Người bệnh kiêng ăn mặn không nên dùng thuốc dạng sủi
(Giúp bạn)Thuốc dạng sủi có muối nên người bệnh suy thận hoặc người bệnh kiêng ăn mặn không được dùng.
Thuốc dạng sủi
Báo Sức khỏe và Đời sống cho biết, viên thuốc sủi là loại thuốc được bào chế đặc biệt để khi cho vào nước sẽ xảy ra một phản ứng hóa học tạo sinh nhiều bọt khí.Trong viên sủi ngoài thành phần chính là thuốc, nó còn được cho thêm nhiều chất khác không có tác dụng điều trị (tá dược), mà chỉ để cho viên thuốc hấp dẫn như: tạo mùi thơm hoa quả, có loại thuốc còn cho thêm đường để tạo vị ngọt. Với tác dụng này, viên thuốc đã tạo được sức hấp dẫn gây hiệu ứng tâm lý tốt với người dùng thuốc, đặc biệt là trẻ em. Tuy nhiên, thuốc sủi là thuốc cần phải được dùng đúng bệnh, đúng liều lượng, tốt nhất là được thầy thuốc kê đơn.
Thuốc dạng sủi nên được hạn chế với người kiêng ăn mặn
Trong viên sủi bao giờ cũng có một hóa chất để tạo ra nhiều bọt (sủi tăm) đó là natri hydrocarbonat (NaHCO3). Chất này có bản tính kiềm nên khi gặp chất thuốc có tính acid (chẳng hạn vitamin C trong viên upsa-C, myvita…) trong môi trường nước sẽ xảy ra phản ứng để tạo ra nhiều natri và khí CO2 – là các bọt khí sủi lên.
Bởi có natri, người bệnh suy thận hoặc người bệnh kiêng ăn mặn không được dùng. Với viên sủi upsa C calcium, thì ngoài lượng natri được hình thành sau phản ứng sủi bọt còn có canxi. Bởi vậy, không những không dùng cho người bệnh kiêng ăn mặn mà còn không được dùng cho người bệnh sỏi thận (sỏi canxi).
Viên thuốc sủi nếu để lâu ngoài không khí sẽ hút ẩm, mất tác dụng tạo sủi. Do đó, khi lấy thuốc ra, số thuốc còn lại phải được bảo quản thật kín. Khi dùng cần thả cả viên thuốc vào cốc nước lọc (hoặc nước đun sôi để nguội) đợi cho viên thuốc sủi bọt hòa tan hoàn toàn mới dùng.
Không nên sử dụng viên sủi sau khi vừa uống các loại nước giải khát có ga. Viên sủi tương đối hấp dẫn trẻ em, vì thế cần để thuốc xa tầm tay với của trẻ để phòng trường hợp trẻ tự lấy dùng nhiều gây ngộ độc.
Người bệnh kiêng ăn mặn không được dùng thuốc dạng sủi.
Dùng thuốc giảm đau dạng sủi có nguy cơ đột quỵ
Vnexpress dẫn tin theo Telegraph, những người có thói quen uống thuốc giảm đau dạng sủi như aspirin, paracetamol có nguy cơ cao bị đau tim, đột quỵ và tử vong do các thuốc này có hàm lượng muối quá cao.
Các nhà nghiên cứu tại ĐH Dundee (Anh) đã khảo sát hơn 1 triệu người và kết luận những người sử dụng nhiều thuốc giảm đau dạng viên sủi hòa tan dễ bị đột quỵ hơn 22%, bị cao huyết áp cao gấp 7 lần và 28% có khả năng chết sớm do mọi nguyên nhân so với những người dùng các loại thuốc tương tự nhưng không chứa muối.
Các nhà khoa học đã kiểm tra tác động của hàng chục loại thuốc dạng sủi như paracetamol, aspirin, ibuprofen, vitamin C, canxi và kẽm. Đây là những loại thuốc được kê đơn cho bệnh nhân nhưng cũng có thể mua bên ngoài.
Những bệnh nhân thường uống thuốc hòa tan vì gặp khó khăn khi nuốt viên thuốc, và uống thuốc này cảm thấy dễ chịu do có tác dụng nhanh hơn. Nhưng các bác sĩ cho biết, một người trưởng thành uống 8 viên paracetamol hòa tan mỗi ngày sẽ vượt quá số lượng muối hàng ngày được phép, đó là chưa tính đến lượng muối có trong các bữa ăn.
Tiến sĩ George, phụ trách nghiên cứu này khuyến cáo, hàm lượng muối trong các loại thuốc như vậy phải được dán nhãn, ghi rõ và chú thích cẩn thận. Người tiêu dùng đặc biệt lưu ý khi mua những loại thuốc giảm đau sủi bọt hòa tan.
Tiến sĩ Madina Kara, nghiên cứu về thần kinh tại Hiệp hội Đột quỵ, phân tích thêm rằng, điều quan trọng là phải nhận thức được lượng muối trong thuốc. Muối dư thừa trong chế độ ăn uống có thể dẫn đến huyết áp cao, đó là yếu tố nguy cơ lớn nhất đối với bệnh đột quỵ. Mọi người nên có chế độ ăn ít muối và chất béo, nên tập thể dục và kiểm tra huyết áp thường xuyên để hạn chế khả năng đột quỵ.
Thuốc tham khảo: Efferalgan 150mg Paracetamol được dùng rộng tãi trong điều trị các chứng đau và sốt từ nhẹ đến vừa. |
Thùy Linh
Theo GDVN