Làm sao để biết mình đã già
(Giúp bạn)Chúng ta ai cũng phải trải qua quá trình "sinh, lão, bệnh, tử". Nhưng câu hỏi đặt ra là: dấu hiệu của sự lão hóa đến với ta khi nào, biểu hiện ra sao, có thể làm chậm quá trình lão hóa được không? Đây vẫn là sự băn khoăn của nhiều người. Bài viết sau đây giúp giải đáp phần nào sự băn khoăn đó.
Cùng với năm tháng, cơ thể mỗi người lớn lên, trưởng thành rồi già nua. Đó là quy luật của tạo hóa. Nhưng khi phải đối mặt với những dấu hiệu của tuổi già thì chúng ta vẫn không khỏi bàng hoàng lo lắng và mong muốn có một phép màu nào đó giúp ta kéo dài tuổi xuân. Có lẽ tùy mỗi người mà dấu hiệu tuổi già đến sớm hay muộn, nhanh hay chậm khác nhau. Khi nào ta biết mình đã về già? Đó là khi xuất hiện một hay nhiều biểu hiện sau đây:
- 1
Rụng tóc:
Bình thường mỗi người có khoảng 100.000 sợi tóc và mỗi ngày có khoảng 100 sợi rụng đi. Như vậy rụng tóc là một hiện tượng sinh lý bình thường xảy ra với mọi người ngay từ lúc trẻ tuổi. Điểm khác biệt là ở người cao tuổi tóc rụng nhiều hơn do khi về già các tuyến nhờn kém hoạt động, tóc bị khô, giòn, dễ rụng.Nếu da đầu bị viêm, hay do ảnh hưởng của các loại thuốc chữa bệnh, hóa trị, xạ trị thì tóc rụng càng nhiều. Cùng với tóc, lông nách và lông mu cũng rụng khá nhiều. Ngược lại những phụ nữ dùng nội tiết tố nam để chữa bệnh thì lông, tóc lại mọc ra ở mặt và thân thể, nhưng khi ngưng thuốc thì lông tóc loại này cũng ngưng mọc.
- 2
Bạc tóc:
Tóc bạc hay tóc hoa râm là dấu hiệu khá sớm của tuổi về già. Thường tóc bạc bắt đầu từ hai bên thái dương rồi lan lên đỉnh đầu. Thời gian đầu, tóc bạc ít, trắng đen lẫn lộn dạng muối tiêu, dần dần tóc trắng nhiều hơn tóc đen, khi đó muối nhiều hơn tiêu. Tóc đen biến đổi thành tóc trắng là vì loại tế bào sinh hắc tố melanin giảm đi, tóc trở nên không có màu, bị bạc trắng.Vì sao loại tế bào này giảm đi khoa học chưa biết rõ và cũng chưa tìm ra cách ngăn chặn được sự giảm này. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy tóc bạc có tính chất di truyền. Giáo sư Kyonggeun Yoon và các cộng sự tại Đại học Y khoa Jefferson, Pennsylvania, đã thành công nhờ điều chỉnh gen di truyền mà chuyển đổi tóc từ trắng sang đen của chuột mắc bệnh bạch tạng.Các nghiên cứu khác thì cho rằng tóc bạc do: bị thiếu vitamin nhóm B, dinh dưỡng kém, do căng thẳng thần kinh, do buồn phiền trường diễn, do môi trường sống bị ô nhiễm hóa chất độc hại... Thống kê cho thấy: chỉ có khoảng 65% người cao tuổi bị bạc tóc, số còn lại 35% người cao tuổi thì tóc không bạc hay chỉ bạc khi tuổi cao; song lại có nhiều người mới 25-30 tuổi tóc đã bạc.
- 3
Những thay đổi của da:
Da có chức năng bảo vệ cơ thể chống vi khuẩn, cát bụi, điều nhiệt... Người cao tuổi da bị nhăn nheo, khô cằn, mềm xệ và xuất hiện các vết đồi mồi, tàn nhang... Ở người cao tuổi do lớp biểu bì bị thoái hóa nhiều hơn là tái tạo, làm cho biểu bì mỏng manh, suy giảm các tế bào màu, thay đổi chất elastin và collagen, tuyến mồ hôi và tuyến nhờn xơ teo hoạt động kém hẳn. Sự thay đổi dẫn đến hậu quả là :
+ Nhăn da: Do chất collagen giảm, chất elastin tăng, tính đàn hồi của da kém hẳn. Nếu kẹp lớp da giữa hai ngón tay rồi thả ra, ở người trẻ sau một hai giây da đã đàn hồi trở lại, nhưng ở người già thì phải mất vài chục giây da mới đàn hồi.
Cấu tạo collagen.
+ Giảm khả năng điều hòa thân nhiệt: Ở người cao tuổi, lớp mỡ dưới da mất đi nên khả năng giữ nhiệt cho cơ thể bị suy giảm. Do số lượng những mạch máu nhỏ dưới da của người cao tuổi ít hơn so với lúc trẻ, cho nên người cao tuổi chịu rét kém, dễ bị lạnh cóng. Cảm giác của da cũng giảm do thần kinh ngoài da kém nhạy cảm so với trước đây vì thế người cao tuổi dễ bị bỏng khi tiếp xúc gần với nước sôi hoặc với lửa.+ Khô da: Do tuyến mồ hôi, tuyến nhờn teo, khô giảm hoạt động nên ở người cao tuổi, sự bài tiết mồ hôi giảm, làm cho da bị khô, ngứa, nhất là về mùa khô hanh.+ Vết thương lâu lành: Do số lượng mạch máu đến mặt da giảm sút, sự nuôi dưỡng da cũng kém so với trước đây nên các vết thương ngoài da ở người cao tuổi rất lâu lành. Thậm chí vết thương ở các vùng da bị tỳ đè như vùng bả vai, thắt lưng khi nằm ngửa có thể bị loét sâu rộng vì thiếu dinh dưỡng nên rất dễ nhiễm khuẩn và khó lành.
- 4
Giảm chiều cao:
Khi về già, chiều cao bị giảm đi trung bình khoảng 2cm ở đàn ông và 1,5cm ở đàn bà. Nguyên nhân chính gây giảm chiều cao là bệnh loãng xương (osteoporosis); là do lún xẹp đốt sống; do sự giảm lượng nước trong cơ thể, các bắp thịt yếu, trương lực cơ kém gây nên.
- 5
Giảm trọng lượng:
Nhiều nghiên cứu cho thấy trọng lượng cơ thể tăng lên ở tuổi trung niên rồi giảm dần khi cao tuổi. Về mặt tổ chức học, tế bào mỡ tăng lên thay thế vào chỗ những tế bào cơ bị xơ teo do người cao tuổi ít lao động và ít vận động. Lượng nước chiếm khoảng 55- 60% trọng lượng cơ thể khi trẻ và giảm xuống còn 46-51% khi cao tuổi do số lượng tế bào chứa nhiều nước mất hoặc teo đi.
- 6
Những thay đổi khác:
Ở xương đầu các khớp nối của xương dính liền lại, xương sọ dày lên; vòng ngực tăng lên, sống mũi và dái tai dài hơn trước; móng tay, móng chân mọc chậm, đổi màu và có những lằn gợn gồ ghề; nói chậm hơn; hay quên; nhăn trán, rạn chân chim ở đuôi mắt, mí mắt xệ, quầng mắt đen; cơ mặt teo, xương mặt nhô; vành tai to chảy xuống...
Chúng ta có thể làm chậm quá trình lão hóa bằng cách thực hiện: Ăn uống hợp lý, điều độ, đủ chất, tránh lạm dụng những chất có hại cho sức khỏe; có chế độ luyện tập đều đặn cho khí huyết lưu thông, gân cốt thư giãn; có tinh thần lạc quan, tâm hồn thanh thản...