Làm sao để xử trí khi bị ngộ độc thức ăn?

23:12 10/02/2014

(Giúp bạn)Mùa lễ hội đã rất gần. Cùng với đó là nguy cơ ngộ độc thực phẩm tăng ca. Khi gặp những trường hợp như vậy, cách xử trí nhanh và đúng sẽ góp phần giảm thiểu các nguy cơ không đáng có cho người bệnh.

Dấu hiệu:

Dấu hiệu nhận biết là nhiều người bị tiêu chảy hoặc đi ngoài phân lỏng, còn gọi là đi tiêu chảy lỏng hàng loạt. Ngoài triệu chứng đi lỏng, người bị ngộ độc thức ăn thường có những triệu chứng kèm theo như nôn, đau bụng, có sốt hoặc không sốt, đau đầu... Ngoài ra, còn có thể có các triệu chứng thần kinh và toàn thân như nhức mỏi cơ thể, mê sảng, co giật...

Cách cứu chữa sơ bộ cho người bị ngộ độc:

1. Cho ngườibị ngộ độc nôn

Có thể cho người bệnh nôn bằng cách kích thích cổ họng. Việc cho nôn mửa rất quan trọng, nhất là đối với các trường hợp bị ngộ độc các chất hóa học. Nếu đi tiêu chảy nhiều, nhất thiết phải cho người bị ngộ độc uống nhiều nước. Cho uống dung dịch oresol nếu có theo hướng dẫn hoặc pha 1 thìa muối với 8 thìa đường trong 1 lít nước sạch đun sôi để nguội và cho uống, không được để bệnh nhân nôn nhiều, đi tiêu chảy nhiều. Tình trạng bị mất nước và muối nhiều có thể dẫn đến tử vong.

2. Giữ nguyên hiện trường để tìm nguyên nhân

Khi có vụ ngộ độc thức ăn xảy ra, cần giữ nguyên hiện trường có liên quan đến người bệnh bị ngộ độc. Các loại thức ăn thừa còn lại sau khi ăn chưa xong, các chất nôn, phân thải... cần có dụng cụ chứa đựng, bảo quản, không được vứt bỏ đi trước khi cán bộ y tế đến kiểm tra, lấy mẫu để giúp cho việc chẩn đoán xác định bệnh và tìm nguyên nhân gây ngộ độc một cách rõ ràng, cụ thể.

3. Báo cho cơ sở y tế

Một vấn đề cũng cần được quan tâm là báo cáo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất biết để có biện pháp xử trí kịp thời khi có vụ ngộ độc thức ăn xảy ra.

Phòng bị ngộ độc thức ăn

Để đề phòng bị ngộ độc thức ăn, cần biết rằng việc ngộ độc thức ăn do nhiều yếu tố gây nên. Nếu bảo đảm được các yêu cầu cần thiết thì có thể đề phòng được sự ngộ độc như những người làm công việc có liên quan đến lương thực, thực phẩm phải có ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn vệ sinh cá nhân và thực hiện tốt các điều lệ vệ sinh; các cơ sở phục vụ như nơi dự trữ thực phẩm, nhà bếp, nhà ăn, nhà hàng, quán ăn, dụng cụ chế biến, đồ dùng ăn uống... phải theo đúng các điều quy định về an toàn thực phẩm. Ngoài ra, một vấn đề cũng không kém phần quan trọng là thực hiện đúng nề nếp, chế độ quy định về công tác kiểm tra thực phẩm của các cơ quan có trách nhiệm.

Comments