chữa bệnh và tư vấn dinh dưỡng tại Phòng khám Nhi Cao, tôi thấy, nguyên nhân dẫn đến trẻ bị còi xương, suy dinh dưỡng thì có rất nhiều, nhưng tựu chung lại chủ yếu là do sai lầm về cách chăm sóc con. Còn ở nông thôn thì chủ yếu là do điều kiện sống chưa được đảm bảo”, BS Yến cho hay.

Ví dụ cụ thể nhất là một trường hợp đưa con đến phòng khám Nhi Cao nhờ sự can thiệp của bác sĩ vì chiều cao, cân nặng không tương xứng với tuổi, mặc dù gia đình rất có điều kiện kinh tế. Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhi, bác sĩ dinh dưỡng tại phòng khám đã tiến hành hỏi về quy trình cũng như chế độ dinh dưỡng hàng ngày của trẻ thì được biết, gia đình không hề tiếc tiền mua đủ các loại “sơn hào, hải vị” nhằm bồi bổ cho con. Thậm chí, còn ép con ăn 11 bữa/ngày dù cháu đã gần 3 tuổi.

Đánh giá về trường hợp này, BS Yến khẳng định, đó là sự thiếu hiểu biết của cha mẹ khi chăm sóc trẻ. Đó chính là sai lầm các bậc phụ huynh thường hay mắc nhất hiện nay.

“Việc phụ huynh ép trẻ ăn quá nhiều, dẫn đến trẻ chán ăn và gây ra tình trạng suy dinh dưỡng. Ngoài ra, nhiều bà mẹ xây dựng chế độ ăn không cân đối, cứ nghĩ ăn nhiều đạm là tốt, tuy nhiên khi cho trẻ ăn quá nhiều đạm sẽ dẫn đến trẻ bị khó tiêu, chức năng thận và gan kém, từ đó sẽ khiến đứa trẻ mệt mỏi”, BS Yến cho hay.

Ngoài ra, nhiều người lầm tưởng, càng cho con ăn nhiều đồ đắt tiền, nhiều bữa thì con sẽ hấp thu được nhiều và thông minh, cũng như cao lớn hơn. Nhưng đó là một quan điểm hoàn toàn sai lầm. Không chỉ có vậy cách làm đó chẳng những không giúp trẻ cải thiện được dinh dưỡng mà còn khiến trẻ biếng ăn hơn.

-2

Bác sĩ Yến khuyên các phụ huynh không nên ép con ăn và ăn quá nhiều bữa.

“Những đứa trẻ ăn quá nhiều bữa sẽ dẫn đến tình trạng trẻ bị ngang bụng, sợ ăn… Đó là lý do tại sao nhiều đứa trẻ chỉ cần nhìn thấy bát, thìa đã sợ và nôn. Hơn nữa việc cho trẻ ăn quá nhiều bữa sẽ khiến trẻ không hấp thu và không tiêu hóa được”, BS Yến khuyến cáo.

Thực tế, việc dùng các thực phẩm đắt tiền trong bữa ăn của trẻ không có gì là sai, tuy nhiên không thể cho trẻ ăn thường xuyên, liên tục một loại mà cần phải thay đổi trong các bữa ăn hàng ngày.

“Theo tôi, các bữa ăn phải thay đổi cho đa dạng thực phẩm, không cần thiết phải quá cầu kỳ trong các bữa ăn. Còn riêng đối về thời gian giữa các bữa ăn thì phụ thuộc vào lứa tuổi của trẻ. Nếu là trẻ sơ sinh nên ăn 8 bữa/ngày, khi trẻ được 3 tháng thì nên cho trẻ ăn 7 bữa/ngày, trẻ 6 tháng cho ăn 6 bữa/ngày. Khi trẻ được trên 1 tuổi thì nên cho ăn 5 bữa 1 ngày…”, BS Yến cho biết.

Còn về năng lượng cho trẻ trong bữa ăn hàng ngày, BS Yến khuyên, trong bữa ăn hàng ngày, lượng tinh bột nên chiếm khoảng 60%, 30% là lipit, 12 -15% là chất đạm. Ngoài ra, nên dùng dầu thực vật cho trẻ trong việc chế biến các bữa ăn hàng ngày, còn đối với dầu động vật nên dùng 3 đến 4 ngày/ 1 bữa.

Theo GDVN

Comments