Bệnh viêm dạ dày
(Giúp bạn)Viêm dạ dày là một bệnh rất phổ biến, có thể gặp ở cả trẻ em lẫn người lớn. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra như virus, vi khuẩn, chế độ ăn uống...
Bệnh viêm dạ dày là gì?
Theo thông tin trên trang Thế giới mới, các chuyên gia y học cho biết, viêm dạ dày là hậu quả của sự kích thích niêm mạc bởi các yếu tố ngoại sinh hoặc nội sinh như: nhiễm độc chất, nhiễm khuẩn, các rối loạn miễn dịch.
Lớp niêm mạc là lớp trong cùng của dạ dày được cấu tạo bởi ba lớp: lớp tế bào biểu mô phủ, lớp đệm và lớp cơ niêm. Tùy theo từng nghiên cứu trên thế giới, tỷ lệ viêm dạ dày trong dân chúng là 15-11,5 trên 1.000 người dân.
Bệnh được chia thành 2 nhóm là viêm dạ dày cấp tính và viêm dạ dày mạn tính. Mỗi nhóm có những đặc điểm riêng.
- Viêm dạ dày cấp tính chính là tình trạng viêm cấp tính của niêm mạc dạ dày, thường có tính chất tạm thời, có thể kèm xuất huyết niêm mạc và nặng hơn có thể kèm viêm loét niêm mạc dạ dày.
- Viêm dạ dày mạn tính được xem như là tình trạng viêm của lớp niêm mạc của dạ dày, hiện tượng này diễn ra từ từ và tồn tại trong thời gian dài.
Trong thực tế khám và chữa bệnh hằng ngày, các thầy thuốc gặp chủ yếu là viêm dạ dày mạn tính. Tình trạng bệnh lý này tăng dần theo độ tuổi và chiếm tỷ lệ từ 40-70% trong bệnh lý dạ dày, tá tràng.
Nguyên nhân gây viêm dạ dày
Theo Dân trí, viêm dạ dày do nhiều nguyên nhân gây ra: do virus, vi khuẩn và độc tố của chúng; do chế độ ăn uống vô độ không có quy luật, ăn thức ăn nóng quá, lạnh quá, cứng quá, khó tiêu, chua, cay quá, ăn không nhai kỹ, ăn vội... hoặc ăn phải một số thức ăn bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc...
Ngoài ra, do uống rượu, chè đặc, cà phê đặc; do uống nhầm phải các chất ăn mòn: axit, kiềm, sút, một số hoá chất có chì, thuỷ ngân... có thể gây bỏng niêm mạc thực quản và dạ dày. Đây là những yếu tố ngoại sinh bên ngoài tác động vào gây viêm dạ dày cấp tính.
Một nguyên nhân nữa phải kể đến là do dùng các thuốc giảm đau, chống viêm điều trị các bệnh khớp, những thuốc ấy có tác dụng phụ gây tổn thương niêm mạc dạ dày.
Những nhiễm khuẩn cấp: cúm, sởi, bạch hầu, thương hàn... có thể gây viêm dạ dày. Người bị suy thận cũng rất dễ bị viêm dạ dày do ure máu tăng cao.
Yếu tố tinh thần, các trạng thái strees, cáu gắt, trầm cảm, lo nghĩ, căng thẳng... là một trong những nguyên nhân lớn, quan trọng gây nên tổn thương dạ dày.
Triệu chứng của người bị viêm dạ dày
Trang tin điện tử Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn cho hay, người bị viêm dạ dày có thể không có biểu hiện lâm sàng dễ nhận biết. Những biểu hiện thường gặp: đau vùng thượng vị, đau âm ỉ, có trường hợp đau cồn cào, nóng rát không theo một quy luật thời gian nào cả, đau liên tục, kèm theo là triệu chứng đầy bụng, ậm ạch, khó tiêu.
Thậm chí trong trường hợp tổn thương nặng có thể bị buồn nôn, nôn khan. Nếu vừa ăn xong bị nôn ngay, nôn ra hết được người bệnh lại cảm thấy rất dễ chịu.
Những người bị ợ dịch chua là do tổn thương lâu ngày làm ứ đọng dịch và gây trào ngược dịch, trường hợp này thường đã ở giai đoạn viêm dạ dày mạn tính.
Các triệu chứng khác:
- Ợ hơi: có thể làm dịu cơn đau một chút hoặc không hết đau
- Nôn hoặc buồn nôn: dịch nôn ói có thể trong, xanh, vàng, có tia máu hoặc toàn máu tùy theo độ trầm trọng của viêm dạ dày
- Cảm giác đầy hơi, lình bình ở thượng vị
- Ơ những trường hợp nặng: có thể có chảy máu trong dạ dày. Các triệu chứng thường là:
+ Tái xanh, toát mồ hôi, tim đập nhanh
+ Ngất xỉu, khó thở
+ Đau ngực hoặc đau nhiều vùng dạ dày
+ Ói nhiều máu
+ Tiêu phân đen, dính, hôi
Chẩn đoán bệnh viêm dạ dày
Chẩn đoán viêm dạ dày chủ yếu dựa vào các yếu tố sau:
- Triệu chứng lâm sàng: thường sau khi ăn, vùng thượng vị cảm thấy đau, tức hoặc nóng rát, ăn kém, bụng đầy, chướng hơi, hễ ợ hơi được thì dễ chịu hoặc buồn nôn, nôn, ợ chua...
Dạ dày viêm thể teo thường ăn uống rất kém, bụng đầy, đau âm ỉ và cơ thể suy nhược. Dạ dày viêm thể phì đại thường có triệu chứng đau kéo dài, thức ăn và loại thuốc có tính kiềm có thể làm giảm đau nhưng đau không có chu kỳ, thường kèm rối loạn tiêu hóa, có thể gây xuất huyết.
Nên phối hợp với nhưng phương pháp hiện đại như chụp X.quang, Nội soi... để xác định cho rõ hơn.
Trà Mi
Theo GDVN