Không nên sử dụng thuốc giảm đau bụng kinh
(Giúp bạn)Không nên dùng các loại thuốc giảm đau trị đau bụng kinh vì nó đều ít nhiều ảnh hưởng đến cơ quan tiêu hóa.
Theo Báo điện tử Người đưa tin, đau bụng kinh (hay còn gọi là thống kinh) là hiện tượng đau vùng bụng dưới lúc sắp thấy kinh nguyệt, trong khi hành kinh hoặc sau khi đã sạch kinh vài ngày. Cơn đau có thể lan lên xương ức hoặc xuống đùi, có khi đau khắp bụng, kèm theo các triệu chứng như: đau thắt lưng, đau đầu, căng vú, buồn nôn,...
Đau bụng kinh được chia làm 2 loại là nguyên phát và thứ phát. Đau bụng kinh nguyên phát thường xảy ra ở vòng kinh đầu tiên có phóng noãn (tuổi dậy thì). Với đau bụng kinh thứ phát, các triệu chứng cũng tương tự như đau bụng kinh nguyên phát, nhưng cơn đau thường xuất hiện trước kỳ kinh, kéo dài hơn và vào nhiều thời điểm khác nhau trong tháng, mức độ đau thường nặng.
Đau bụng kinh xảy ra lúc sắp thấy kinh nguyệt.
Không nên tùy tiện dùng thuốc giảm đau bụng kinh
Chia sẻ trên Vnexpress, thạc sĩ Đông y Vũ Quốc Trung cho biết, đau bụng kinh trong Đông y gọi là "thống kinh", chỉ triệu chứng đau bụng khi hành kinh. Nguyên nhân do huyết ứ (máu không lưu thông), huyết hư (thiếu máu), khí hư (khí yếu)...
Trong y học hiện đại, cơ chế đau bụng kinh được giải thích là do khi hành kinh bị rối loạn nội tiết. Các niêm mạc ở tử cung bong ra gây chảy máu. Nếu hành kinh kéo dài, máu ra nhiều sẽ càng đau hơn.
Lương y Trung khuyên không nên dùng các loại thuốc giảm đau trị đau bụng kinh vì nó đều ít nhiều ảnh hưởng đến cơ quan tiêu hóa. Một số loại thuốc giảm đau còn gây ức chế thần kinh.
Ông Trung phân tích rằng, các loại thuốc chống viêm, giảm đau tuy có tác dụng giảm đau nhanh nhưng cũng gây tác dụng phụ lên gan, thận, dạ dày như làm viêm loét dạ dày, độc gan, thận... Còn uống thuốc tránh thai có tác dụng làm mỏng nội mạc tử cung theo thời gian, giảm đau bụng kinh rõ rệt nhưng sẽ có hại đến khả năng sinh sản của các chị em, đồng thời nó còn làm tăng nguy cơ tim mạch, mỡ máu, nguy cơ tắc mạch...
Để an toàn và hiệu quả hơn, lương y Vũ Quốc Trung khuyên các chị em nên tìm đến các bài thuốc đông y gia truyền hoặc dân gian. Để giảm đau có thể massage nhẹ nhàng, chườm nóng, uống nước gừng hay ăn nhẹ. Trước khi đến kỳ vài ngày nên tránh các thực phẩm lạnh, nhiều gia vị, tươi sống. Trong kỳ kinh nên ăn ngải cứu...
Ông còn cho biết, tuyệt đối không được mách nhau dùng các loại thuốc vì ngoài những tác dụng phụ như trên, nhiều khi đau bụng kinh không phải là trạng thái sinh lý bình thường mà là biểu hiện của một số bệnh lý như bệnh lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, cổ tử cung chít hẹp, dính khoang tử cung...
Thực phẩm giúp giảm đau bụng kinh không cần dùng thuốc
Báo điện tử Người lao động dẫn tin theo Medic Magic chỉ ra rằng một chế độ ăn uống phù hợp sẽ giúp chị em giảm được những triệu chứng mệt mỏi, đau bụng kinh, nhức đầu mỗi khi đến ngày "đèn đỏ". Dưới đây là những thực phẩm chị em cần tham khảo:
+Dứa (thơm):
Vào những ngày này, nên ăn dứa trực tiếp hoặc thông qua một cốc nước dứa ép vì trong dứa có chứa enzyme giúp co thắt dễ dàng, chặn đầy hơi. Ngoài ra, dứa còn giúp thư giãn cơ bắp.
+Chuối:
Chuối là một thực phẩm giàu chất dinh dưỡng với lượng B6 dồi dào giúp giảm co thắt. Ngoài ra, chuối còn chứa nhiều kali làm giảm khả năng giữ nước nên hạn chế được hiện tượng đầy hơi khi hành kinh.
+Nước:
Nên uống từ 2 – 3 l ít nước mỗi ngày. Bởi uống nước là cách đơn giản nhất để giảm tình trạng đau bụng, đầy hơi, khó chịu trong những ngày “đèn đỏ” do chúng ta bị mất rất nhiều nước vào thời gian này.
+Chocolate:
Chocolate được coi là một thực phẩm thoải mái trong những ngày này nhưng không nên dùng loại có nhiều đường và sữa vì chúng có thể làm trầm trọng thêm cơn đau. Thay vào đó, hãy chọn chocolate đen, các chất chống oxy hóa trong đó sẽ giúp giảm đau và thư giãn cơ bắp.
+Trà thảo mộc:
Các loại trà thảo dược như trà xanh, trà bạc hà thậm chí trà mùi tây giúp máu kinh nguyệt ra dễ dàng hơn. Đồng thời, chúng còn có khả năng làm giảm bớt đau bụng kinh và tránh hiện tượng đầy hơi.
Thuốc tham khảo: Cataflam Chỉ định: Điều trị ngắn hạn trong những trường hợp viêm đau cấp tính như trong các chuyên khoa tai mũi họng, răng hàm mặt, sản phụ khoa … và cơn đau bụng kinh, sau chấn thương hoặc phẫu thuật, cơn migrain, đau trong hội chứng cột sống, thấp ngoài khớp. |
Thùy Linh
Theo GDVN