Làm sao để duy trì sự cân bằng trong cuộc sống
(Giúp bạn)Làm sao để giữ được sự cân bằng cho cuộc sống của chúng ta? Sau đây là 8 lời khuyên trích trong Margin - một cuốn sách viết về nghệ thuật duy trì sự cân bằng trong cuộc sống, nhằm giúp bạn giữ được sự cân bằng trong các mặt của cuộc sống như sức khỏe, công việc, tình cảm và tài chính. Có thể bạn không đạt được nhiều thứ như những người khác trong một thời gian ngắn, nhưng bạn có thể tận hưởng trọn vẹn cuộc sống của mình về lâu dài.
- 1
Loại bỏ những việc không cần thiết
Có một sự thật là mỗi người không thể nào làm hết những việc mình muốn. Hãy ghi nhớ rằng việc cố gắng thực hiện nhiều kế hoạch không những ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của bạn mà còn lấy đi một khoảng thời gian đáng kể mà lẽ ra phải dành cho các mối quan hệ.
Vì vậy thay vì cố làm tất cả mọi việc thì hãy sử dụng quy tắc 80/20. Tức là hãy kiểm soát lại tất cả công việc của bạn và tập trung vào những việc quan trọng, thiết yếu. Như đã nói ở trên bạn không thể nào hoàn thành tất cả mọi việc do đó hãy học cách nói “không” khi cần thiết.
- 2
Đặt ra giới hạn cho bản thân
Đừng chỉ dành thời gian cho công việc và hãy thiết lập những giới hạn cho bản thân. Ví dụ như bạn có thể ngưng làm việc sau 6 giờ chiều để tập trung chăm sóc gia đình hoặc dành ra một đến hai ngày mỗi tuần để nghỉ ngơi. Nghề nghiệp của mỗi người là khác nhau, vì thế nên thiết kế một thời gian biểu phù hợp với bạn nhất.
- 3
Luôn tuân theo quy tắc chi ít hơn thu
Đây là nguyên tắc cơ bản trong vấn đề tài chính cá nhân của mỗi người nhưng rất thường bị lãng quên, đặc biệt là vào kỉ nguyên của thẻ tín dụng. Những chiếc thẻ này cho phép người ta “thoải mái” tiêu xài và kết quả là nhiều người bị rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính.
Việc đầu tiên mà bạn cần làm đó là lên kế hoạch cho việc chi tiêu của mình. Điều này giúp bạn hoạch định các khoản chi cần thiết. Sau đó, đề ra những biện pháp nhằm kiếm soát chi tiêu. Chẳng hạn như loại bỏ những khoản chi vô bổ hay tính toán để tiết kiệm khi cần phải mua sắm hay làm việc gì đó. Có thể bạn sẽ phải hi sinh nhiều sở thích của bản thân, nhưng về lâu dài thì kế hoạch này sẽ vô cùng hữu ích cho bạn.
- 4
Xây dựng ngân quỹ dự phòng cho những việc khẩn cấp
Bên cạnh việc hoạch định chi tiêu thì dành ra một khoản cho những trường hợp khẩn cấp cũng là một nguyên tắc cơ bản, điều đó nhằm đảm bảo bạn sẽ không bị lúng túng khi đối mặt với những khoản chi bất ngờ phát sinh. Có nhiều ý kiến khác nhau về việc số tiền dành cho quỹ dự phòng này, nhưng nên dành ra một khoản tiền nhiều hơn khoản sinh hoạt phí của bạn hoặc gia đình bạn.
- 5
Dành thời gian rèn luyện thể lực
Những bài tập thể dục có thể tăng cường sức khỏe và đảm bảo cho bạn một tình trạng thể lực sung mãn suốt một ngày dài. Do đó hãy tập cho mình thói quen bổ ích này, có thể là một mình hay với bạn bè. Bạn sẽ nhận thấy những bài tập thể dục làm mình sung sức và ít bị stress hơn.
- 6
Bảo đảm cơ thể được nghỉ ngơi đầy đủ
Cơ thể bạn cần được nghỉ ngơi đầy đủ để có thể tái hoạt động một cách hiệu quả. Do đó đừng hi sinh thời gian ngủ cho bất kì việc gì khác, kể cả công việc và hãy chắc chắn rằng bạn ngủ từ 6 đến 8 tiếng mỗi đêm.
- 7
Tìm kiếm sức mạnh tinh thần từ việc tĩnh lặng
Dành thời gian để cầu nguyện hay suy ngẫm về mọi việc sẽ mang lại cho bạn nguồn năng lượng tinh thần dồi dào và sự bình an trong tâm hồn. Nhờ vào phương pháp này bạn có thể suy nghĩ thông suốt hơn và giữ được sự bình tĩnh suốt một ngày dài làm việc.
- 8
Dành thời gian cho những mối quan hệ
Các mối quan hệ cá nhân tốt đẹp sẽ mang lại cho bạn nguồn năng lượng tinh thần to lớn. Thế nên không chỉ dành thời gian cho người thân và bạn bè của mình mà còn phải chắc chắn rằng lúc đó bạn toàn tâm toàn ý cho người đang bên cạnh. Hãy làm cho người mà bạn yêu thương cảm thấy họ được trân trọng.