Nguy hại sức khỏe khi ăn hoa quả hạ giá
(Giúp bạn)Hoa quả, nhập ngoại từ táo Envy New, lê Corella, ổi giống Đài Loan đến Táo Việt Nam, xoài Cát chu, Chuối su, cà tím… đều bị bầm dập, khô héo và lũn thối vẫn được bán tại một số siêu thị với giá đại hạ từ 60% đến 70%.
- 1
Giá sốc
Toàn bộ số hoa quả, rau củ đã bị bầm dập, khô héo được nhân viên đóng gói bày bán trên sạp tại một số siêu thị ở Hà Nội với giá cực kì ưu đãi từ hàng nhập ngoại cho tới hàng trong nước. Táo Envy New loại 1 giá gốc là 108.500 đồng giảm 48.200 đồng/ 1,2kg; Lê Corella Nam Phi giá 87.912 đồng giảm 26.400 đồng/ 0.8kg; Ổi giống Đài Loan giá gốc 52.000 đồng giảm xuống 19.000 đồng/1,3kg; Đến táo Việt Nam 25.600 đồng giảm 8.200 đồng/1kg; Chuối su 26.100 đồng giảm còn 9.300 đồng/ nải; Xu xu 5.500 đồng còn 2.500 đồng/ 0,6kg; Cà tím 9.900 đồng giảm 3.400 đồng/ 0.6 kg…Nếu đem so sánh giữa giá gốc và giá giảm cho tỷ lệ gần 70%.
Với giá như thế này thật khó có thể mua được ở các chợ nói gì đến siêu thị. Theo ghi nhận của PV, loại hàng này thu hút khá đông khách tới xem, cứ chốc chốc nhân viên lại chở đồ ra xếp lên kệ. Nhìn hàng loạt các giá được giảm ghi trên nhãn mác chúng tôi hoàn toàn bị choáng. Một chị mua hàng bên cạnh “thốt” lên: “Hàng ngoại gì mà rẻ thế, còn rẻ hơn cả rau, không biết có phải hàng Trung Quốc không?”
- 2
Hoa quả bầm dập, lũn thối
Cầm một số loại hoa quả xem xét chúng tôi thấy phần lớn quả đã chuyển sang màu thâm tím, bị khô héo, bầm dập, thậm chí lũn thối vẫn được nhân viên đóng gói bày bán. Lê Corella của Nam Phi nhưng đã bị khô héo, võ nhăn nheo, dưa leo, mướp đắng bị khô héo, táo thâm tím, bầm dập.
Có khá đông người đến xem hàng thế nhưng họ cứ cầm lên xem xét rồi lại đặt xuống rồi thảo luận với nhau “ sao mà rẻ thế? Mua ăn có sao không? Cháu ăn thử giúp cô xem có bị sao không?...”
Chị N.T. Ng. nhân viên bán hàng ở quầy tầng 1 sau khi nhìn kỹ số táo nhập ngoại Envy New được bày trên sạp rồi chép miệng, lắc đầu thất vọng vì không chọn được quả nào ưng ý. Thấy chúng tôi chọn mua loại táo Việt Nam giá 25.600 đồng giảm 8.200 đồng/1kg chị Ng. góp ý: “ Em đừng mua loại táo này về bỏ đi hết đấy, táo này bên trong có ròi đấy không ăn được đâu, hàng này bán không được để lâu nó bầm dập, thối nát hết rồi.
Bạn Hương (SV Cao đẳng Cộng Đồng) chọn 1kg lê Nam Phi rồi lại lắc đầu bỏ xuống ngán ngẩm: “ Toàn là hàng dập, thối lũn họ mới giảm giá, hàng này mua về chỉ có bỏ đi hết thôi.”
“ Hoa quả này hầu hết là bầm dập cả rồi nhưng giảm giá nên mua, thấy ghi là ổi Đài Loan nhưng chả biết có phải Đài Loan không hay là của Trung Quốc, nhưng thôi kệ cứ mua về cho bọn con nít ăn”, một chị mua hàng cho hay.
Vẫn biết “tiền nào của nấy” thế nhưng hoa quả đã bị bầm dập, lũn thối, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì liệu có nên bán cho khách nữa hay không? Đó là chưa kể đến sự mập mờ giữa hàng nội và hàng nhập ngoại khiến rất nhiều người tiêu dùng bị đánh lừa.
- 3
Quả càng ngọt càng dễ hỏng
Đối với các loại hoa quả ngọt đậm như lê, xoài và các loại dưa... khi bị thối một chỗ nào đó trên quả sẽ rất nhanh chóng nhiễm khuẩn cả quả. Còn các loại quả có độ chát, ít đường thì vi khuẩn ít xâm nhập hơn.
Nguyên nhân là do các loại quả nhiều đường giúp vi khuẩn lan ra nhanh, còn quả chát có nhiều tananh sẽ ngăn cản vi khuẩn xâm nhập vào quả. Lúc này hoa quả thường bị chua, lên men sau đó chuyển sang thối rữa. Nếu người không biết ăn phải sẽ cảm thấy rất khó chịu. Tốt nhất khi hoa quả không còn giữ được mùi vị ban đầu nên bỏ đi.
Theo các chuyên gia, có nhiều con đường khác nhau để vi khuẩn xâm nhập vào bên trong quả gây thối rữa, trong khi ở bên ngoài quả nhìn vẫn rất tươi ngon.
Với những loại quả như ổi, đậu đũa, mướp đắng hay các loại dưa... các loài côn trùng, bướm có thể trích hút hoặc đẻ trứng vào trong quả qua những lỗ chích nhỏ li ti mà mắt thường khó phát hiện được. Do vậy, bên ngoài hoa quả trông vẫn ngon nhưng bên trong đã bị thối nát, thậm chí có dòi, có sâu do vi khuẩn tấn công.
Bên cạnh đó, các loại quả như lê, táo rất nhanh hỏng và dễ bị dập nát nên các nhà sản xuất thường phải sử dụng chất bảo quản.
Tuy vậy, hóa chất bảo quản cũng chỉ giữ được cho mã quả đẹp và tươi ngon, còn bên trong lõi quả vẫn có nguy cơ bị thối hỏng. Sau thu hoạch hoa quả chỉ để được một thời gian nhất định.
Việc sử dụng hóa chất bảo quản chỉ có tác dụng "đánh lừa" bên ngoài còn bên trong nếu để quá lâu ngày, quá trình tự hoại sẽ bắt đầu, thành phần tinh bột trong quả sẽ bị phân hủy, không còn nguyên vẹn chất lượng và giá trị dinh dưỡng như khi mới thu hoạch nữa. Đây cũng chính là thời điểm quá trình tự hoại làm phát sinh vi khuẩn, tấn công làm thối rữa quả từ bên trong.
- 4
Không nên ăn hoa quả đã bị dập nát
Hoa quả là nguồn cung cấp vitamin quan trọng, cung cấp nước, chất xơ cho cơ thể. Tuy nhiên, chỉ nên ăn những loại hoa quả còn tươi, sạch, không dập nát.
Nếu hoa quả thối vỏ, một chỗ nào đó mà nguyên nhân dập nát do quá trình vận chuyển, với những chỗ bị dập đó chỉ cần cắt bỏ đi, ăn những nơi chưa bị dập hỏng không ảnh hưởng gì đến sức khoẻ. Tuy nhiên, đối với các loại quả có dấu hiệu bị chuột cắn vào thì không nên tiếc của mà cần vứt bỏ cả quả để tránh nhiễm trùng bệnh từ các vi khuẩn và ký sinh trùng được truyền từ chuột.
Với những loại quả khi phát hiện dập thối bên trong, nên vứt bỏ ngay, dù những chỗ hỏng chưa lan ra khắp quả. Bởi vì đó là dấu hiệu cho thấy hoa quả này đã được sử dụng chất bảo quản với thời gian quá lâu, sẽ không tốt cho sức khoẻ người tiêu dùng.