Nguy hại từ việc vừa uống rượu vừa uống thuốc giải rượu
(Giúp bạn)Người liên tục dùng thuốc giải rượu và uống rượu cùng lúc sẽ nhanh chóng bị sa sút về nhận thức, rối loạn hành vi...
Vừa uống rượu vừa uống thuốc giải rượu khiến gan tê liệt
Báo Lao động cho hay, rất nhiều nam giới mỗi khi uống rượu đều rỉ tai nhau uống thêm viên thuốc giải rượu để uống được nhiều và đỡ say. Giải thích về việc này, các bác sỹ Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) cho rằng, đã bị say rượu mà dùng viên giải rượu tức là đang “ép” các bộ phận trong cơ thể làm việc vất vả gấp nhiều lần.
Hai cơ quan bị ảnh hưởng nhiều nhất là gan và hệ thần kinh. Rượu xâm nhập hệ thần kinh rất nhanh, làm thay đổi chuyển hóa cơ bản các tế bào não ở những vùng chịu trách nhiệm về nhân cách, phán đoán, nhận thức, ngôn ngữ, thị giác...
Việc uống viên giải rượu vào lúc này sẽ làm tăng gánh nặng cho não. Vì vậy, người liên tục dùng viên giải rượu và rượu cùng lúc sẽ nhanh chóng bị sa sút về nhận thức, rối loạn hành vi... Rượu và thuốc cùng một lúc được chuyển hóa qua gan làm gan tê liệt, gan làm việc quá tải gây tích lũy chất độc ở gan, trường hợp nặng còn gây hoại tử gan.
Các bác sĩ khuyến cáo, không có một “thần dược” nào giúp người uống rượu không say. Uống viên giải rượu để uống vô tội vạ chỉ chuốc họa vào thân. Có trường hợp suýt mất mạng vì tưởng mình đã có viên giải rượu nên cứ uống thoải mái.
Chính vì lầm tưởng viên giải rượu hóa giải và không bị rượu ảnh hưởng xấu đến cơ thể nên nhiều người cứ vô tư uống rượu. Nhưng thực tế, rượu, khi đã uống vào cơ thể, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến gan và hệ thần kinh trước khi kịp uống viên giải rượu. Vì vậy, để không ảnh hưởng đến sức khỏe, các đấng mày râu cần hạn chế uống rượu.
Không nên lạm dụng thuốc giải rượu
Theo Báo Sức khỏe và Đời sống, các bác sĩ khuyến cáo rằng thuốc giải rượu, bia không phải “thần dược” mà chỉ là thuốc hỗ trợ. Các viên giải rượu có mặt trên thị trường hiện nay thực chất không phải thuốc mà là một dạng thực phẩm chức năng, thành phần chủ yếu là đường, vitamin B1, B6, PP, acid glutamic, acid fumaric, acid succinic và các enzyme. Nó có tác dụng tạm thời, hạn chế chuyển hóa nhanh rượu thành những chất không gây độc như CO2 và nước.
Rượu khi vào cơ thể sẽ xâm nhập các tế bào và chuyển hóa thành acetaldehyd, một chất gây ra các biểu hiện say rượu, ngộ độc rượu. Các thành phần trong viên giải rượu giúp giảm sự tạo thành acetaldehyd và đào thải nó ra khỏi cơ thể do tác dụng của enzyn chuyển hóa Succinic acid, Fumaric acid, L-gluthamine.
Ai uống nhiều rượu, các viên giải rượu tạm thời này sẽ không thể hóa giải hết lượng rượu, lượng cồn trong rượu nên người uống vẫn say xỉn và ngộ độc.
Ở liều lượng cho phép, những chế phẩm như RU-21, ME-21, Mewol-21, Tylenol, Pamin, Decolgen… có thể giảm nhức đầu, sốt, đau nhức. Những loại thuốc trên làm cho người sử dụng dễ chịu và giữ lại lượng cồn, rượu trong ruột, tức là giữ chất độc lại trong cơ thể mà gan lại không thể lọc chất độc kịp. Hậu quả là gây tổn hại nghiêm trọng tới gan, gây xơ gan và ung thư gan.
Các bác sĩ cũng cảnh báo, dùng thường xuyên, quá liều, các loại thuốc giải rượu sẽ dẫn tới tăng các men gan như AST, ALT, gamma-GT, làm giảm chất bảo vệ gan, làm tăng tổng hợp acid béo và triglyceride trong tế bào gan, làm gan nhiễm mỡ; hoại tử tế bào gan; viêm loét đường tiêu hóa và tử vong.
Rượu, bia dù uống ít hay nhiều, đều là chất độc có khả năng phá hoại hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Hai cơ quan chịu đựng nhiều nhất tác hại của rượu chính là hệ thần kinh trung ương và gan. Khi say lại uống thêm thuốc chắc chắn sẽ gây tương kỵ hoá học không tốt. Nếu phải uống bia, rượu, hãy uống vừa phải, biết điểm dừng. Không nên biến rượu, bia thành bạn hàng ngày.
Thùy Linh
Theo GDVN