Khi mắc sốt xuất huyết không được dùng aspirin
(Giúp bạn) Aspirin ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu nên làm cho việc chảy máu do sốt xuất huyết gây ra kéo dài hơn và không cầm được.
Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết
Theo Wikipedia, sốt xuất huyết (chính xác hơn là sốt xuất huyết do virus) là bệnh sốt cao có xuất huyết, có thể quy vào các chứng ôn dịch, thời độc, thử táo dịch hoặc thấp nhiệt. Sốt xuất huyết được truyền qua muỗi, đặc biệt là muỗi vằn.
Triệu chứng của sốt xuất huyết như:
-Sốt: sốt cao đột ngột, nhiệt độ 39-40 độ C, sốt kéo dài 2-7 ngày, sốt kèm các triệu chứng: mệt mỏi, chán ăn, đau bụng ở thượng vị hoặc hạ sườn phải, đôi khi nôn, gan to: ở trẻ em hay gặp hơn người lớn, đôi khi da xung huyết hoặc có phát ban.
- Hiện tượng xuất huyết: thường xuất hiện vào ngày thứ 2 của bệnh:
+ Các biểu hiện xuất huyết tự nhiên hoặc xuất huyết khi tiêm chích sẽ thấy bầm tím quanh nơi tiêm
+ Xuất huyết ngoài da: biểu hiện như các chấm xuất huyết, vết bầm tím, rõ nhất là xuất huyết ở mặt trước 2 cẳng chân, mặt trong 2 cẳng tay, gan bàn tay, lòng bàn chân.
+ Xuất huyết ở niêm mạc: chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới màng tiếp hợp, đi tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh nguyệt sớm hơn kỳ hạn.
+ Xuất huyết tiêu hóa: nôn ra máu, đi đại tiện ra máu. Khi có xuất huyết tiêu hóa nhiều Hội chứng thần kinh: đau người. đau cơ, đau khớp, nhức đầu, đau quanh hố mắt; trẻ em nhỏ sốt cao, đôi khi co giật, hốt hoảng; không có biểu hiện màng não.
Sốc là dấu hiệu nặng, thường xuất hiện từ ngày thứ 3-6 của bệnh, đặc biệt lúc người bệnh đang sốt cao chuyển sang hết sốt và có thể xảy ra kể cả khi không thấy rõ dấu hiệu xuất huyết.
Dấu hiệu của sốc gồm: Trẻ mệt li bì hoặc vật vã, chân tay lạnh, tiểu ít, có thể kèm theo ói hoặc đi cầu ra máu. Thời gian diễn ra sốc thường ngắn từ 12 đến 24 giờ cho đến khi đi viện.
Sốt xuất huyết gây xuất huyết dưới da.
Khi sốt xuất huyết không được dùng aspirin
Trả lời trên Sức khỏe và Đời sống, dược sĩ Hồng Hà cho biết trong điều trị sốt xuất huyết (SXH), để hạ sốt, giảm đau, thông thường bác sĩ chỉ kê đơn cho bệnh nhân dùng paracetamol, liều lượng tùy theo lứa tuổi và cân nặng.
Tuy nhiên, do sốt xuất huyết là bệnh do virut gây ra nên thân nhiệt bệnh nhân luôn ở mức cao, uống thuốc hạ sốt thân nhiệt chỉ hạ được trong thời gian ngắn rồi lại tăng trở lại (ngay với bệnh nhân bị sốt virut, tình trạng này cũng thường xảy ra), thế nhưng việc dùng thuốc hạ sốt cho bệnh nhân sốt xuất huyết không thể vội vàng. Có thể kết hợp dùng thuốc hạ sốt với một số biện pháp vật lý khác để hạ nhiệt.
Cho dù aspirin cũng là loại thuốc hạ sốt, giảm đau tốt, nhưng không nên dùng aspirin là vì: trong sốt xuất huyết có hiện tượng chảy máu. Aspirin ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu nên làm cho việc chảy máu do SXH gây ra kéo dài hơn và không cầm được (nhất là xuất huyết đường tiêu hóa). Kết quả làm cho bệnh SXH trầm trọng thêm thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Do vậy, trong sốt xuất huyết tuyệt đối không được dùng aspirin cho cả người lớn và trẻ em. Riêng với trẻ em càng đặc biệt chú ý vì aspirin là yếu tố thúc đẩy gây hội chứng Reye (phù não và suy gan nhiễm mỡ với tỷ lệ tử vong khoảng 30-50%, nếu sống sót cũng để lại di chứng tổn thương não vĩnh viễn).
Aspirin làm tăng độ acid (vốn thấp ở dạ dày trẻ), gây bỏng rát viêm đường tiêu hóa, nặng hơn gây xuất huyết đường tiêu hóa.
Do đó nên cho người bệnh ăn đồ ăn nhẹ: cháo, súp... để dễ tiêu hóa, uống nước quả tươi để tăng sức đề kháng cho cơ thể và nhớ phải cho người bệnh dùng thuốc theo đúng chỉ định của thầy thuốc, không được dùng thuốc tùy tiện làm tình trạng bệnh nặng thêm vì có rất nhiều loại thuốc chống chỉ định với bệnh nhân SXH.
Thuốc tham khảo: Paracetamol 250mg Chỉ định: Điều trị triệu chứng các cơn đau vừa và nhẹ, các trạng thái sốt. |
Thùy Linh
Theo GDVN