Dấu hiệu cảnh báo bạn đã bị bệnh gút
(Giúp bạn)Nếu có những dấu hiệu dưới đây, bạn cần đi khám bác sĩ để phát hiện và điều trị kịp thời, tránh được những biến chứng nguy hiểm của bệnh gút.
Chú ý những dấu hiệu dưới đây vì chúng cảnh báo bạn đã bị bệnh gút:
Bệnh gút thường gặp ở nam giới và ngày càng trở nên phổ biến do đời sống và nhu cầu ăn uống ngày càng được nâng cao.
Có thể nói, chỉ số acid uric là chỉ số quyết định trong việc chẩn đoán một bệnh nhân có bị bệnh gút hay không và mức độ nguy hiểm của bệnh đang ở giai đoạn nào.
Ảnh minh họa
Ban đầu, nồng độ acid uric trong máu tăng cao tuy nhiên chưa xuất hiện các triệu chứng, chưa xuất hiện các cơn gút cấp. Giai đoạn này thường gọi là "tăng acid uric máu", chưa phải gút. Tuy nhiên, khi lượng acid uric trong máu tăng cao kéo dài sẽ lắng đọng tinh thể urat ở các khớp gây ra các đợt viêm khớp cấp hay còn gọi là cơn gút cấp. Khi đó, tăng acid uric máu đã tiến triển thành bệnh gút.
Khi có tăng acid uric máu, chúng ta nên bắt đầu cảnh giác với bệnh gút và nên quan tâm hơn đến chỉ số này kể cả khi chưa xuất hiện cơn gút cấp.
Nên đi kiểm tra acid uric 2 - 3 tháng/lần.
Cần đi khám khi có những triệu chứng cảnh báo bệnh gút
Khi có các triệu chứng như nóng, đau, sưng va rất mềm ở một số khớp nào đó, thường là ngón chân cái, có thể bạn đã bị bệnh gút. Cơn đau thường xảy ra vào ban đêm và nhiều đến mức chỉ cần tấm ga trải giường chạm nhẹ vào cũng đau đến mức độ không chịu nổi. Sự khó chịu này tăng nhanh chóng, kéo dài tới mấy giờ trong đêm rồi giảm trong vòng 2-7 ngày sau đó. Khi cơn gút giảm, lớp da quanh khớp bị đau và có thể tróc ra hay ngứa.
Ngoài sự khó chịu ở các khớp, khi quan sát các khớp bị bệnh da rất đỏ hoặc hơi tím quanh khớp bị đau, có vẻ bị nhiễm trùng. Người bệnh có thể bị sốt, khó cử động.
Tốt nhất, để phát hiện, phòng ngừa và điều trị bệnh gút hiệu quả, bạn nên đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Theo GDVN