Lưu ý khi chọn mua đồ chơi bằng nhựa cho bé

21:51 10/02/2014

(Giúp bạn)Trong các vật liệu sản xuất đồ chơi thì nhựa là vật liệu phổ biến được các nhà sản xuất ưa dùng nhất. Tuy nhiên, chất liệu này cũng không hẳn là an toàn cho bé. Cha mẹ cũng nên thận trọng lựa chọn những món đồ chơi bằng nhựa bảo đảm chất lượng.

  • 1

    Tại sao phải cẩn thận với đồ chơi bằng nhựa?

    Không phải chỉ với đồ chơi bằng nhựa bạn mới cần cẩn trọng mà với tất cả các món đồ chơi cho bé bạn cũng nên lưu ý đến vấn đề an toàn và chọn lựa đồ chơi phù hợp với lứa tuổi của bé. Tuy nhiên do phần lớn các món đồ chơi thường được sản xuất bằng nhựa nên trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi xin được đề cập đến nguy cơ từ đồ chơi sản xuất từ nhựa không an toàn.

    Thường để giảm giá thành, các nhà sản xuất có thể sử dụng các loại nhựa tái sinh, nhựa phế thải từ nhiều nguồn khác nhau và thậm chí thu gom cả những loại nhựa có trộn lẫn với các chất thải hữu cơ để sản xuất đồ chơi. Việc sử dụng các loại nhựa không bảo đảm chất lượng như nhựa tái chế PVC khi qua xử lý nhiệt có thể thải ra khí clo, là một chất oxy hóa có độc tính cao hoặc thành phần nhựa có chứa lượng phthalates cao sẽ gây ra các nguy cơ về rối loạn nội tiết tố, nguy cơ dậy thì sớm, bệnh tiểu đường, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản... Đây chỉ là 2 ví dụ về ảnh hưởng của các loại hoá chất thường dùng có trong nhựa gây hại đến sức khoẻ của bé còn trong thực tế, các loại hoá chất trong đồ chơi có thể gây hại là rất nhiều.

    luu-y-khi-chon-mua-do-choi-bang-nhua-cho-be-1

       Các loại đồ chơi phải phù hợp với độ tuổi của bé.

    Ngoài ra để làm cho các món đồ chơi ấn tượng, màu sắc thật bắt mắt hoặc làm cho món đồ chơi bền, dẻo hay rắn chắc, các nhà sản xuất còn bổ sung thêm một số chất như muối kẽm, muối catmi, muối đồng, hoặc sử dụng thuỷ ngân, chì và các sơn màu giá rẻ không đảm bảo chất lượng. Những loại hoá chất này nếu không được kiểm định phân loại thành phần và hàm lượng an toàn thì một số chất phụ liệu hoàn toàn có khả năng gây hại cho bé (ví dụ chất hoá dẻo DBP (Dibutyl Phthalate) hay DOC (Dioctyl Phthalate) có khả năng gây ung thư nếu tiếp xúc trực tiếp lâu dài. Những chất như chì, thuỷ ngân có thể thẩm thấu và hấp thu bởi cơ thể của trẻ qua đường hô hấp, đường tiêu hóa và ngấm qua da trong quá trình chơi, tiếp xúc với các loại đồ chơi này.

  • 2

    Lưu ý khi chọn mua đồ chơi nhựa

    Có thể các bậc cha mẹ biết về những nguy hại do đồ chơi bằng nhựa không an toàn mang lại, nhưng vấn đề là rất khó để phân loại, kiểm định những loại đồ chơi cho bé được bày bán tràn lan trên thị thường như hiện nay. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là làm cách nào để chọn mua đồ chơi nhựa an toàn cho bé?

    Cách tốt nhất là chọn đồ chơi từ các nhà sản xuất đồ chơi có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. Ưu tiên những đồ chơi mà các nhà sản xuất công bố được những giấy chứng nhận của các cơ quan chứng minh được nguyên liệu và quá trình sản xuất, sản phẩm an toàn với trẻ nhỏ. Tuyệt đối không vì rẻ hay vì kiểu dáng màu sắc ấn tượng mà chọn mua đồ chơi trôi nổi không rõ nguồn gốc, hãy đặt an toàn sức khoẻ cho bé lên hàng đầu.

    luu-y-khi-chon-mua-do-choi-bang-nhua-cho-be-2

    Đặt yếu tố chất lượng và nguồn gốc lên hàng đầu khi chọn mua đồ chơi cho bé.

    Không mua các loại đồ chơi bằng nhựa có kích thước quá nhỏ, có thể tháo lắp vì bé có thể nuốt chúng trong quá trình chơi. Ngoài ra các đồ chơi có góc cạnh nhọn cũng cần loại ra khỏi danh sách đồ chơi của bé.

    Có rất nhiều loại nhựa có thể nhận định chủ quan ngay khi cầm lên tay như có mùi khét nặng, giòn, dễ gãy, nhiều tạp chất nổi hẳn trên bề mặt. Các bậc cha mẹ cũng nên lưu ý các chi tiết này khi chọn đồ chơi cho con.

Comments