Làm sao để nhận biết, phòng tránh và điều trị sốt phát ban (Rubella)
(Giúp bạn)Bệnh sốt phát ban dạng Rubella (hay còn gọi là ru-bê-on, bệnh sởi Đức), thường gặp ở trẻ nhỏ và bùng phát vào mùa Đông- Xuân. Bệnh do virus Rubella gây ra, là một bệnh truyền nhiễm, rất dễ lây lan, chủ yếu là qua đường hô hấp và người đã nhiễm bệnh là nguồn truyền bệnh. Trẻ mắc hội chứng Rubella bẩm sinh sẽ là nguồn truyền nhiễm rất cao cho người tiếp xúc, vi rút có thể đào thải nhiều tháng sau khi sinh. Bệnh tuy không nguy cấp (không gây nên biến chứng nguy hiểm, không gây chết người như bệnh sởi), nhưng lại có khả năng gây nên những dị tật bẩm sinh nguy hiểm ở bào thai của thai phụ.
Triệu chứng
Những triệu chứng của bệnh sốt phát ban Rubella rất nhẹ nên rất khó được phát hiện, đặc biệt ở trẻ em. Bệnh khởi phát sau 10 ngày đến 15 ngày kể từ lúc tiếp xúc với người bệnh.
Các triệu chứng thông thường là:
- Triệu chứng ban đầu: mệt mỏi, sốt nhẹ, nhức đầu, đau họng nhẹ hoặc hơi sổ mũi. Ngoài ra có thể bị sưng hạch, tiêu chảy nhẹ, kém ăn, mí mắt sưng… kéo dài từ 1 đến 7 ngày. Đôi khi cơn sốt có thể lên cao bất thình lình hơn 103 độ F (39,5 độ C).
- Phát ban: Những nốt ban màu hồng mịn, bắt đầu từ mặt và nhanh chóng lan xuống thân, sau đó xuống cánh tay và chân trước trước khi biến mất. Ban tồn tại từ 1 đến 5 ngày, nhưng thường gặp nhất là 3 ngày.
Lây lan: Bệnh lây qua đường hô hấp, và nước bọt (ví dụ 2 người uống chung 1 cốc nước). Trẻ em và những người có sức đề kháng thấp rất dễ bị lây bệnh và truyền bệnh. Người lớn nào lúc nhỏ chưa bị thì có thể bị lây bệnh nhưng thường chỉ bị nhẹ thôi, tuy họ vẫn có thể lây bệnh cho người khác. Những người đã bị rất hiếm khi bị lại.
Trong khoảng thời gian từ 7 ngày trước phát ban và trong lúc phát ban là thời gian mà người bệnh có khả năng lây bệnh cao nhất. Sự nguy hiểm ở đây là bệnh rất dễ lây lan và nguồn lây bệnh không thể phát hiện được cho đến khi người bị nhiễm có triệu chứng phát ban 7 ngày sau đó. Biện pháp cách ly người bệnh đến thời điểm này cũng được xem là đã quá trễ. Do đó khi tiếp xúc với người bị bênh, đặc biệt là trẻ nhỏ, cần theo dõi xem trẻ có biểu hiện của bệnh không.
Bệnh Rubella rất nguy hiểm cho phụ nữ mang thai
Thường người mẹ không có triệu chứng, điều đáng quan tâm nhất là những dị tật của thai nhi trong bụng mẹ.
- Trong 3 tháng đầu: 70%-100% trẻ đẻ ra bị Rubella bẩm sinh và 25% trẻ bị dị tật bẩm sinh ở các cơ quan tim, mắt, não.
- Sau 3 tháng: Nếu mẹ có thai được 13-16 tuần, thì trẻ bị Rubella bẩm sinh với tỷ lệ 17%.
- Khi thai được 17- 20 tuần, thì tỷ lệ 5%.
- Và khi thai hơn 20 tuần, tỷ lệ đó bằng 0%: như vậy khi thai nhi hơn 20 tuần thì mới hoàn toàn an toàn trước bệnh rubella
Các biến chứng dị tật của thai nhi: Khi bà mẹ mang thai 3 tháng đầu bị bệnh Rubella thì dễ bị sảy thai hoặc thai chết lưu trong tử cung; nếu đẻ được thì thai thiếu cân, chậm lớn, chậm mọc răng và kèm theo các dị tật bẩm sinh như đục nhân mắt (một hoặc hai bên); đục giác mạc, tật mắt nhỏ, tăng nhãn áp bẩm sinh, tật đầu nhỏ; tim tiên thiên lỗ thông vách tim, còn ống động mạch, hẹp eo động mạch phổi; trẻ còn có thể bị câm, điếc, viêm não, màng não, chậm phát triển trí tuệ, gan to, lách to…
Phòng và Điều trị sốt phát ban như thế nào?
Không thể điều trị sốt phát ban Rubella bằng kháng sinh vì kháng sinh không có tác dụng chống lại các nhiễm virus. Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh Rubella ngoài biện pháp phòng bệnh duy nhất là tiêm chủng. Tuy nhiên những biện pháp chăm sóc sức khỏe để tránh bệnh vẫn luôn rất cần thiết:
Biện pháp phòng ngừa bệnh rubella
- 1
Các biện pháp chăm sóc sức khỏe: có thể phòng bệnh bằng các biện pháp không đặc hiệu như: Mặc đủ ấm, ăn uống đủ dinh dưỡng, cách ly và thực hiện các biện pháp phòng lây lan vì bệnh truyền nhiễm rất nhanh qua đường hô hấp.
- 2
Tiêm chủng: Biện pháp phòng bệnh hiệu quả duy nhất là tiêm chủng. Loại vắc - xin đang sử dụng hiện nay là vắc - xin phối hợp ngừa 3 bệnh: Sởi, quai bị, rubella. Sử dụng cho trẻ em trên 12 tháng tuổi và người lớn.
Lịch tiêm chủng ngừa 3 bệnh rubella, sởi, quai bị được áp dụng như sau:
Trẻ em: mũi thứ nhất: 12 đến 15 tháng tuổi; mũi thứ hai (mũi lặp lại): 4 đến 6 tuổi. Các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch và tại các cơ sở y tế. Trước khi tiêm, cán bộ y tế cần khám sơ loại, nếu trẻ đang mắc các bệnh khác, có thể hoãn lịch tiêm đến khi trẻ khoẻ mạnh bình thường.
Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản tiêm một liều duy nhất, nhưng chỉ được có thai sau khi tiêm 3 tháng, nhằm phòng hội chứng Rubella bẩm sinh về sau cho trẻ.
Cách điều trị đơn giản:
- 1
Có thể chăm sóc bệnh nhân tại nhà, cho bệnh nhân nghỉ ngơi đầy đủ
- 2
Có thể vệ sinh thân thể, không nên kiêng gió, kiêng nước quá kỹ lưỡng, cần chống viêm nhiễm, nhiễm trùng
- 3
Uống nhiều nước. Cho uống vitamin C hoặc nước cam, chanh… giàu vitamin để tăng cường sức đề kháng
- 4
Hạ sốt bằng cách chườm khăn mát hoặc cho uống thuốc hạ sốt (nếu cần)
- 5
Trường hợp bội nhiễm cần phải điều trị theo chỉ định của bác sĩ
- 6
Nếu bệnh nhân có dấu hiệu sốt cao, co giật cần sớm đưa vào bệnh viện để kịp thời chữa trị.