Lưu ý khi sử dụng thuốc chữa hội chứng ruột kích thích

15:25 14/04/2015

(Giúp bạn)Hội chứng ruột kích thích thường có triệu chứng nổi bật tại hệ tiêu hóa và khi dùng thuốc điều trị bệnh nhân cần lưu ý các tác dụng phụ, tương tác, chống chỉ định,...của thuốc.

Theo Báo Thanh niên Online, hội chứng này còn có nhiều tên gọi khác như bệnh đại tràng chức năng; viêm đại tràng co thắt; do bệnh biểu hiện các triệu chứng từng đợt lúc nặng lúc nhẹ nên trước kia còn gọi là viêm đại tràng mạn tính. Nhưng hầu hết những tên gọi này đều không đúng, vì nó không dẫn đến viêm và không nên lẫn lộn với những rối loạn khác, như viêm loét đại tràng. Mặc dù bệnh lành tính, không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh.

Trong một số trường hợp mắc hội chứng ruột kích thích có táo bón, số khác có kèm tiêu chảy và một số thì có cả hai dấu hiệu trên. Thỉnh thoảng những người bị hội chứng ruột kích thích có những cơn đau thắt ruột gây cảm giác phải đi tiêu nhưng không thể thực hiện được.

Bệnh thường có triệu chứng nổi bật tại hệ tiêu hóa. Đau bụng là triệu chứng thường gặp, người bệnh thường có cảm giác đau ở vùng hạ vị hoặc hố chậu trái, cũng có thể đau ở bên phải hoặc thượng vị, đau chạy dọc theo khung đại tràng tức dọc theo khung của vùng bụng. Đau có thể có hoặc không có vị trí rõ ràng, đôi khi người bệnh chỉ cảm giác tức nặng, ấm ách khó chịu và đau bụng thường giảm đi sau khi đại tiện.

Trướng bụng cũng là triệu chứng thường gặp, sau ngủ dậy có thể bị nhẹ, sau đó tăng dần. Người bệnh có thể biểu hiện bằng tiêu chảy hoặc táo bón, đôi khi bị tiêu chảy xen lẫn từng đợt với táo bón. Trong cơn đau, người bệnh đau quặn bụng bắt buộc phải đi tiêu ngay không kiềm chế được và luôn có cảm giác chưa đi hết phân sau khi đại tiện. Ngoài ra, có các biểu hiện nóng ở vùng thượng vị, ăn nhanh no, buồn nôn, cảm giác có vướng ở vùng họng.

Người bệnh không sụt cân, siêu âm bụng và xét nghiệm đều bình thường, chụp X-quang đại tràng có thể có hình ảnh tăng hoặc giảm co bóp hay rối loạn co bóp, nhưng khi soi toàn bộ đại tràng thì niêm mạc hoàn toàn bình thường. Xét nghiệm phân cũng không có gì thay đổi rõ rệt.

-1

Sử dụng thuốc chữa hội chứng ruột kích thích

Trang thông tin điện tử bệnh viện Hồng Ngọc cho biết, hội chứng ruột kích thích (HCRKT) là một chẩn đoán loại trừ. Không có biểu hiện cụ thể nào về rối loạn nhu động hoặc rối loạn cấu trúc, do đó hội chứng ruột kích thích vẫn là một bệnh lý chủ yếu được xác định bằng lâm sàng. Việc dùng thuốc điều trị như sau:

+ Thuốc kháng cholinergic: Là các thuốc chống co thắt, ức chế khử cực cơ trơn của ruột tại thụ thể muscarinic.

- Dicyclomin hydrochloride: Thuốc làm giảm đau và triệu chứng mót đi tiêu. Rất hữu ích đối với HCRKT thể tiêu chảy chiếm ưu thế. Ngăn chặn tác động của acetylcholin ở các thụ thể đối giao cảm tại các tuyến tiết, cơ trơn và thần kinh trung ương. Các tác dụng phụ tuỳ thuộc liều dùng.

Thuốc có thể làm tăng tác dụng kháng acetylcholin khi dùng chung với amantadine, các thuốc chống loạn nhịp nhóm I, thuốc kháng histamin, thuốc chống loạn thần, benzodiazepines, MAOIs, ma túy, nitrat, thuốc nhái giao cảm, thuốc chống trầm cảm ba vòng; dicyclomin có thể làm tăng nồng độ digoxin trong huyết thanh, các thuốc kháng acid có thể cản trở hấp thu dicyclomin.

Chống chỉ định: Tiền sử mẫn cảm; tắc nghẽn đường tiết niệu; nhược cơ nặng, tăng nhãn áp, tắc nghẽn đường ruột; liệt ruột; phình đại tràng nhiễm độc (toxic megacolon).

Nguy cơ đối với thai nhi chưa được xác nhận trong các nghiên cứu ở người nhưng đã được thể hiện trong một số nghiên cứu ở động vật.Thận trọng khi dùng cho bệnh nhân suy gan, suy thận, bệnh tim mạch, viêm loét đại tràng, cường giáp hoặc cao huyết áp. Thuốc có thể gây buồn ngủ, táo bón, bí tiểu, nhịp tim nhanh, nhìn mờ, chứng khô miệng hoặc chóng mặt.

- Hyoscyamine sulfate: Ngăn chặn tác động của acetylcholin tại các thụ thể đối giao cảm ở cơ trơn, các tuyến tiết và thần kinh trung ương, gây ra tác dụng chống co thắt. Giảm triệu chứng mót đi tiêu và đau đớn. Hữu ích đối với các thể HCRKT có tiêu chảy chiếm ưu thế.

Thuốc có thể làm tăng tác dụng kháng acetylcholin khi dùng chung với amantadine, các thuốc chống loạn nhịp nhóm I, thuốc kháng histamin, thuốc chống loạn thần, benzodiazepines, MAOIs, ma túy, nitrat, thuốc nhái giao cảm, thuốc chống trầm cảm ba vòng.

Thuốc có thể làm tăng nồng độ digoxin trong huyết thanh. Thuốc kháng acid có thể cản trở sự hấp thu của hyoscyamine.

Chống chỉ định: Tiền sử mẫn cảm; tắc nghẽn đường tiết niệu; nhược cơ nặng, bệnh tăng nhãn áp, tắc nghẽn đường ruột; liệt ruột; phình đại tràng nhiễm độc.

Thuốc có nguy cơ đối với thai trong các trường hợp nghiên cứu ở động vật nhưng chưa được nghiên cứu ở người, có thể sử dụng nếu lợi ích lớn hơn nguy cơ cho thai nhi. Dùng thận trọng ở bệnh nhân cao tuổi.Một số sản phẩm chứa metabisulfite natri có thể gây dị ứng. Thuốc có thể gây buồn ngủ, táo bón, bí tiểu, nhịp tim nhanh, nhìn mờ, khô miệng hoặc chóng mặt.

-2

+ Các thuốc cầm tiêu chảy: Là các opioid tổng hợp không hấp thu. Thuốc kéo dài thời gian di chuyển của thức ăn qua ống tiêu hóa và giảm tiết qua các thụ thể μ-opioid ngoại vi. Thuốc làm giảm cảm giác đau ở nội tạng thông qua ức chế đường thần kinh hướng tâm.

- Diphenoxylate hydrochloride 2,5mg và atropin sulfat 0,025mg.

Thuốc kết hợp diphenoxylate, một đồng loại với meperidine gây táo bón và atropin để ngăn chặn sự lạm dụng.Ức chế sự thúc đẩy và vận động quá mức của ống tiêu hóa. Thuốc có thể khiến táo bón thêm trầm trọng.

Thuốc có thể làm chậm chuyển hóa của các thuốc khác ở gan. Kết hợp với các thuốc ức chế thần kinh trung ương, MAOIs và các tác nhân kháng muscarinic có thể làm tăng độc tính của thuốc; diphenoxylate có thể làm tăng tác dụng của thuốc barbiturates, thuốc an thần, rượu; atropine sulfate tương tác với MAOIs.

Chống chỉ định: Tiền sử mẫn cảm; tăng nhãn áp góc hẹp, suy gan, bệnh gan thận tiến triển; viêm đại tràng màng giả, nhiễm trùng nhiễm độc ruột.

Thận trọng: Có nguy cơ cho thai trong các nghiên cứu ở động vật nhưng chưa được nghiên cứu ở người, có thể sử dụng nếu lợi ích lớn hơn nguy cơ cho thai nhi. Ở trẻ nhỏ, tình trạng mất nước có thể ảnh hưởng đến chuyển hoá khiến bệnh nhi dễ bị nhiễm độc chậm với diphenoxylate; dùng thận trọng ở bệnh nhân viêm loét đại tràng.

Giảm nhu động ruột có thể gây nguy hại cho những bệnh nhân bị tiêu chảy do Shigella, Salmonella và các chủng Ecoli tiết độc tố; thuốc có thể gây buồn ngủ, táo bón, bí tiểu, nhịp tim nhanh, nhìn mờ, khô miệng, chóng mặt hoặc ức chế hô hấp.

- Loperamide: Thuốc có tác dụng ức chế và làm chậm nhu động ruột, kéo dài thời gian di chuyển của nước và chất điện giải, làm tăng độ quánh, giảm mất nước và chất điện giải.

Loperamide giảm số lần đi tiêu và cải thiện tính chất của phân, làm giảm đau bụng và mót đi tiêu. Thuốc có thể gây táo bón.

Tương tác: Phenothiazin, thuốc chống trầm cảm ba vòng và thuốc ức chế thần kinh trung ương có thể làm tăng độc tính của loperamide.

Chống chỉ định: Tiền sử mẫn cảm; tiêu chảy nhiễm trùng; viêm đại tràng màng giả.

Thận trọng: Nguy cơ cho thai nhi không được xác nhận trong các nghiên cứu ở người nhưng đã được thể hiện trong một số nghiên cứu ở động vật.

Ngưng sử dụng nếu không có cải thiện lâm sàng sau 48 giờ. Do loperamide chủ yếu chuyển hóa ở gan, cần theo dõi độc tính thần kinh trung ương ở bệnh nhân suy gan. Không sử dụng thuốc nếu sốt cao hoặc tiêu ra máu.

- Thuốc kích hoạt kênh clorua: Các thuốc này tăng cường dịch tiết giàu clorua trong ruột nhưng không làm thay đổi nồng độ natri và kali trong huyết thanh.

- Lubiprostone: Kích hoạt kênh clorua trên phần đỉnh của biểu mô ruột non. Kết quả là các ion clorua được tiết ra. Natri và nước sẽ khuếch tán thụ động vào lòng ruột để duy trì sự ổn định của áp lực thẩm thấu.

Thuốc đã được FDA chấp thuận cho sử dụng trong táo bón vô căn. Nghiên cứu cho thấy hiệu quả tốt sau 12 tuần ở bệnh nhân HCRKT thể táo bón. Thuốc không dùng cho trẻ em.

Chống chỉ định: Tiền sử mẫn cảm; tiền sử tắc nghẽn ruột cơ học; tiêu chảy nặng.

Thận trọng: Có nguy cơ cho thai trong các nghiên cứu ở động vật nhưng chưa được nghiên cứu ở người, có thể sử dụng nếu lợi ích lớn hơn nguy cơ cho thai nhi.

Tác dụng phụ thường gặp bao gồm: đau đầu, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng và đầy bụng; ngừng thuốc nếu tiêu chảy kéo dài.

Thùy Linh

Nên đọc
-3 Men tiêu hóa và men vi sinh không phải là một?
-4 Các bệnh đường tiêu hóa thường gặp
-5 Xuất huyết tiêu hóa: Chẩn đoán và điều trị
-6 Xuất huyết tiêu hóa

Theo GDVN

Comments