Làm sao để kích thích trí tò mò về khoa học cho bé

21:46 10/02/2014

(Giúp bạn)Có rất nhiều thứ xung quanh bạn có thể chỉ cho bé xem. Thông qua đó, bé sẽ hiểu khái niệm đơn giản về khoa học như một cái hạt có thể nảy thành cây, giọng nói của mẹ sẽ bị bóp méo qua một chiếc phễu bằng giấy…

1. Trộn lẫn thức ăn

Nhà bếp được coi như phòng thí nghiệm – nơi bạn dạy bé quan sát cách trộn thức ăn, tạo ra món mới với màu sắc và hương liệu mới. Bạn cũng có thể hỏi bé xem hơi nóng hay hơi lạnh ảnh hưởng đến đặc tính của thức ăn thế nào.

2. Trồng cây trong vườn

Bạn hãy thử trồng một cái cây có tốc độ phát triển nhanh trong thời gian ngắn, như gieo một hạt cà chua (hạt lúa, hạt ngô) trong một chiếc bát đất sạch; một mầm tỏi trong một cốc đất sạch rồi cắm một cái que nhỏ, cạnh mầm cây. Trong vài ngày, bé sẽ chứng kiến sự phát triển của mầm cây và chẳng bao lâu, sẽ là những chiếc lá xanh nhú lên.

3. Vui chơi cùng nước


Đong nước, bản thân nó đã là một hoạt động vui vẻ cho các bé. Bạn hãy chỉ cho bé xem điều xảy ra nếu cho một vật vào cốc nước? Cho một giọt màu vẽ vào cốc nước? Cho cốc nước đó vào tủ lạnh? Bạn cũng có thể giải thích cho bé cách cốc nước sẽ bị vơi đi nếu phơi lâu dưới nắng. Hiện tượng bốc nhiệt này còn xảy ra với các chất lỏng khác, với muối ăn, đá lạnh, dầu ăn…

4. Quan sát đồ vật ở cự ly gần


Khuyến khích bé ngắm bông hoa qua một chiếc kính phóng đại hay dùng tay để khám phá một thân cây nhỏ như bóc vỏ thân cây.

5. Khám phá âm thanh

Hãy chỉ cho bé thấy đồ vật như chiếc phễu bằng giấy sẽ làm biến đổi giọng nói. Bạn hãy đặt chiếc phễu giấy ở tai bé và cho bé nghe giọng nói của bạn đã bị bóp méo là kết quả khi được truyền qua phễu.

6. Quan sát côn trùng và con vật

Cùng bé đi dạo ở công viên và chỉ cho bé thấy con kiến hay con bướm. Bạn cũng có thể để bé tự quan sát con vật ở cự ly an toàn, thậm chí, cho bé được chạm vào chúng. Bạn hãy đưa bé đi vườn bách thú, phân biệt cho bé con vật biết bay, biết đi và biết bơi.

7. Nhìn lên bầu trời


Bạn hãy chỉ cho bé thấy chuyển động của gió, những đám mây hay cho bé quan sát mặt trăng, ngôi sao trên bầu trời buổi tối.

8. Trả lời câu hỏi của bé theo cách đơn giản


Bạn không nên cố “nhồi” vào đầu bé khái niệm chiều dài, thể tích hay khoa học. Nếu bé hỏi “Vì sao bầu trời có màu xanh” thì đáp án đơn giản là: “Tự nhiên tạo ra bầu trời có màu xanh vì đó là một màu đẹp” hoặc “Mọi thứ đều có màu riêng và bầu trời thì có màu xanh như tóc con màu đen và răng con màu trắng”.

Comments