Không nên lạm dụng thuốc giải rượu

15:28 14/04/2015

(Giúp bạn)Người sử dụng, trước khi dùng bất kỳ loại thuốc như thuốc giải rượu hay thực phẩm chức năng nào cũng cần đến sự tư vấn của bác sỹ.

Trao đổi trên Báo Sức khỏe và Đời sống, TS. Nguyễn Minh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, thuốc giải rượu, bia không phải thần dược mà chỉ là thuốc hỗ trợ. Theo ông Tuấn, rượu khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành acetaldehyd, một chất gây ra các biểu hiện say rượu, người không tỉnh táo.

Các thành phần trong thuốc giải rượu giúp giảm sự tạo thành acetaldehyd và đào thải nó ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên hiện nay chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào nói về hiệu quả của những loại thuốc giải rượu. Trong quá trình sử dụng người ta thấy rằng thuốc chỉ có tác dụng kháng cồn. Những thuốc mà đệ tử lưu linh coi là "thần dược" thực chất chỉ giúp người uống rượu giảm nhức đầu ở một mức độ hạn chế.

Cũng theo ông Tuấn, nhiều người cho rằng can thiệp nồng độ cồn bằng uống paracetamol, vitamin B1, B6, acid folic... là không đúng. Chẳng hạn, paracetamol là thành phần chính trong các loại thuốc giảm đau, hạ sốt, chữa cảm cúm.

TS. Tuấn cho biết, uống rượu đã hại cho gan, lại dùng paracetamol để... giải rượu sẽ giống như con dao hai lưỡi. Cồn và thuốc cùng một lúc chuyển hóa qua gan làm gan tê liệt, gây tương kỵ về mặt hóa học.  Nếu vượt quá khả năng khử độc của gan, khi ấy, chất độc tích lũy lại gây hoại tử tế bào gan. Tình trạng hoại tử lan rộng sẽ dẫn đến suy gan cấp.

Aspirin là một loại thuốc giảm đau, hạ sốt, khi uống vào cơ thế có rượu sẽ gây kích ứng niêm mạc dạ dày, chảy máu đường tiêu hóa. Do đó, lời khuyên của các chuyên gia dành cho các "đệ tử lưu linh" là khi vào cơ thể, rượu xâm nhập hệ thần kinh rất nhanh, làm thay đổi chuyển hóa cơ bản các tế bào não ở những vùng chịu trách nhiệm về nhân cách, phán đoán, nhận thức, ngôn ngữ, thị giác...

Việc uống thuốc giải rượu vào lúc này sẽ làm tăng gánh nặng cho não. Vì vậy, người liên tục dùng thuốc và rượu sẽ nhanh chóng bị sa sút về nhận thức, rối loạn hành vi...

-1

Chia sẻ trên Báo điện tử Đời sống và Pháp luật, BS. Nguyễn Trung Nguyên - trung tâm Chống độc (bệnh viện Bạch Mai) cho biết thêm, có một số viên giải rượu chứa vitamin như B1, B6 và một số axit khác để chuyển hoá rượu. Tuy nhiên, nhìn chung đây là thuốc hỗ trợ dinh dưỡng. Có người say rượu uống thuốc vào có cảm giác buồn nôn, bần thần, buồn ngủ và sợ rượu. Chính ảo giác này lại khiến nhiều người lạm dụng thuốc.

Ngoài ra, trao đổi với PV bác sỹ Vũ Hải - bệnh viện K Trung ương cho hay, dùng các loại sản phẩm này thường xuyên sẽ làm tăng men gan, giảm chất bảo vệ gan, hoại tử tế bào gan, viêm loét đường tiêu hóa. Vì vậy, dùng nhiều loại thuốc giải rượu được cho là thần dược này rất dễ bị ngộ độc nặng.

Bác sỹ Hải quả quyết, viên giải rượu là thực phẩm chức năng không phải là thuốc. Vì thành phần chủ yếu là đường, vitamin B1, B6, PP, acid glutamic, acid fumaric, acid succinic và các enzyme nên chỉ có tác dụng tạm thời, hạn chế chuyển hóa nhanh rượu thành những chất không gây độc như nước, cacbon dioxit.

Tuy nhiên, viên giải rượu không thể bảo vệ hoặc phục hồi chức năng gan và hệ thần kinh trung ương. Vì thế, người tiêu dùng tuyệt đối không được lạm dụng thuốc

Bác sỹ Hải khuyến cáo, người sử dụng, trước khi dùng bất kỳ loại thuốc, thực phẩm chức năng nào cũng cần đến sự tư vấn của bác sỹ, tránh "tiền mất, tật mang".

-2

Theo PGS.TS. Phạm Vũ Khánh, Vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền, Bộ Y tế, trong đông y có một số bài thuốc hỗ trợ giải say rượu, bia hiệu quả và đơn giản. Đối với trường hợp cấp tính có thể dùng sắn dây. Sắn dây có vị ngọt, tính bình giúp giải cơ, thông đại tiểu tiện, làm ra mồ hôi, giải độc.

Người bị say rượu có thể giải rượu bằng cách cho uống nước vắt từ củ sắn dây thêm ít muối. Hoặc dùng bột sắn dây khuấy với nước sôi, thêm ít muối để ăn. Ngoài ra có thể dùng nước lá dong vắt uống. Đối với trường hợp mạn tính có thể dùng trà hoa tam thất...

Thuốc tham khảo: New Marteno

Chỉ định :
- Giảm độc hại của rượu.
- Phòng say rượu (đau đầu, chóng mặt, buồn nôn).

Thùy Linh

Nên đọc
-3 Những bệnh nguy hiểm do rượu gây nên
-4 Thực phẩm kỵ rượu
-5 Không nên uống thuốc đau đầu sau khi say rượu bia
-6 Các thuốc hỗ trợ cai nghiện rượu

Theo GDVN

Comments