Những điều cần biết về thuốc trị viêm âm đạo
(Giúp bạn)Hầu hết phụ nữ sẽ có một lần viêm nhiễm âm đạo trong đời. Ba bệnh phổ biến liên quan đến dịch tiết âm đạo là nhiễm khuẩn âm đạo, viêm âm đạo do trichomonas, và viêm âm đạo do nấm.
Cổng thông tin điện tử của Bệnh viện Từ Dũ cho biết, hầu hết phụ nữ sẽ có một lần viêm nhiễm âm đạo trong đời. Ba bệnh phổ biến liên quan đến dịch tiết âm đạo là nhiễm khuẩn âm đạo (gây ra bởi sự phát triển quá mức của các vi khuẩn kỵ khí bao gồm Prevotella sp., Mobiluncus sp., G. vaginalis, Ureaplasma, Mycoplasma…), viêm âm đạo do trichomonas (do T. vaginalis) và viêm âm đạo do nấm (thường do Candida albicans).
Chỉ khai thác tiền sử không đủ để chẩn đoán chính xác viêm âm đạo và có thể dẫn đến việc sử dụng thuốc không phù hợp. Do đó, cần phải có tiền sử bệnh, các đánh giá, xét nghiệm để xác định đúng nguyên nhân. Những thông tin về hành vi tình dục, giới tính của bạn tình, chu kỳ kinh nguyệt, vệ sinh âm đạo (như thụt rửa) và các thuốc đang dùng cũng nên được lưu ý. (5)
Tổng quan về viêm âm đạo do nấm:
Có khoảng 75% phụ nữ bị viêm âm đạo do nấm ít nhất một lần và 40 – 45% mắc bệnh từ hai lần trở lên trong đời. Dựa vào tình trạng lâm sàng, vi sinh học, yếu tố ký chủ và sự đáp ứng với phương thức điều trị, viêm âm đạo do nấm chia ra làm hai dạng: viêm không biến chứng và viêm có biến chứng. Khoảng 10 – 20% phụ nữ bị viêm có biến chứng đòi hỏi cần phải cân nhắc kĩ khi chẩn đoán và điều trị.
Viêm không biến chứng bao gồm những trường hợp: viêm không thường xuyên, mức độ viêm từ nhẹ đến trung bình, có khả năng là C. albicans hay ở những phụ nữ có hệ miễn dịch bình thường. Với những trường hợp này, thường được khuyến cáo phác đồ điều trị ngắn hạn (như liều duy nhất hay trong khoảng thời gian từ 1 – 3 ngày). Nhóm thuốc azol tác dụng tại chỗ cho hiệu quả điều trị tốt hơn nystatin. Azol giúp giảm các triệu chứng và 80 – 90% âm tính dịch cấy ở bệnh nhân điều trị đầy đủ.
Viêm có biến chứng bao gồm những trường hợp viêm bị tái phát, mức độ viêm nặng, nhiễm non – albicans hay ở những phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường chưa kiểm soát được, có sự suy giảm hệ miễn dịch hay đang mang thai… Một số các khuyến cáo dùng thuốc kháng nấm trong điều trị các trường hợp viêm có biến chứng của CDC (2010):
* Trường hợp viêm bị tái phát:
Mỗi đợt viêm âm đạo tái phát do C. albican có đáp ứng tốt với nhóm azole đường uống hay tại chỗ trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, để kiểm soát về mặt lâm sàng và vi nấm, có thể điều trị với thời gian dài hơn như dùng thuốc tác dụng tại chỗ trong 7 – 14 ngày hay fluconazol 100, 150 hay 200mg uống mỗi 3 ngày với tổng cộng 3 liều (ngày thứ 1, thứ 4 và thứ 7) trước khi bắt đầu điều trị duy trì.
Điều trị duy trì với fluconazol (100, 150 hay 200mg) uống 1 lần/ tuần trong vòng 6 tháng. Nếu fluconazol không có sẵn, có thể thay thế bằng phác đồ dùng thuốc tác dụng tại chỗ theo từng đợt.
Điều trị duy trì có hiệu quả trong giảm viêm âm đạo do nấm tái phát. Tuy nhiên, 30 – 50% phụ nữ vẫn bị tái phát khi không tiếp tục điều trị duy trì. Việc điều trị thường quy cho bạn tình vẫn còn tranh luận.
* Trường hợp viêm nặng:
Là những trường hợp có tỷ lệ đáp ứng trên lâm sàng thấp khi điều trị bằng đường uống hay tại chỗ trong thời gian ngắn. Theo khuyến cáo, có thể dùng thuốc nhóm azole tác dụng tại chỗ trong 7 – 14 ngày hay fluconazol 150mg uống x 2 lần, mỗi lần cách nhau 72h.
* Viêm non – albicans:
Việc điều trị tối ưu cho viêm non – albicans vẫn chưa được xác định. Có ý kiến cho rằng có thể dùng thuốc nhóm nonfluconazol azol tại chỗ hay uống trong 7 – 14 ngày. Với trường hợp tái phát, sử dụng acid boric 600 mg đặt âm đạo 1 viên/ ngày x 14 ngày.
* Với phụ nữ có thai:
Chỉ dùng nhóm thuốc azol dạng tại chỗ trong vòng 7 ngày và chống chỉ định với fluconazol.
Ngoài ra, việc ngâm rửa bằng natri bicarbonate có thể làm giảm ngứa bên ngoài khi bị viêm nhiễm do nấm. Nhưng điều này chỉ làm giảm triệu chứng và không giải quyết được sự viêm nhiễm. (7)
DS. Nguyễn Tấn Xuân Trang
Theo GDVN