Làm sao sơ cứu khi bị rắn cắn?
(Giúp bạn)Tai nạn do rắn cắn thường xảy ra bất ngờ, khiến nạn nhân và những người trong gia đình lúng túng. Khi không may bị rắn cắn, nạn nhân phải thật bình tĩnh.
Tuyệt đối không cử động phần cơ thể
Nếu đúng là bị rắn độc cắn hoặc không xác định được chắc chắn thì phải ngồi yên, tuyệt đối không cử động phần cơ thể (chân, tay…) bị rắn cắn vì sẽ làm cho chất độc lan nhanh trong cơ thể. Nếu bị rắn cắn ở chân, nạn nhân không được đi hay chạy.
Các biện pháp sơ cứu
- Động viên bệnh nhân
Động viên bệnh nhân yên tâm, đỡ lo lắng.
- Bất động chi bị cắn bằng nẹp
Không để bệnh nhân tự đi lại. Bất động chi bị cắn bằng nẹp (vì bất kỳ sự vận động nào của chi hoặc co cơ đều làm tăng sự vận chuyển của nọc độc về tuần hoàn hệ thống). Cởi bỏ đồ trang sức ở chi bị cắn vì có thể gây chèn ép khi chi sưng nề.
- Dùng băng ép bất động
Nên cân nhắc biện pháp dùng băng ép bất động. Với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số rắn hổ mang thường) băng ép bất động để làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt. Không dùng băng ép bất động khi rắn lục cắn vì có thể làm nặng thêm tổn thương tại chỗ.
- Vận chuyển bệnh nhân
Vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế đồng thời với việc duy trì băng ép, bất động. Nếu bệnh nhân liệt thì khai thông đường hô hấp (hút đờm dãi, hô hấp nhân tạo).
Tránh can thiệp vào vết cắn vì có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, tăng sự hấp thu nọc và dễ chảy máu thêm.
Chú ý: Không cố bắt hoặc giết rắn. Nếu rắn đã chết hoặc bắt được rắn phải đem cùng với bệnh nhân đến bệnh viện để nhận dạng. Ngay cả đầu rắn đã chết vẫn có thể truyền nọc độc cho người, cần cẩn thận khi mang rắn.