Dùng thuốc gì khi bị sởi?
(Giúp bạn)Bệnh sởi không có biện pháp điều trị chuyên biệt nào cả. Điều trị sởi chủ yếu là điều trị triệu chứng, chăm sóc và phòng ngừa biến chứng.
Cách nhận biết bệnh sởi
Trang thông tin điện tử Bệnh viện Hồng Ngọc cho biết, sởi là một bệnh có nguy cơ nhiễm lây lan rất lớn làm cho trẻ sốt cao, ho và các đốm phát ban khắp cơ thể. Bệnh này cũng có thể gây nên các biến chứng khác như tiêu chảy, viêm tai giữa, viêm phổi và viêm não mà trong vài trường hợp có thể rất nặng và đe dọa đến tính mạng trẻ nhỏ. Đặc biệt là đối với trẻ em dưới 5 tuổi, nguy cơ mắc bệnh sởi rất cao.
Một số biểu hiện cụ thể của sởi thường có một số dấu hiệu cùng lúc như viêm viêm ở kết mạc mắt, niêm mạc đường hô hấp và tiêu hóa, sau đó phát ban đặc hiệu ngoài da, thường để lại nhiều biến chứng nặng cho trẻ em nếu không được điều trị kịp thời.
Sau khi tiếp xúc với mầm bệnh, người bệnh thường trải qua giai đoạn ủ bệnh kéo dài từ 10-12 ngày mà không hề có biến chứng. Tiếp theo đó là giai đoạn đặc trưng bởi sốt mức độ nhẹ đến vừa, ho khan, chảy nước mũi, viêm kết mạc mắt.
Phát ban là giai đoạn điển hình nhất của bệnh sởi với triệu chứng phát ban tuần tự trên da. Ban thường xuất hiện đầu tiên ở vùng chân tóc phía sau tai, sau đó xuất hiện ở mặt và lan dần xuống phía dưới trong vòng 24 – 48 giờ.
Ban sởi là những ban dạng dát – sẩn hơi nổi lên trên bề mặt da, sờ mịn như nhung và không đau, không hoặc ít ngứa, không sinh mủ.
Sử dụng thuốc khi bị sởi
Theo tin tổng hợp của Báo điện tử VnReview, bệnh sởi không có biện pháp điều trị chuyên biệt nào cả. Thông thường, hệ miễn dịch sẽ tự loại bỏ virus sởi trong vòng từ 7 đến 10 ngày. Điều trị sởi chủ yếu là điều trị triệu chứng, chăm sóc và phòng ngừa biến chứng.
Với thể sởi lành tính, điều trị tại nhà. Cách ly trẻ tại phòng riêng ngay khi trẻ mới sốt và viêm họng; bảo đảm thoáng, sáng, tránh gió lùa; không cho tiếp xúc với những trẻ khác.
- Điều trị cơn sốt và giảm đau
Uống paracetamol hoặc ibuprofen để giảm sốt, giảm đau và mỏi. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu như bạn không thực sự chắc chắn nên dùng loại thuốc nào. Nên lau người bằng khăn ấm để giảm sốt.
- Ăn uống đúng cách
Cho ăn nhẹ, lỏng, dễ tiêu hoá, đủ chất. Với trẻ đang bú, tiếp tục và tăng cường cho bú mẹ để tăng đề kháng. Trẻ đang ăn bổ sung, ngoài sữa mẹ cần ưu tiên khẩu phần đủ chất dinh dưỡng nhất là những thực phẩm giàu protid và caroten.
Cho trẻ ăn nhiều rau chân vịt, cải trắng, cà rốt, củ cải, táo, lê, đào… sẽ cung cấp năng lượng cho trẻ, giúp trẻ nhanh chóng phục hồi sức khoẻ.
- Cho uống thuốc giảm ho.
Cho trẻ uống nước ấm, đặc biệt là nước có chứa mật ong hoặc chanh để giúp thả lỏng đường hô hấp, giảm chất nhầy trong đường hô hấp hoặc giảm ho.
Nếu con của bạn bị sốt cao, hãy cho bé uống rất nhiều nước vì các bé đang gặp nguy cơ mất nước rất lớn. Cho trẻ uống nhiều nước cũng sẽ làm giảm sự khó chịu khi ho.
- Uống vitamin A
Tình trạng thiếu vitamin A gặp ở 90% bệnh nhi mắc sởi ở châu Phi và gặp ở 22-72% bệnh nhi mắc sởi ở Mỹ. Có mối tương quan nghịch giữa nồng độ Vitamin A trong máu với mức độ nặng của sởi. Điều trị bằng Vitamin A đường uống đã được chứng minh làm giảm tỷ lệ tử vong cũng như biến chứng ở trẻ em mắc sởi tại các nước đang phát triển.
Liều khuyến cáo là 100.000 đơn vị quốc tế cho trẻ 6 tháng đến 1 tuổi; 200.000 đơn vị cho trẻ trên 1 tuổi và dùng liều duy nhất. Trẻ suy dinh dưỡng và trẻ có dấu hiệu ở mắt do thiếu vitamin A nên thêm một liều vào ngày hôm sau và một liều thứ ba 4 tuần sau đó.
- Không dùng thuốc kháng sinh cho trẻ bị sởi với mục đích dự phòng biến chứng vì dễ gây loạn khuẩn và dị ứng. Chỉ khi trẻ bị viêm tai giữa, viêm thanh - khí - phế quản, viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn mới cho dùng thuốc kháng sinh; và chỉ dùng khi có chỉ định của thầy thuốc.
Thùy Linh
Theo GDVN