Dị ứng tinh dịch
(Giúp bạn)Dị ứng tinh dịch thường không xảy ra ở lần tiếp xúc đầu tiên, biểu hiện khá đa dạng từ mức độ nhẹ đến rất nặng, thường gặp nhất là ngứa, rát và sưng tấy đỏ bộ phận sinh dục hoặc những vùng tiếp xúc với tinh dịch.
Dị ứng tinh dịch là gì?
Theo Vnexpress, dị ứng tinh dịch là một dạng dị ứng không quá hiếm gặp nhưng lại thường ít được nghĩ tới và dễ bị bỏ qua hoặc chẩn đoán nhầm.
Dị ứng tinh dịch là hiện tượng một trong các thành phần của tinh dịch (tinh trùng, protein, enzym) bị tấn công và bắt giữ bởi hệ miễn dịch của chính mình hoặc của người khác giới, quá trình tấn công và bắt giữ này có thể gây nên các phản ứng quá kích trên lâm sàng như hiếm muộn, vô sinh, bỏng rát, ngứa, mề đay, khó thở.
Cũng có thể hiểu, dị ứng với tinh dịch xảy ra do hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với các thành phần trong tinh dịch. Trong đó, tế bào bạch cầu đã nhầm lẫn protein trong tinh dịch với những tác nhân gây bệnh có hại như vi khuẩn, virus và tấn công chúng.
Biểu hiện của dị ứng tinh dịch
Ở nam giới:
BS Nguyễn Bá Hưng chia sẻ trên trang Sức khỏe & đời sống, dị ứng tinh dịch là quá trình phản ứng chống lại chính tinh trùng của mình, dị ứng tự thân, tức trong máu xuất hiện kháng thể kháng tinh trùng nguyên nhân do hàng rào máu tinh hoàn bị phá hủy.
Các tình trạng chấn thương cơ quan sinh dục, cắt bỏ hay phẫu thuật cơ quan sinh dục, yếu tố viêm nhiễm đường tiết niệu, sinh dục đặc biệt là mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như nhiễm Chlamydia, lậu... đều có thể xuất hiện và hình thành các kháng thể chống tinh trùng.
Các tổn thương hàng rào máu tinh trùng có thể xảy ra tại tinh hoàn và tại mào tinh hoàn - nơi tinh trùng được tôi luyện đến chín muồi, hàng rào máu tinh hoàn và mào tinh hoàn lành lặn đảm bảo cho việc hoạt động sinh tinh bình thường. Khi hàng rào này bị tổn thương tức các tế bào bạch cầu, hồng cầu và các thành phần trong máu sẽ xâm nhập môi trường sinh tinh, một số tế bào bạch cầu không nhận biết được tinh trùng là “người quen” mà coi nó như kẻ xâm phạm - kháng nguyên, nên chúng ra tay tấn công những con tinh trùng này, mức độ tấn công có thể từ nhẹ tới nặng như làm hỏng màng bọc ngoài tinh trùng (màng plasma), tới nặng hơn có thể là thực bào tinh trùng.
Hình ảnh tinh trùng nhìn trên kính hiển vi điện tử.
Trên vi thể, thấy hình ảnh kết tụ tinh trùng thành đám - ngưng kết, trên kính hiển vi điện tử có thể thấy hình ảnh của lớp màng ngoài tinh trùng không còn trơn nhẵn mà xuất hiện các vết “xước” ghồ ghề hay các kháng thể kháng tinh trùng bám vào màng này. Trên lâm sàng, biểu hiện đau tức tinh hoàn dai dẳng không rõ nguyên nhân, viêm mào tinh hoàn, quá phát mào tinh hoàn, viêm tắc ống dẫn tinh là những triệu chứng gợi ý đến dị ứng tinh trùng.
Ở phụ nữ:
Dị ứng tinh dịch hay còn gọi là hiện tượng tăng nhạy cảm với tinh dịch.
Biểu hiện trên lâm sàng cũng rất đa dạng từ biểu hiện nhẹ xuất hiện tại chỗ các dấu hiệu đỏ ngứa, bỏng rát, phồng rộp ngay tại nơi tiếp xúc cả trong âm đạo hay ngoài âm đạo như da, miệng.
Một số ít người có thể xuất hiện nặng hơn và có biểu hiện hệ thống như mẩn ngứa, mề đay khó thở, cá biệt có trường hợp xuất hiện cơn hen...
Bệnh nhân bị tình trạng này ngoài những khó chịu về mặt cơ thể, đôi khi cũng gặp những rắc rối tế nhị trong mối quan hệ vợ chồng, vì mỗi khi “gặp gỡ” lại xuất hiện tình trạng này nên rất dễ sinh nghi cho bạn tình của mình đi bồ bịch bên ngoài mang bệnh về.
Một biểu hiện lâm sàng nữa hay gặp là các cặp vợ chồng này thường muộn có con, họ thường được phát hiện khi đi khám hiếm muộn.
Chẩn đoán với những trường hợp này không khó, một mẫu tinh dịch của bạn đời cho tiếp xúc với phần niêm mạc lành lặn có thể phát hiện ngay, một xét nghiệm nữa cũng có giá trị trong trường hợp dị ứng mà không có biểu hiện lâm sàng bằng cách soi dịch nhầy cổ tử cung sau giao hợp 6 - 12 giờ có thể thấy tinh trùng bị ngưng kết.
Ðiều trị dị ứng tinh dịch thế nào?
Đối với thể dị ứng tinh dịch tự thân:
Mục đích của điều trị này thường là để có tinh trùng khỏe cho nam giới. Để đạt được đích này, nam giới trước tiên phải được phát hiện và điều trị dứt điểm các bệnh viêm tắc đường ống sinh dục sinh sản, các bất thường về giải phẫu như giãn tĩnh mạch thừng tinh...
Sau khi đã điều trị các bệnh lý nói trên, bệnh nhân tiếp tục dùng các thuốc ức chế miễn dịch để giảm bớt việc tăng sinh kháng thể kháng tinh trùng, các thuốc nhóm corticoid thường được lựa chọn cho việc điều trị dị ứng khá tốt nhưng nhược điểm phải dùng một thời gian dài với nhiều tác dụng phụ mà hiện nay hiệu quả để cho bệnh nhân nam này có thể có con tự nhiên được thì vẫn còn hạn chế.
Đối với thể dị ứng xảy ra ở phía nữ:
Với thể nhẹ và trung bình, phương pháp điều trị tốt nhất là phương pháp giải mẫn cảm, bệnh nhân được tiếp xúc dần dần mỗi ngày một lượng nhỏ mẫu tinh dịch của chồng đã được lọc rửa đem đặt ở bên trong âm đạo, hoặc tiêm vào dưới da để cơ thể làm quen dần, sau đó tăng dần số lượng mẫu tinh dịch này cho đến khi một lượng như tự nhiên mà không xuất hiện tượng mẫn cảm nữa là được. Như vậy, người phụ nữ có thể dung nạp được với tinh dịch của chồng, khi đó họ có thể có quan hệ tình dục một cách tự nhiên và có thể có con.
Trường hợp nặng có biểu hiện hệ thống thì ngưng tiếp xúc và dùng các nhóm thuốc kháng histamin, nhóm corticoid đều có tác dụng chữa ngay tức thì các triệu chứng. Trong các trường hợp dị ứng xảy ra khi mà các kháng thể kháng tinh trùng của người phụ nữ tấn công rất mạnh các tế bào tinh trùng nhưng không có biểu hiện lâm sàng của dị ứng bệnh nhân nếu muốn có con nên được dùng phương pháp thụ tinh nhân tạo IUI bơm tinh trùng đã rửa vào buồng tử cung hoặc dùng phương pháp IVF.
Trà Mi
Theo GDVN